Kinh tế

Quảng Nam và chuyện "hậu tiếp doanh nghiệp định kỳ"

Nhật Phong 14/06/2024 10:41

Không phải đây là lần đầu tiên Công ty CP kỹ thuật Nhân Thịnh tìm đến cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ. Tháng 8/2021, doanh nghiệp này đã từng “kêu cứu” chính quyền tỉnh về việc này.

Kết luận của buổi tiếp doanh nghiệp sau đó đã chỉ rõ: “Giao UBND TP.Hội An chịu trách nhiệm làm việc với Công ty CP kỹ thuật Nhân Thịnh rà soát hồ sơ liên quan đến xây dựng Trường Mẫu giao Tân An, có văn bản trả lời cụ thể với những vướng mắc của Nhân Thịnh, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo trước ngày 30/8/2021”. Thế nhưng, gần 3 năm qua, sự việc vẫn không có hướng giải quyết cho đến tận bây giờ.

Tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng là “sáng kiến”cải thiện môi trường đầu tư của địa phương trong 10 năm qua. Thông qua các cuộc tiếp xúc này, lãnh đạo tỉnh đã biết nhiều hơn những nỗi khổ của doanh nghiệp âm thầm chịu trận từ sự tắc trách, quan liêu, vô cảm của các cơ quan công quyền và địa phương.

Nhiều doanh nghiệp đã được “cứu”, doanh nghiệp có thêm niềm tin vào chính quyền, khi những “tiếng kêu” đã có người phản hồi nhanh chóng!

Tuy nhiên, không phải kiến nghị nào của doanh nghiệp cũng được xử lý thỏa đáng. Khá nhiều doanh nghiệp phải đăng ký gặp gỡ rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa có được kết quả cuối cùng.

Kết thúc mỗi phiên họp đều có kết luận của lãnh đạo tỉnh, giao cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực thi việc xử lý, giải quyết, nhưng một số kết luận chưa được các cơ quan thừa hành thực hiện. Không có một con số thống kê cụ thể về chuyện giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đến đâu, như thế nào.

Trong 10 năm qua, khá nhiều cuộc tiếp xúc doanh nghiệp đã phải bị hủy bỏ vì không có doanh nghiệp nào đăng ký tham gia. Trên thực tế, chưa có khảo sát để biết doanh nghiệp không còn gặp khó, có quá nhiều kênh tương tác hay “bất tín nhiệm” trước các giải quyết của chính quyền... đã khiến họ ngày càng ít “tha thiết, mặn mà” với những cuộc tiếp xúc định kỳ?

Thành công của những cuộc tiếp xúc định kỳ sẽ phải được đo đếm, định lượng bằng chuyện giải quyết, đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp hay không, chứ không thể chỉ dừng lại ở những kết luận rồi không ai giải quyết.

Những giải quyết không rốt ráo, chưa tác động đến doanh nghiệp bằng sự minh bạch trên thực tế thì nguy cơ dẫn đến sự “xói mòn” niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý, sẽ dẫn đến một môi trường đầu tư lập lờ và những cuộc đối thoại, kiểm tra, khảo sát cũng chỉ là hình thức.

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị VN Đà Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam nói, khi khó khăn, doanh nghiệp mới tìm đến chính quyền, cơ quan quản lý.

Một khi lãnh đạo tỉnh đã kết luận, thì các sở, ngành, địa phương thực hiện cần ấn định thời gian, hiệu quả công việc cụ thể. Nếu kết luận xong rồi để đó thì vô nghĩa.

Cần có sự giám sát thực sự hiệu quả về chất lượng thực hiện những cải cách. Khi có niềm tin về các giải quyết kiến nghị, doanh nghiệp sẽ ngày càng trọng thị cơ quan công quyền hơn.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã từng than phiền tại sao có quá nhiều doanh nghiệp trở lại để trình bày các ý kiến đã cũ. Các kiến nghị của doanh nghiệp phải được xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất có thể, có thời hạn ấn định cụ thể.

Không để doanh nghiệp tốn thời gian đi lại, kiến nghị nhiều lần hoặc chờ đợi quá lâu mà không ai giải quyết. Cơ quan quản lý, địa phương phải trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp.

Nhật Phong