“Cứ địa” người Quảng trên cao nguyên
(VHQN) - Cao 700m trên cao nguyên Pleiku, những rẫy cà phê, hồ tiêu của người Quảng tươi tốt trên đất đỏ bazan trù phú. Từ lứa di dân đầu tiên lập làng, đến nay vùng đất này đã trải qua 4-5 thế hệ.
Từ TP.Pleiku xuôi về hướng Biển Hồ chừng 20km là đến “cứ địa” người Quảng tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai). Dọc đường đi, những quả đồi uốn lượn, bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, chanh dây đang mùa trĩu quả.
Xứ Quảng thu nhỏ
Nhìn từ trên cao, xã Nam Yang tựa hình con dơi đang sải cánh bay về hướng Biển Hồ. Người dân sống tập trung trong khu dân cư được quy hoạch ngay hàng thẳng lối ở chính giữa, bao bọc hai bên “đôi cánh dơi” là ruộng rẫy cư dân.
Gọi là “cứ địa” người Quảng giữa miền cao nguyên là bởi toàn xã Nam Yang gần 100% rặt người Quảng Nam. Dọc đường vào xã, nhà cửa san sát, kiến trúc không khác gì những làng quê ngoài Quảng.
Bao lứa di dân lập làng, nhiều thế hệ sinh ra lớn lên tại đây nhưng bà con sống quần tụ nên giọng nói vẫn giữ âm điệu quê cũ. Trên đường làng, các bà, các ông vẫn oang oang “mô, tê, răng, rứa” cùng hàng núi “từ vựng” mà chỉ người Quảng với nhau mới hiểu nổi.
Tranh thủ trưa vắng, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Tẩu (94 tuổi) - thế hệ di dân đầu tiên, hỏi thăm gốc tích ngôi làng. Cụ móm mém bảo lứa ra đi cùng thời rơi rụng gần hết vì tuổi già, bệnh tật.
Vốn hoạt động cách mạng tại quê nhà Cổ Linh, xã Bình Sa (Thăng Bình), ông và nhiều đồng hương bị chính quyền Ngô Đình Diệm cưỡng ép di dân theo chương trình Dinh điền ngay trong đợt đầu vào năm 1957.
Ngoài mục đích bóc tách người cộng sản ra khỏi quê nhà, chương trình nhằm đưa dân miền Trung lên cao nguyên phát triển đồn điền cao su cho chính quyền miền Nam.
Qua 5 đợt di dân, khu dinh điền tiếp nhận đa số là người dân từ các xã vùng Đông Thăng Bình và Tam Kỳ. Để nhớ về quê cũ, lứa di dân đầu tiên đặt tên khu dinh điền là Kỳ Bình - tên ghép giữa Tam Kỳ và Thăng Bình.
Ngay tên gọi xã Nam Yang như ngày nay cũng được bà con giải nghĩa là vùng người Quảng tại Mang Yang (trước khi tách thành hai huyện Đăk Đoa và Mang Yang).
Gởi lòng mình về quê hương
Cụ Tẩu xúc động kể những ngày đầu khốn khó. Chừng 70 năm trước, nơi này rừng hoang thú dữ, ban đêm cọp beo lượn lờ quanh làng, không ai dám ở ngoài khi trời tắt nắng.
Để có chỗ ở, cứ 4 gia đình chia thành một tốp đi chặt tre nứa, đóng phên dựng nhà ở chung. Cơm ăn bữa đói bữa no, hầu như ai cũng trải qua đôi lần sốt rét vàng da xanh mặt.
Không ít di dân đã bỏ mạng giữa chốn rừng thiêng nước độc vì bệnh tật hành hạ, số khác không chịu nổi cơ cực tìm đường về lại quê cũ. Đến khi chế độ họ Ngô sụp đổ, người dân bắt đầu khai phá đất đai lấy nơi canh tác. Cuộc sống mới dần dễ thở.
Sau ngày đất nước thống nhất, đời sống bà con tốt hơn khi vùng này bắt đầu phát triển cây cà phê, hồ tiêu. Vùng đất lại tiếp nhận thêm dòng di dân mới là bà con họ hàng từ quê nhà lên tìm cơ hội phát triển kinh tế. Gần 70 năm ly hương, nhiều gia đình đã có 3-4 thế hệ sinh ra trên vùng đất mới, nhưng bà con vẫn rất nặng lòng với quê nhà.
Bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên - Chủ tịch UBND xã Nam Yang (người gốc Tam Kỳ), bảo hàng năm mỗi độ tháng Chạp đêm nào cũng có 3-4 chuyến xe giường nằm đông kín bà con về quê chạp mả. Những tháng trong năm, hầu như gia đình nào cũng về thăm quê vài ba bận kết hợp đám đình, giỗ quảy bà con, họ hàng.
Từ 2.500 di dân ban đầu, toàn xã Nam Yang giờ có khoảng 10.000 dân. Ngoại trừ một số dâu, rể quê khác không đáng kể thì gần như toàn bộ là dân Thăng Bình - Tam Kỳ. Ngoài Nam Yang, tại huyện Đăk Đoa, người Quảng còn sống tập trung nhiều tại xã Tân Bình.
Không chỉ mang theo tên làng tên xã, những di dân Thăng Bình còn mang theo củ khoai lang Trà Đỏa lên miền cao nguyên. Vốn chỉ là loại củ cứu đói trong những năm đầu đến vùng đất mới, nay củ khoai lang Trà Đỏa nức tiếng Gia Lai, với tên gọi khác là khoai lang Lệ Cần.