Giảm nghèo - An sinh

Sức sống mới trên huyện nghèo - Bài 2: Những hạt nhân chính trị cơ sở

HỒ QUÂN - LÊ DIỄM 12/06/2024 08:47

Bám sát chủ trương, nghị quyết cấp trên và linh hoạt trong cách thức triển khai thực hiện giúp những chi bộ ở vùng cao huyện Nam Trà My luôn tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong đảng viên. Qua đó, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, nâng cao tinh thần tự giác của đảng viên và từng bước đưa các nghị quyết đi vào đời sống.

chi-bo-2.jpg
Chi bộ thôn 2 (xã Trà Mai) triển khai công tác vận động, hiến đất mở đường. Ảnh: Q.L

Trao động lực thoát nghèo

Tặng sâm Ngọc Linh giống giúp hộ nghèo có sinh kế, phát triển kinh tế gia đình là hoạt đông không còn xa lạ với người dân xã Trà Linh (Nam Trà My). Người khởi phát câu chuyện tặng sâm này là đảng viên Hồ Văn Bim (Chi bộ thôn 3, xã Trà Linh).

Từ việc hiện thực hóa Nghị quyết về giảm nghèo bền vững từ sâm Ngọc Linh của chi bộ, ông Bim quyết định tặng mỗi hộ nghèo từ 3 - 5 cây sâm giống. Năm 2023, ông đã trao sinh kế cho 23 hộ nghèo trên địa bàn thôn.

Ông Bim cũng tạo điều kiện cho một số hộ dân khó khăn làm công tại vườn sâm nhà mình. Tiền công được quy đổi bằng cây sâm giống Ngọc Linh. Vừa có cây giống, vừa tích lũy kinh nghiệm trong quá trình lao động, nhiều hộ đã chăm chỉ gieo trồng, nhân rộng vườn sâm và vươn lên thoát nghèo.

“Tôi được tham gia trồng sâm, hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách nhà nước để phát triển kinh tế gia đình. Giờ có cái ăn, cái mặc thì phải có trách nhiệm hỗ trợ sinh kế lại cho hộ khó khăn hơn để cùng nhau thoát nghèo. Đó là cách đưa nghị quyết vào đời sống nhanh, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của người dân” - ông Bim nói.

sam-thoat-ngheo.jpg
Đảng viên Hồ Văn Bim - Chi bộ thôn 3, xã Trà Linh (ngoài cùng bên phải) tặng sâm giống cho hộ nghèo. Ảnh: Q.L

Ông Hồ Văn Bôi - Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Trà Linh), cho hay việc tặng sâm của đảng viên Hồ Văn Bim đã khơi dậy tinh thần sáng tạo, làm theo nghị quyết của 79 đảng viên người Xê Đăng. Nhờ đó, chi bộ đã thành lập Quỹ giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn bằng cách kêu gọi mỗi đảng viên góp từ 3 - 5 cây sâm con mỗi năm.

“Hộ nào có sức khỏe, có đất trồng trọt nhưng không có tiền mua cây giống thì tặng sâm và hướng dẫn kỹ thuật để họ tự gieo trồng, chăm sóc. Còn hộ lớn tuổi, đi lại khó khăn thì đảng viên trong chi bộ sẽ đảm nhận luôn việc trồng, chăm sóc thay. Đây là nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết của chi bộ, được tất cả đảng viên thống nhất” - ông Bôi cho biết.

Theo ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, tinh thần giúp nhau thoát nghèo đang được chi bộ ở cả 3 thôn cụ thể hóa thành các nghị quyết. Nhờ đó, đến nay toàn xã có 728 hộ với 67 chốt trồng sâm. Ngay cả hộ nghèo, neo đơn, thậm chí khuyết tật cũng có thể trồng sâm bằng sự giúp đỡ của đảng viên. Tiêu biểu như ở chốt trồng sâm Tắk Hrâng, năm 2023, đảng viên và người dân đã tặng khoảng 300 cây sâm cho hộ nghèo.

“Ở mỗi chốt trồng sâm, từ 1 - 3 tháng sẽ triển khai họp một lần. Ở mỗi chốt, đảng viên luôn là đầu tàu trong việc bám chắc chủ trương, nghị quyết của đảng ủy, chi bộ về phát triển sâm Ngọc Linh, chính sách giảm nghèo từ cây dược liệu... để linh hoạt triển khai.

Ngoài tặng sâm, đổi ngày công lấy cây sâm giống, một số đảng viên còn nảy ra ý tưởng cho hộ nghèo mượn sâm giống để họ có trách nhiệm hơn trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cùng các hộ trong chốt.

Khi trồng hiệu quả từ thì tự giác trả lại người đã cho mượn. Dần dà, giúp nhau thoát nghèo đã trở thành nét đẹp của đồng bào Xê Đăng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 15,1%, hiện thực hóa chỉ tiêu trồng mới 323.000 cây sâm mỗi năm của Đảng bộ xã Trà Linh” - ông Dang chia sẻ.

Nền tảng xây dựng nông thôn mới

Nằm ở trung tâm xã Trà Mai, thôn 2 chính là diện mạo của huyện Nam Trà My. Để xứng đáng là hạt nhân chính trị cơ sở có vai trò động lực, Chi bộ thôn 2 luôn bám sát chủ trương cấp trên để hiện thực hóa thành các nghị quyết, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong đảng viên và quần chúng nhân dân.

Chibộ
Đảng viên bám sát nghị quyết để triển khai linh hoạt. Ảnh: Q.L

Tiêu biểu là công tác mở đường trên địa bàn thôn không tốn bất kỳ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nào, người dân đều tình nguyện hiến đất. Điều này đã góp phần giúp xã Trà Mai hoàn thành các tiêu chí về giao thông, thuận lợi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2021.

Ông Ngô Duy Khánh - Bí thư Chi bộ thôn 2 cho biết, buổi đầu ban hành nghị quyết về nâng cao tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ tư tưởng khi xã lên NTM sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi đã nảy sinh “dao động” trong một bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân. Để giải quyết bài toán này, chi ủy sẽ họp và triển khai về 4 tổ đảng.

Tại đây, các chi ủy viên sẽ quán triệt chủ trương cấp trên, nắm bắt ý kiến, tâm tư của đảng viên, sau đó trong cuộc họp chi bộ sẽ thảo luận, giải đáp ý kiến của đảng viên để đi đến thống nhất. Bước cuối cùng là ban hành nghị quyết chi bộ và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên.

“Đảng viên gương mẫu chấp hành tốt sẽ tạo được sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Với tinh thần này, đảng viên của chi bộ đã bám sát nghị quyết, tiên phong hiến đất mở đường và sau đó sẽ vận động người thân, bà con lối xóm và các hộ có đất, vật kiến trúc bị ảnh hưởng.

Bám sát địa bàn dân cư sinh sống và kiên trì vận động thuyết phục, các đảng viên đã thực sự đưa nghị quyết vào đời sống. Hàng chục tuyến đường đã được nâng cấp, mở rộng và bê tông hóa trong niềm vui, phấn khởi của nhân dân” - ông Khánh chia sẻ.

sinh-hoat-chi-bo-t2.jpg
Chi bộ thôn 3 (xã Trà Linh) sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Ảnh: Q.L

Thời gian qua, để khẳng định tính đúng đắn của nghị quyết chi bộ về xây dựng NTM ở làng Tắk Chươm gắn với du lịch cộng đồng, đảng viên Nguyễn Văn Nhượng (Chi bộ thôn 2, xã Trà Mai) đã tiên phong hiến đất, mở đường. Sau đó, ông vận động người thân trong gia đình hưởng ứng, hiến hàng trăm mét vuông đất cho địa phương mở đường, thực hiện công trình công cộng.

Gặp trường hợp khó, ông chủ động báo cáo, đề xuất lên chi bộ để cùng tổ đảng, ban công tác mặt trận thôn vào cuộc, tổ chức đối thoại hoặc đến tận nhà người dân vận động.

Dần dà, những “nút thắt” cũng được tháo gỡ. Bà con trong thôn không chỉ hiến đất, vật kiến trúc mà còn tham gia góp ngày công lao động làm đường bê tông; thường xuyên ra quân dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh ven đường.

Mới đây, Chi bộ thôn 2 nhận nhiệm vụ về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, ông Nhượng cùng 3 đảng viên ở làng Tắk Chươm vận động người dân khôi phục văn hóa cồng chiêng, đan lát, hát ting ting… Đây sẽ một trong những điểm nhấn cho sản phẩm du lịch cộng đồng làng Tắk Chươm trong tương lai.

Theo ông Ngô Duy Khánh, từ hiệu quả của các nghị quyết đã ban hành, 33 đảng viên của Chi bộ thôn 2 càng có thêm tiếng nói ở địa bàn khu dân cư và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương.

Đây là tiền đề để Chi bộ thôn 2 tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, chương trình công tác phù hợp với thực tế, đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Trong đó hiện thực hóa bằng các phần việc để nâng cao tiêu chí đưa Trà Mai đủ điều kiện trở thành thị trấn vào năm 2025.

-----------------------
Bài cuối: Khi cán bộ gần dân

HỒ QUÂN - LÊ DIỄM