Đời sống

Thử nghiệm thành công máy phá bèo trên sông Bàn Thạch

NGÂN THÀNH 15/06/2024 12:41

(QNO) - Thời gian qua, bèo (lục bình) phủ kín nhiều sông, hồ trên địa bàn TP.Tam Kỳ gây ách tắc dòng chảy, ghe thuyền đi lại, ô nhiễm môi trường. Chính quyền thành phố thực hiện nhiều giải pháp nhưng không hiệu quả nên nhờ doanh nghiệp sáng chế máy phá bèo đưa vào thử nghiệm rất hiệu quả.

Sau 4 ngày dùng máy phá bèo đoạn sông Bàn Thạch qua phường Hòa Hương và Phước Hòa (TP.Tam Kỳ) mặt nước thông thoáng, ghe thuyền có thể đi lại. Bèo, rau muống, cỏ bị máy băm nhỏ mất khả năng tái sinh được nước cuốn trôi đi.

dji_0253.jpg
Bèo phủ kín mặt sông Tam Kỳ đoạn qua Cồn Thị được máy băm nhỏ. Ảnh: NT

Tại thành TP.Tam Kỳ, nhiều năm qua bèo phát triển quá lớn, dày đặc trên các sông và hồ điều tiết. Bèo làm tắc nghẽn các dòng chảy, cản trở giao thông, một số nơi ảnh hưởng đến hệ sinh thái khi bị bịt kín. Mùa mưa lũ bèo tấp vào cầu cống cản dòng chảy, nước thoát không kịp gây ngập một số vực nội thị.

Đặc biệt trên nhánh sông Bàn Thạch bị cụt, song song với đường Bạch Đằng kéo dài từ phường Tân Thạnh, Phước Hòa đến Hòa Hương bèo phát triển nhanh. Chúng kết hợp với cỏ, rau muống xếp kín, mắc chặt trên sông làm tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nhiều đoạn bèo kết dày, nước tụ đọng bị ô nhiễm, trên mặt lớp tảo xanh xuất hiện. Người dân đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả.

Đoạn sông trên đường Bạch Đằng, phường Tân Thạnh giáp Phước Hòa bị ô nhiễm do nước trong hồ Nguyễn Du chảy ra ứ đọng do bèo phủ kín. Ảnh: NT
Đoạn sông trên đường Bạch Đằng, phường Tân Thạnh giáp Phước Hòa bị ô nhiễm vào mùa nắng nóng do nước trong hồ Nguyễn Du chảy ra, bèo phủ kín dày đặc hai bên gây ách tắc dòng chảy. Ảnh: NT

Trước tình trạng bèo phủ kín trên sông, hồ, chính quyền TP.Tam Kỳ huy động nhiều đoàn thể, Công ty CP Dịch vụ công ích thành phố vớt nhưng tốn công sức và tiền của. Bởi thu dọn bèo tốn nhiều thời gian nhưng chúng lại phát triển nhanh.

Để tiêu diệt bèo, chính quyền thành phố nhờ ông Cao Xuân Dũng - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Cao Xuân Dũng chuyên ngành kết cấu thép, nhà xưởng sáng chế máy phá bèo. Mặc dù không phải chuyên ngành cơ khí chế tạo, song ông Dũng đã nhận lời và tự nghiên cứu, thiết kế máy phá bèo.

anh 5
Ông Cao Xuân Dũng, người sáng chế máy phá bèo. Ảnh: NT

Ông Dũng cho hay vì lý do đó ông bỏ ra một tuần nghiên cứu, kết hợp tham khảo tài liệu trên mạng hoàn thành bản vẽ. Sau một tháng công nhân thi công, máy phá bèo dài 6m, rộng 2,2m hoàn thành. Trên máy lắp động cơ 25 mã lực để di chuyển tốc độ 10km và một động cơ dùng để chặt bèo với công suất 24 mã lực.

Máy chỉ cần hai người, mỗi ngày 8 giờ nơi bèo dày phá được 1ha, nơi bèo thưa hơn 2ha. "Lực đập rất mạnh nên khi gặp vật cứng như gỗ, tre bị phá nát", ông Dũng cho hay và nói thêm máy phá bèo đã có nhiều nơi làm nhưng không phù hợp ở Quảng Nam. Vì Quảng Nam khí hậu nắng nóng, bèo héo rất dai, nhiều nơi bèo bị chết khô héo. Nếu thiết kế giống như các nơi sẽ khó cắt đứt nên phải thiết kế máy tạo lực lớn, mạnh chặt đứt dù bèo có dai.

anh 4
Máy phá bèo dài 6m, rộng 2,2m được thiết kế động cơ có công suất 25 mã lực giúp di chuyển tốc độ 10km và một động cơ để chặt phá bèo với công suất 24 mã lực. Ảnh: NT

Sau khi hoàn thành, ngày 11/6, ông Dũng đưa xuống sông Bàn Thạch thử nghiệm chặt phá bèo. Máy được bàn giao cho Công ty CP Dịch vụ công ích Tam Kỳ vận hành. Máy hoạt động ổn định đã phá sạch bèo trên sông Bàn Thạch, đoạn chảy qua phường Hòa Hương và Phước Hòa.

Những đoạn ven bờ nước cạn chưa thể phá, do máy không vào được. "Chi phí làm máy hơn 220 triệu đồng, doanh nghiệp làm nột cái hỗ trợ thành phố Tam Kỳ và không sản xuất thương mại. Những đơn vị nào cấp thiết để phá bèo, tôi cung cấp bản vẽ thiết kế để làm" - ông Dũng chia sẻ.

Ông Trần Quốc Trung - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Công ty CP Dịch vụ công ích TP.Tam Kỳ, cho biết đơn vị đã đưa một số máy vào thử nghiệm nhưng không hiệu quả. Bởi các dòng sông nơi sâu, nơi cạn nên máy đưa về không phù hợp.

"Riêng máy do ông Dũng thiết kế đưa vào thử nghiệm đã vận hành hiệu quả. Máy này băm tốc độ nhanh, băm nhỏ, tách nhỏ từng mảng. Bèo sau đó trôi đi tạo dòng chảy, ghe thuyền lưu thông trên sông", ông Trung đánh giá và cho hay so với con người thì máy phá bèo mang lại hiệu quả gấp nhiều lần. Hiện máy hoạt động ổn định và đơn vị tiếp tục sử dụng phá bèo trên sông, hồ trên địa bàn thành phố.

anh 1
Nhánh sông Bàn Thạch song với đường Bạch Đằng bị bèo tấn công nhiều năm qua. Ảnh: NT
anh 2
Đoạn sông cụt giáp khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh bị bèo, cỏ, rau muống phủ kín. Ảnh: NT
anh 6
Bộ phận phá bèo thiết kế bốn lưỡi dao, mỗi cái dài 60cm, chìm dưới nước 25cm được truyền lực quay tốc độ nhanh cắt nhỏ bèo, cỏ, rau muống. Ảnh: NT
anh 7
Anh Phạm Quốc Tánh (phía trước) và Hoàng Đức Tám, nhân viên Công ty CP Dịch vụ công ích TP.Tam Kỳ sau khi được chuyển giao phụ trách vận hành. Ảnh: NT
anh 8
Những đám bèo dày đặc được kết dính với cỏ, rau muống bị tách ra và băm nhỏ. Ảnh: NT
anh 9
Phía trước được thiết kế khung sắt bịt kín nên khi bèo bị phá không bay lên thuyền. Máy đi đến đâu thì bèo bị tách ra và băm nhỏ. Ảnh: NT
anh 10
Khu vực ven bờ máy phá theo kiểu luống cày, hết lối này này đến lối kia. Ảnh: NT
anh 11
Bèo bị máy băm nhỏ trôi trên sông không có khả năng phát triển và bị chết. Ảnh: NT
anh 12
Sông Bàn Thạch chảy qua cầu Kỳ Phú 1 được máy phá hết bèo, mặt nước thông thoáng. Ảnh: NT
anh 13
Ghe thuyền lưu thông thuận lợi khi bèo được phá. Ảnh: NT

NGÂN THÀNH