Đời sống

Xây dựng đời sống văn hóa ở Thăng Bình

ĐÌNH HIỆP 14/06/2024 10:04

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Thăng Bình có nhiều khởi sắc từ xây dựng gia đình văn hóa thôn, khu phố văn hóa đến cơ quan văn minh.

Đời sống văn hóa ở Thăng Bình có nhiều khởi sắc. Ảnh: ĐÌNH HIỆP
Đời sống văn hóa ở Thăng Bình có nhiều khởi sắc. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Xây dựng gia đình, tộc họ văn hóa

Gia đình ông Lê Trung Phổ ở thị trấn Hà Lam nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Theo ông Phổ, để xây dựng một gia đình đạt chuẩn văn hóa, bên cạnh phát triển kinh tế thì việc gương mẫu trong lối sống là điểm tựa để con cháu noi theo. Trong 20 năm qua, với sự gương mẫu đó, ông Phổ được người dân dân tin tưởng bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố.

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Thăng Bình được triển khai cụ thể, sâu sát đến từng người dân với phương châm “gia đình văn hóa phải luôn gắn với gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ”.

Bên cạnh đó, huyện đã thành lập 19 câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về cách làm hay, sáng tạo trong việc giáo dục con cái, phòng chống bạo lực gia đình.

Tiêu biểu như mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống” ở thị trấn Hà Lam, xã Bình Phục hay CLB Phòng chống bạo lực gia đình ở xã Bình Chánh, Bình Tú…

z5266681768151_142b9120e987db01e4a35176ec34135c.jpg
Gia đình ông Lê Trung Phổ nhiều năm liền được công nhận Gia đình văn hóa tiêu biểu. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Công tác xây dựng tộc, họ văn hóa luôn được các địa phương quan tâm. Vai trò của dòng tộc được phát huy trong việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Như xây dựng mô hình “Tộc không sinh con thứ ba trở lên”, “Tộc tự quản an ninh trật tự”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”...

Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng dòng họ Lê Văn (Bình Chánh) chia sẻ: “Ngoài việc thường xuyên đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, Hội đồng gia tộc còn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con cháu hay các mâu thuẫn nhỏ cũng được các gia tộc tự hòa giải ổn thỏa. Cứ đến ngày rằm chúng tôi gặp mặt một lần để chia sẻ, nắm bắt tâm tư đời sống mỗi thành viên, ai đau ốm sẽ đi thăm, ai khó khăn sẽ giúp đỡ”.

z5190312124248_89682a39bfc80e8a39abb5f70d5733e6.jpg
Nhiều giải thể thao được tổ chức phục vụ đời sống tinh thần cho người dân. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Đến nay, toàn huyện Thăng Bình có 45.854 hộ được công nhận Gia đình văn hóa (83,04%); có 71 Gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền (2018 - 2023); 253/329 tộc đạt danh hiệu Tộc văn hóa. Hội đồng gia tộc thực hiện tốt quy ước tộc họ, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.

Tiêu biểu như tộc Nguyễn Văn (xã Bình Tú), tộc Trần Văn (Bình Định Bắc), tộc Triệu (Bình Nam), tộc Lê Văn (Bình Chánh), tộc Phạm Đức (Bình Định Nam).

Tạo nền tảng phát triển xã hội

Phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hóa cũng được người dân hưởng ứng tích cực. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình như phong trào hiến đất làm đường, trường học.

z5264372066309_b2d6552829ab84cd3543b39a8939a942.jpg
Lễ hội Bà Chợ Được là lễ hội văn hóa nổi bật ở Thăng Bình: Ảnh: QUÂN HIỆP

Toàn huyện có 86/106 thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa (81,13%). Một số thôn đạt chuẩn văn hóa nhiều năm liền như thôn Lạc Câu (Bình Dương), thôn Tú Trà (Bình Chánh), thôn Sơn Cẩm Nga (Bình Lãnh), thôn Bình Hiệp (Bình Phục). Ngoài ra, còn có 122/128 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, cơ quan văn minh.

Để phát triển toàn diện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, 22 xã, thị trấn đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm các trang thiết bị phục vụ nhu cầu thể dục, thể thao của người dân. Năm 2023 có hơn 10 giải thể thao cấp huyện, gần 100 giải thể thao cấp xã, thôn được tổ chức. Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được trùng tu, gìn giữ và phát huy giá trị.

Trao Giấy công nhận thôn, khu phố văn hóa năm 2023. Ảnh: ĐÌNH HIỆP
Trao giấy công nhận thôn, khu phố văn hóa năm 2023. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Thăng Bình cho hay: “Năm 2023 là khoảng thời gian đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào này của Thăng Bình.

Từ phong trào đã xuất hiện những mô hình hay, nhiều gương điển hình tiên tiến có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân. Các giá trị về văn hóa truyền thống được gìn giữ.

Trong đó, đối với giá trị văn hóa phi vật thể được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn như lễ hội Bà Chợ Được, lễ hội Cầu ngư, hô hát bài chòi, diễn xướng hát chèo bả trạo… Phong trào này đã tạo động lực rất lớn trong thi đua lao động sản xuất, cùng xây dựng một xã hội lành mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

ĐÌNH HIỆP