Nhà nước và cử tri

Chưa có nghiên cứu về việc cây keo làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, khô cằn đất

H.QUANG 14/06/2024 09:29

Thời gian qua, cây keo đã góp phần mang lại nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc canh tác loại cây trồng này quá nhiều đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, biến đổi khí hậu, khô cằn đất... Đề nghị UBND tỉnh đánh giá tổng thể hiệu quả của loại cây trồng này, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi loại cây trồng phù hợp.

Đây là kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trả lời kiến nghị này, UBND tỉnh cho rằng hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học kết luận việc trồng cây keo là làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, biến đổi khí hậu, khô cằn đất...

Cây keo thuộc danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính được quy định tại Thông tư số 22 ngày 29/12/2021 của Bộ NN&PTNT. Về đặt tính sinh lý, cây keo có tác dụng cải tạo đất, bởi giống cây keo có bộ phận rễ đặc biệt với nốt sần ký sinh có chứa vi khuẩn với tác dụng tổng hợp nguồn đạm cho cây trồng, nhờ đó có thể giúp cho đất trở nên màu mỡ.

Về đặc điểm sinh học: cây keo là loài cây mọc nhanh, thích nghi với nhiều điều kiện lập địa khác nhau, biên độ trồng rộng. Cây keo có thể sinh trưởng ở những điều kiện lập địa khắc nghiệt mà những loài khác không thể sinh trưởng phát triển.

Với đặc điểm sinh lý và sinh học của cây keo như đã nêu trên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã trồng hơn 210.000ha. Vì vậy, việc trồng cây keo làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, biến đổi khí hậu, khô cằn đất... cần phải có nghiên cứu khoa học cụ thể.

Tuy nhiên, cây keo là cây mọc nhanh, dễ bị gãy đổ do gió bão, tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu, tuyển chọn các loài cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa; từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu để phục vụ công nghiệp chế biến, lấy gỗ làm nhà và các công trình văn hóa trên địa bàn miền núi; ưu tiên trồng các loài cây bản địa phù hợp với thổ nhưỡng...

Về cơ chế, chính sách, trong những năm qua, với mục tiêu góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, HĐND tỉnh đã ban hành một số cơ chế chính sách cho các huyện miền núi phát triển sản xuất, trong đó có Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 Quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025, định hướng phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác ở quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung;

Nghị quyết số 17 ngày 17/12/2019 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 40 ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2025.

Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo ngành NN&PTNT xây dựng Đề án hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn kết hợp hỗ trợ gạo đối với diện tích đất nương rẫy chuyển đổi sang trồng rừng. Do vậy, các ban, ngành, địa phương tuyên truyền vận động để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, từng bước chuyển đổi rừng trồng cây keo (gỗ nhỏ) sang rừng trồng gỗ lớn.

H.QUANG