Truyện ngắn

Bức hoành phi biến mất

NGUYỄN HIỆP 13/06/2024 10:51

(VHQN) - Cho đến giờ, tôi vẫn chưa hiểu hết mối quan hệ giữa thực và mộng. Thiệt! Chuyện từ lúc xin nghỉ dạy ba ngày đưa Yên Lan, người vợ tương lai về quê ra mắt ba má, chứ trước đây tôi cứ phục mình là thầy giáo gì cũng biết. Đứng trên bục giảng cứ oang oang, da diết lắm.

buc-hoanh-phi-bien-mat.jpg

Vừa về nhà, tôi sững sờ nhìn bức hoành phi dựng đứng ở góc chái bếp. Các sớ lõi gỗ trơ ra, phần giác gỗ qua thời gian đã bung tróc, rụng rơi mang theo gần hết những mảnh màu chữ thếp vàng. Nền gỗ sơn son cũng chỉ còn vài chấm đây đó.

Nhìn kỹ lắm mới nhận ra bốn chữ: “Tích thụ kim hoa”, nhờ lần theo dấu đục khắc trên gỗ. Tôi giải thích cho Yên Lan nghe: “Tích thụ kim hoa”, chữ Nôm, dịch là “Cây xưa hoa nay”, có cây xưa mới có hoa nay…

Yên Lan ngồi xuống, tay vuốt vuốt lên cạnh bức hoành phi, chợt ngẩng lên: Nhìn cứ như các vị La Hán tu khổ hạnh anh hè, chắc phải hơn trăm tuổi?

Câu hỏi của nàng khiến tôi bần thần, bao ưu tư cùng với ký ức ùa về, khu làng cổ, ngôi nhà cổ này đâu chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nó trải qua rất nhiều đời, rất nhiều phận người, với bao thăng trầm theo thời cuộc đổi thay, xoay vần.

Tôi chợt nhớ ngày còn bé, quanh quẩn theo chân ông nội, lúc ấy bức hoành phi còn treo trên ban thờ giữa nhà, hai bên là hai câu đối cũng sơn son thếp vàng. Tôi tò mò hỏi nhiều lần nhưng nội chỉ cười khà khà, “lớn lên tí nữa, nội dạy cho”.

Đột nhiên hôm ấy nội đi thăm ruộng về, tắm rửa sạch sẽ, thay bộ bà ba trắng mới may, kêu hết con cháu quây quần, nội dặn dò đủ thứ chuyện; từ việc đồng áng, thửa ruộng nào “ăn nước” ra sao, be bờ ra sao, đến chuyện nhà cửa, thờ tự; từ lịch các ngày giỗ đến việc lau chùi bài vị phải nhẹ tay thế nào.

Nội đưa tôi và các cháu đồng lứa đến đứng trước ban thờ rồi chỉ lên hai câu đối giảng giải: “Hữu khai tất tiên, công đức tòng lai viễn hỉ” nghĩa là “Mở mang đi trước, công đức đến nay còn mãi”; “Khắc xương quyết hậu, tử tôn phất thế dẫn chi” nghĩa là “Thịnh vượng đến sau, cháu con tiếp nối chẳng rời…”.

Bọn nhóc chúng tôi lúc ấy cứ há miệng đứng nghe, chẳng hiểu gì mấy. Nội vuốt vuốt chòm râu bạc rồi nói thêm: Các cháu lớn lên có thể quên nhiều thứ nhưng phải nhớ lời nội hôm nay! Sống có trước có sau, có trên có dưới thì phúc phần tự khắc đến.

Xong, nội nói: “Các cháu đi chơi đi, để nội ngủ!”. Nội nằm ngay ngắn trên bộ ván sơn đào bên gian nhà phải rồi cứ vậy mà… “đi” luôn theo cơn gió hiu hiu trưa hè. Cha tôi khóc thét đầu tiên khi thấy ngực nội không còn phập phồng …

Đây là lần đầu, tôi đưa Yên Lan về ra mắt ba má và cũng là để nàng hiểu hơn về quê tôi. Nàng rất thích tên làng tôi, bây giờ vẫn giữ được, gọi là thôn Thủy Tiên.

Nàng nói: Tên làng anh hay quá, dễ thương quá, người sinh ra ở đây chắc lãng mạn lắm. Tôi cười: Em thấy anh có lãng mạn không? Yên Lan không nói gì. Chợt nàng ngước lên hỏi tôi về con sông chảy ngược của quê tôi cũng tên Tiên…

Em à, dòng sông Tiên quê anh là hợp lưu của rất nhiều “nàng tiên” lớn nhỏ. Tương truyền có cô tiên, con gái của một vị sơn thần đã nhiều lần xin cha cứu người dân đang lâm vào cảnh đói kém chết chóc do hạn hán nhưng xin mãi không được.

Vì quá đau lòng nên đợi lúc cha ngủ say, nàng tiên ấy đã tự tay khơi thông dòng sông chảy về hướng Tây để tránh ánh nắng nóng rực hướng Đông.

Nghe tiếng nước réo ầm ầm, vị sơn thần tỉnh giấc, hốt hoảng ném cả kho vàng đang nắm giữ để ngăn dòng nước lại nhưng đã muộn rồi…

Từ đó dòng nước sông Tiên lẫn lộn rất nhiều vàng, dưới ánh nắng hắt từ hướng Đông, dòng sông nước chảy ngược ấy như một dòng vàng lỏng lấp lánh, lấp lánh từ thượng nguồn cho tới hạ lưu…

Tôi đưa Yên Lan về làng Thủy Tiên của mình vào dịp tháng Chín nên các vườn lòn bon lúc lỉu, vàng rực khắp nơi. Má tôi hái mấy chùm đã đầy cái nón lá, tôi và nàng xúm xít, líu lo như hai đứa trẻ nhận quà.

Yên Lan vừa ăn lòn bon vừa xuýt xoa: Ôi! Em mê quê anh quá! Tôi vặn lại: Mê quê hay mê anh? Yên Lan ứ một tiếng dài rồi rượt tôi chạy vòng quanh vườn lòn bòn đang mùa chín tới…

Tôi vấp chân trên bãi cỏ nằm xoài ra khiến Yên Lan cũng mất đà ngã ập vào người tôi. Khẽ đặt lên môi nàng nụ hôn thắm thiết, tôi lại tự hào kể cho nàng nghe chính loại trái cây ngòn ngọt chua chua này đã từng cứu đoàn quân của chúa Nguyễn Ánh khỏi đói khát. Về sau, mỗi khi tháng Chín đến, vua lại ban dụ yêu cầu cung tiến loại trái cây này và còn cho cả người về giữ gìn rừng cây quý.

Qua ánh mắt của Yên Lan, tôi biết nàng rất tự hào về làng Thủy Tiên của nhà chồng tương lai. Trong bữa cơm gia đình hôm ấy, nhân nhắc đến bức hoành phi ở góc nhà mà tôi và Yên Lan vừa lau chùi sạch sẽ đem lại vô nhà, ba tôi nhắc đến hiện trạng làng quê chỉ còn người già, lại nay tách mai nhập; một số làng cũng tách giờ nhập xem như châu về hợp phố nhưng cũng có những nơi mất luôn tên làng thì thật đáng tiếc, có lỗi với tiền nhân…

Đêm, ngay trên chiếc giường mình đã ngủ nghê từ thuở con nít con nôi, tôi chìm vào cơn ác mộng. Có gì đó như là đám mây hình mặt người mờ ảo, cứ nhăm nhăm ăn lấy ăn để tên làng Thủy Tiên của tôi.

“Gã” ấy gặm tên làng tới đâu thì bức hoành phi trên ban thờ của nhà tôi cũng bị mất đi đến đấy. “Gã” gặm nhai gần hết tên làng khiến tôi thất kinh hồn vía, tim đập thình thịch trong lồng ngực.

“Không!”, tôi gào lên. “Không được ăn tên làng!”… Tôi hét lên. Tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vì sợ. Tôi thức giấc dụi mắt, gọi cả Yên Lan dậy ngay trong đêm, chúng tôi cùng bàng hoàng khi thấy bức hoành phi đã biến mất.

Chúng tôi cùng sục sạo tìm kiếm, ba má tôi cũng đi soi đèn khắp nơi nhưng đành lắc đầu bất lực. Bức hoành phi đã thực sự biến mất, biến - mất - vĩnh - viễn…

NGUYỄN HIỆP