Ẩm thực

Háo hức cháo chờ Nam Ô

NHƯ HẠNH 16/06/2024 08:30

Người ta nói đây là món ăn gây nhiều ngạc nhiên nhất ở làng chài cổ Nam Ô (Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).

z5382955071073_2771cc35def9b3224d0040a16ea36814.jpg
Cháo chờ - bánh canh Nam Ô. Ảnh: N.H

Bánh canh - cháo chờ

Ngạc nhiên đầu tiên là bảng hiệu ghi cháo nhưng khi bưng ra thì thấy rõ ràng là bánh canh. Mỗi khi khách gọi món, phải chịu khó “chờ”người bán hàng bỏ sợi bánh vào nồi nước sôi trên bếp để luộc.

Trong nhiều cách lý giải của các nhà ẩm thực cấp làng, thì cái món cháo chờ của dân Nam Ô là sự sáng tạo vi diệu dựa trên cơ sở giao lưu văn hóa ẩm thực giữa vùng Bình Trị Thiên và khẩu vị Nam Ô.

Nói nôm na là món bánh canh làm bằng bột gạo, bột lọc vốn có nguồn gốc bên tê đèo Hải Vân. Tên gọi đầy đủ là “cháo bánh canh”, nhưng người bên tê đèo gọi tắt là bánh canh cho nhanh, gọn, lẹ.

Ở Quảng Trị, có nơi người ta còn gọi là “cháo vạt giường”, bởi lẽ bột bánh canh cắt sợi y hệt các thanh vạt giường tre ngày trước. Nhưng cũng xin nói thêm, sợi bánh canh khi vượt đèo Hải Vân về tới Nam Ô thì được cắt nhỏ hơn rất nhiều…

Cái làm nên hồn phách của món cháo chờ Nam Ô không chỉ ở nước dùng ngọt thanh bằng cá biển mà còn ở nồi nhưn dùng cá nục tươi làm nguyên liệu.

Nói về nồi nhưn cá nục rim là nói tới công phu tuyệt kỹ của mấy cô, mấy thím ở làng chài. Cá vớt từ biển lên còn tươi roi rói, rửa sạch đem hấp chín. Xong tách thịt riêng, ướp gia vị, tất nhiên không thể thiếu nước mắm Nam Ô để dẫn vị, rồi rim đến khi nào miếng cá khô queo, dai dai, giòn giòn. Phần xương cá giữ lại, giã nhỏ bỏ vào nồi nước dùng cho tăng vị ngọt.

Một tô cháo chờ đúng điệu Nam Ô phải là nước dùng ngọt thanh, nhưn cá nục rim thấm thía đến mức mùi vị cô đặc lại.

Khẩu vị của người xứ Quảng nói chung và Nam Ô nói riêng vốn chuộng mùi vị đậm đà nên tô cháo chờ cũng vậy. Chừng ấy thôi vẫn chưa đủ nếu thiếu miếng quất (tắc) bổ đôi, vắt vào tô cháo còn nóng hổi. Mà phải là tắc chứ không phải chanh đâu nhé. Đừng vội coi thường, miếng tắc nhỏ thôi nhưng có thể làm dậy hương cho một món ăn quá đỗi dân dã như cháo chờ Nam Ô.

Món dân dã của làng chài

Mãi đến những năm gần đây, để thêm phần đa vị, người ta cho thêm trứng cút và chả cây (chả lọn) vào tô cháo chờ và ăn kèm cùng bánh quẩy. Nói theo ngôn ngữ của thế hệ gen Z là người ta cho nhiều topping (thức ăn được đặt phía trên) hơn so với tô cháo chờ truyền thống.

Không biết món ăn đầy ngạc nhiên này có tự bao giờ nhưng nổi danh nhất là vào những năm 1990, khi đó các quán cháo chờ vây quanh các trường trung cấp, cao đẳng và nhà máy ở Nam Ô.

Bây giờ những cô con gái Nam Ô đi lấy chồng xa, đã mang theo hương vị quê nhà đến xứ khác. Không gian cháo chờ không còn bó hẹp ở vùng đất nơi nó sinh ra mà bắt đầu phủ sóng khắp Quảng Nam, Đà Nẵng. Nếu bắt gặp một quán chào chờ Nam Ô ở một nơi cách xa địa lý với nguyên quán, thì 100%, chủ quán là người Nam Ô đến lập nghiệp.

Nhiều người thú nhận rằng, ban đầu người ta ăn vì tò mò, còn những lần sau vì thương nhớ mà đến!

Thực khách một khi đã nghiện món cháo chờ làng chài Nam Ô thì dù phải đợi lâu hơn một chút vẫn không hề sốt ruột. Trong không gian đẫm hương thơm nức, ngọt thanh từ nồi nước dùng đang bốc khói trên bếp, có ngồi đợi cũng đáng.

Món ăn dân dã đậm chất làng chài này cho đến hôm nay vẫn là một thực thể sống và phát triển gắn với đời sống sinh hoạt của người lao động. So với món gỏi cá Nam Ô thì món cháo chờ vẫn còn là những quán hàng bình dân, nằm trong xóm nhỏ, hay vỉa hè nên giá cả rẻ bất ngờ…

Người ta có thể ăn cháo chờ quanh năm mà không hề ngán. Ngồi túm tụm quanh chiếc bàn nhỏ, vừa tám chuyện cùng bạn bè, hay người mới quen, kiên nhẫn ngồi chờ một tô cháo thơm lừng mùi biển cả giữa làng chài cổ Nam Ô thì còn thú vị nào hơn…

Và cháo chờ Nam Ô không chỉ là món ăn bình dân mà trở thành nét văn hóa ẩm thực rất riêng, không nơi nào có được!

NHƯ HẠNH