Người Quảng Nam

Lần theo dấu xưa xứ Quảng

TRẦN ĐÌNH HẰNG 11/06/2024 14:19

(VHQN) - Việc định danh tên người (nhân danh), vùng đất (địa danh) hay sự vật nói chung (danh từ) giúp biểu đạt những giá trị nội tại độc đáo. Tất cả đều nhằm phản ánh thực tế và thể hiện khát vọng, niềm mơ ước của con người...

sau-mua-gat-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Một góc làng quê. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Hành chính hóa, mỹ tự hóa

Tên đất tên làng còn chuyển tải yếu tố cội nguồn, bởi thổ sản của hệ sinh thái tự nhiên, hệ giá trị lịch sử văn hóa của cộng đồng được kết tinh suốt chiều dài lịch sử vùng đất.

Trong bối cảnh mở cõi về phương Nam, người Việt phải giao lưu, tiếp biến văn hóa với các cộng đồng bản địa, làm nên bức tranh văn hóa đa dạng, đặc trưng, tiêu biểu như Quảng Nam. Trong hành trang mang theo từ cố hương, địa danh là một thành tố quan trọng, được thể hiện rõ nét trong Quảng Nam xã chí.

Tên đất tên làng mang nhiều giá trị, phổ biến trong quan niệm, nếp nghĩ suy. Vì vậy, sự thay đổi đột ngột sẽ dễ làm đứt đoạn, đổ vỡ di sản ký ức làng quê.

Buổi đầu, địa danh làng xã nổi bật yếu tố binh bị trong công cuộc khai hoang được nhà nước khuyến khích. Điền Trang Ô Da Trại ở vùng bắc sông Thu Bồn được người dân từ Nghi Xuân (Nghệ An) tụ cư, từng bước thiết lập xã hiệu và đến thời Minh Mệnh, làng xã lớn mạnh, tách thành hai là làng xã Trang Điền và Ô/Vu Gia (huyện Đại Lộc).

Điền Trang Dưỡng Mông Trại cũng là một làng cổ mà châu bộ Gia Long và Minh Mệnh cho biết rõ; đến thời Thiệu Trị đã có sự tách biệt, đổi thành hai làng xã là Phú Trang và Dưỡng Mông (tổng Xuân Phú, huyện Quế Sơn).

Tiếp xúc với di sản văn hóa bản địa phương Nam, yếu tố “bổn thổ” rất quan trọng, phổ biến việc định danh theo tên Nôm. Điều đó đã gây nên nhiều khó khăn về phương diện hành chính - quốc âm tịnh bất nhã, nên nhà nước cần sự thống nhất văn tự.

Đến thời Minh Mệnh mới có nhiều đợt mỹ tự hóa (gia danh) địa danh làng xã để đạt được “mục tiêu kép”. Đó là những trường hợp làng xã Quảng Nam được đổi tên như Ba Trinh thành Hữu Trinh, Hói Lầm thành Cam Lâm, Ô Kha - Tân Mỹ, Tứ chiếng Đá Ngang - Thạch Bích, Hàm Rồng - Long Châu...

Ký ức di sản

Dù tên Nôm hay Hán, địa danh làng xã luôn phản ánh thực tế và thể hiện khát vọng của người lập làng. Như trường hợp làng Phú Thuận (Quảng Hòa) gắn liền họ Nguyễn Văn từ Tiên Điền (Nghi Xuân, Nghệ An), cùng các tộc Trần Quang, Trần Mậu, Nguyễn Thanh, Phan Lê, lập thành xã hiệu Phú Thọ, sau đổi thành Phú Thuận (Quảng Nam xã chí).

lang-que-tam-phu.-anh-nguyen-dien-ngoc-.jpg
Lệ làng chính là sợi dây kết nối các thế hệ về truyền thống của làng. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Làng Tam Châu (Duy Xuyên) có tên cũ là Đông Phúc Tam châu (bao gồm Mỹ Phú, Đông Phúc Trung - sau là Mỹ Phước và Đông Phúc Nậy/Đại - Phước Cơ). Làng Phước Cơ nổi bật công lao họ Trương, hai họ Nguyễn; tương tự là họ Nguyễn, họ Lương ở làng Mỹ Phước, họ Doãn và hai họ Trần làng Mỹ Phú. Lệ làng quy định sau khi tế lễ, phải truy kính con sinh đến thất tộc hữu công. Sự gắn kết địa danh - nhân danh ở đây là minh chứng cho công lao các ngài thủy tổ ở từng xứ đất cụ thể.

Từ làng gốc phát triển thành nhiều làng, với nhiều địa danh độc đáo. Danh mục xã thôn trong “Phủ biên tạp lục”, hay “Đồng Khánh địa dư chí” cho thấy rõ điều đó, như Hoa Thử xã, Hoa Thử Cai Châm thôn; Đồng Toán xã, Đồng Toán phường; Tư Phú Đông, Tư Phú Tây; làng Ái Nghĩa phân thành Ái Nghĩa Nam, Trung, Đông, Tây...

Qua thời gian, địa danh biến đổi để phù hợp với đời sống cộng đồng trên phương diện hành chính và tự quản. Nhưng tất cả đều chuyển tải thông điệp về tài nguyên và khát vọng, kết tinh những giá trị lịch sử và văn hóa.

Tên đất tên làng mang nhiều giá trị, phổ biến trong quan niệm, nếp nghĩ suy. Vì vậy, sự thay đổi đột ngột sẽ dễ làm đứt đoạn, đổ vỡ di sản ký ức làng quê độc đáo, thậm chí gây sốc bởi những xáo động không cần thiết.

Ổn định là tối quan trọng. Cũng như, phân định được - mất trên nhiều phương diện, nhiều góc độ, sẽ giúp việc ban hành và thực hiện chính sách ngày càng sát thực, hiệu quả tích cực hơn bởi đó không chỉ là cái tên, mà là ký ức lịch sử văn hóa làng xã sống động.

TRẦN ĐÌNH HẰNG