Ông Hỉ bán mỳ ký
Tiệm mỳ ký của ông Tình nằm ở giữa xóm, rẽ vòng vèo ba con hẻm ngang đoạn bờ rào đầy hoa dâm bụt là tới. Ông Tình điếc nên ai nói gì cũng nghe tiếng được tiếng mất.
Người ta nói ông điếc giả đò, bởi ông toàn nghe có chọn lọc. Khi có kẻ chửi rủa, tự dưng ông điếc ngang, đợi họ tuôn xối xả một tràng, ông lau nước miếng dính trên mặt, hả họng ra: “Hỉ”. “Hỉ, anh nói cái chi tui nghe không rõ?”. Đó, tức điên lên được nhưng làm chi còn sức chửi tiếp. Thôi bỏ qua trất cho rồi.
Ông cứ “hỉ” riết nên người trong xóm gọi luôn là Tình Hỉ, rút gọn thành ông Hỉ. Lò mỳ lá của ông đỏ lửa suốt mấy chục năm, từ thời bà vợ của ông đương xuân xanh ngồi thổi trấu, tới nay bà đã yên ắng dưới nắm đất thì ông vẫn giữ nghề cũ.
Người quê ông Hỉ ăn mỳ đôi khi không cần xắt sợi, chẳng cần nhưn gà hay nhưn thịt. Mở hũ mắm cái bay mùi thơm điếc mũi, phi ít củ nén đập dập trong dầu phụng, dằm trái ớt bay cay nồng, xé miếng mỳ lá cuộn tròn lại chấm vào, vừa ăn vừa hít hà. Ngon quíu lưỡi! Bụng đang đói mà có lá mỳ chấm mắm cái là đúng bài, bao nhiêu ăn cũng hết, dù no cành hông vẫn thòm thèm.
Hồi đó nhà ông Hỉ nghèo xơ, tới chén mắm cái còn phải đi xin nên được bữa mỳ lá chấm mắm là mừng hết lớn. Ông nhớ miết trận bão to năm mười sáu tuổi, má đội nón cời lội sang lò mỳ duy nhất của thôn để mượn gạo. Nhưng chái bếp ốm yếu nhà ông đã sụp mái trôi theo dòng nước rồi, không có củi lửa chẳng lẽ nhai gạo sống. Bà chủ lò mỳ cho hũ mắm cái kèm bọc mỳ lá, nhờ đó mà cứu cả nhà.
Mang ơn hàng xóm, ông Hỉ thường xuyên ghé nhà giúp đỡ mấy việc lặt vặt. Qua lại chừng ba, bốn năm, ông trở thành con rể của chủ lò mỳ. Ngày cưới, hoa dâm bụt nở đỏ rực kết thành cổng đón dâu. Ông Hỉ mừng rơm rớm khi cưới được cô vợ hiền ngoan đảm đang nhất thôn. Má vợ già yếu nên đóng bếp lò, truyền nghề xay bột, pha bột, tráng mỳ lại cho ông, hai vợ chồng nhờ đó có đồng ra đồng vào dư dả hơn trước.
Ông Hỉ cắt tấm tôn lá đóng đinh vào mấy thanh tre làm thành tấm biển, dùng bút lông ghi hai chữ “Mỳ ký”. Lợp mái che ở sân, dựng bàn để chồng mỳ vừa tráng xong từ lò đất bên cạnh, đặt cái máy cắt sợi mỳ quay bằng tay.
Ông đổ nửa bao vỏ trấu vào lò, lụi cụi nhóm lửa. Đặt nồi nước sôi bịt vải lên bếp lò, từ từ múc vá bột nước tráng đều thành hình tròn trên lớp vải rồi đậy nắp vung lại. Chờ hơi nước làm chín thì dùng đũa tre gỡ mỳ lá ra. Lò trấu cháy ngun ngún suốt mười mấy năm, nuôi ba đứa con gái học hành đàng hoàng lấy chồng ở phố, còn mỗi ông quanh quẩn bên giàn dâm bụt cũ.
Ông bán mỳ lá theo ký, cứ cân ký tính tiền, không chỉ bỏ sỉ cho mấy quán mỳ Quảng lớn nhỏ trong thôn mà còn bán lẻ cho những người tự nấu mỳ tại nhà. Mỳ ký cũng có nghĩa là, nhà ai trong xóm hết gạo nấu cơm, ghé qua ông Hỉ mua ít mỳ về ăn đỡ đói, ông đều cho ký sổ thiếu nợ. Mỗi năm ông Hỉ lại gạch bỏ sổ một lần, dù có những cái tên chưa trả hết nợ.
Hồi xưa lắc, một ký mỳ đâu đó chừng bốn, năm nghìn đồng. Chừng đó năm qua đi, nay một ký mỳ cũng chỉ mười ba nghìn. Rẻ là vậy nhưng có người vẫn mua chịu mua thiếu.
Hoặc do nghèo, tiền bạc dành dụm cho trăm thứ khác phải lo. Hoặc những đứa trẻ con mất cả ba lẫn má do đợt dịch bệnh mấy năm trước, đang sống nhờ sự đùm bọc của làng xóm.
Hoặc mấy bà bán vé số, lượm ve chai, đi quanh cả ngày dài mà chưa kiếm được đồng nào. Hoặc bởi vài người ưng gom lại tính một lần cho khỏe. Hoặc có kẻ kiếm cớ qua nhà nói chuyện với ông Hỉ đỡ buồn.
Như bà Hậu ở xóm trên, cứ cách vài ba ngày lại cuốc bộ tới nhà ông Hỉ mua mỳ. Bữa không mua bán chi thì bà đem qua cho trái mướp, rổ rau tập tàng, dăm cái trứng gà so. Như kiểu bọn trẻ hay nói, có nợ qua lại mới thành cớ gặp nhau. Đám giỗ vợ ông Hỉ, ba đứa con gái bận bịu chuyện công việc chồng con không về sớm được, may nhờ bà Hậu mà mâm cúng tươm tất hơn.
Bà Hậu hay ghẹo ông Hỉ, ý muốn dọn qua ở luôn, đã mấy lần dò hỏi nhưng ông đều ậm ờ lảng sang chuyện khác. Mỗi sáng dậy sớm đi bộ thể dục, thỉnh thoảng ông ra nổng cát thăm mộ vợ, nhổ mớ cỏ mới mọc lan, tưới chậu hoa đặt cạnh tấm bia hoặc ngồi nghỉ mệt ngắm mặt trời dần lên. Ông có kể vợ nghe về bà bạn già miệng mồm lanh lẹ hệt như bọn trẻ bây chừ.
Chiến trường K cướp chồng khỏi tay bà Hậu khi mới chớm xuân sắc. Bà ở vậy nuôi má chồng và con trai mà chưa từng ngó nghiêng ai dù có vài đám đánh tiếng. Chừ thằng con mua nhà ở phố, nửa năm mới dẫn dâu cháu về một lần.
Dường như những đứa trẻ quê luôn muốn thoát khỏi mùi rạ rơm chỉ để hít khói bụi sặc phổi. Thôn xóm quanh quẩn toàn mấy ông bà già với vườn cây, chim chóc và những cánh đồng mênh mang cỏ. Nhưng họ vẫn luôn ở đó, là chốn an yên để những đứa con tha hương có nơi tìm về.
- Hay là tui qua đây phụ ông tráng mỳ hỉ? Không lấy tiền công, bao ăn ở là được.
Bà Hậu lại nửa đùa nửa thiệt.
Ông Hỉ dùng cuống lá chuối chấm dầu phụng trong chén phết đều lên từng lá mỳ, tay nhịp nhàng như người nghệ sĩ gảy phím đàn. Rồi ông trải lá mỳ lên máy cắt, quay cán cho từng sợi mỳ chạy xuống. Chờ bà Hậu lặp lại câu nói lần thứ hai, ông mới ngẩng đầu lên hơi nghiêng tai về phía bà. “Hỉ! Bà nói cái chi tui nghe chưa rõ?”.
Ngoài bờ rào, những bông hoa dâm bụt đỏ rực khẽ lay trong gió. Trời đã ngả về chiều. Hoàng hôn nhuộm nền mây đỏ cam rực rỡ soi rõ những cánh chim đang thong thả bay về tổ sau một ngày dài…