Quảng Nam thôi thúc khát vọng giảm nghèo
Muốn giảm hộ nghèo bền vững, ngoài nguồn lực đầu tư thì việc nâng cao ý thức, khơi dậy khát vọng giảm nghèo là rất cần thiết.
Nâng cao nhận thức
Hai huyện nghèo là Phước Sơn và Bắc Trà My đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880, ngày 22/7/2022.
Muốn thoát khỏi huyện nghèo, cả hai địa phương đều phải giảm tỷ lệ hộ nghèo 6-7%/năm mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn khoảng 20% dân số thuộc diện nghèo.
Đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, Phước Sơn và Bắc Trà My sẽ được ưu tiên hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và duy tu bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, nhằm tạo sự đột phá, động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, để thực hiện đạt mục tiêu, cả hệ thống chính trị huyện Phước Sơn đang vào cuộc, với giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là công tác tuyên truyền. Làm sao để từ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp đến người dân đều nâng cao ý thức về mục tiêu và quyết tâm thoát nghèo bền vững.
“Để hỗ trợ hộ nghèo, cần xác định rõ nguyên nhân, từ đó có các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ hiệu quả thiết thực. Đồng thời phải gần gũi, chia sẻ, động viên và phân tích cho người nghèo nhận rõ rằng Nhà nước hay cộng đồng chỉ hỗ trợ, còn chính họ mới là nhân tố quyết định đến sự giảm nghèo bền vững của gia đình mình chứ không ai khác” - ông Điểm nói.
Chung quan điểm và cách làm, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, địa phương sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xã và thôn đặc biệt khó khăn, địa bàn có nhiều hộ nghèo, hộ chính sách nghèo, hộ đăng ký thoát nghèo bền vững.
Với người dân thì ưu tiên hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm theo hướng liên kết chuỗi tạo hướng đi bền vững. Bắc Trà My lựa chọn 3 cây “cây ăn quả, dược liệu, quế Trà My” và 3 con “bò, dê, heo đen” để tập trung phát triển kinh tế gia đình trong nhân dân.
Tập trung nguồn lực
Lồng ghép nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án, chính sách, hoạt động khác đang triển khai trên cùng một địa bàn để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững là quan điểm xuyên suốt của tỉnh Quảng Nam từ đầu giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó là huy động các nguồn lực hỗ trợ từ phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi năm, tỉnh phấn đấu giảm ít nhất 2.900 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm hơn 6%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này là phải đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Đích đến là hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các huyện nghèo được hỗ trợ mọi nguồn lực để từng bước bước thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nhiều giải pháp trong giảm nghèo bền vững được tỉnh thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025. Đến nay, trong quá trình thực hiện phát sinh những vướng mắc từ cơ chế chính sách cho đến thực tiễn.
Từng “nút thắt” được tháo gỡ bằng rất nhiều cuộc làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh với các huyện, kiến nghị tháo gỡ của tỉnh đối với các bộ ngành Trung ương.
Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nghị quyết này đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lâu nay, khi nhiều nội dung cho phép địa phương được tự điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn từ dự án, tiểu dự án này sang dự án, tiểu dự án khác có nhu cầu, có đối tượng thực hiện và giải ngân hết vốn để phát huy hiệu quả, đảm bảo đạt mục tiêu chung của chương trình.