Đất nung của Hạ
“Đất nung của Hạ” là câu chuyện về sự đam mê, khéo léo và tâm huyết của người nghệ nhân ở ngay ven sông Thu Bồn - Lê Đức Hạ (khối phố Đông Khương 1, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn).
Nghệ nhân Lê Đức Hạ là người tiên phong... biến cục đất vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật mới lạ, độc đáo.
Kể chuyện bằng đất sét
Nghệ thuật gốm đất nung xuất hiện từ thời kỳ đồ đá, khi con người bắt đầu định cư và trồng trọt. Những mảnh gốm đầu tiên được hình thành một cách thô sơ cho thấy sự khởi đầu đơn giản nhưng đầy sáng tạo của loài người. Qua thời gian, nghệ thuật gốm đất nung phát triển và trở thành một phần không thể thiếu ở nông thôn Việt Nam.
Ông Hạ kể, từ thời trước cha của ông đã cùng với những người bạn chiến đấu của mình hình thành nên Lò chén Việt Quang. Thừa hưởng đam mê từ cha, ông Hạ lựa chọn gắn bó với đất nung để lập nghiệp.
Trải nhiều thăng trầm, người đàn ông này tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm mới lạ mang tên “Đất nung của Hạ” với đầy đủ bản sắc văn hóa của người Việt xưa và nay.
“Mỗi tác phẩm được tạo nên là những kỷ niệm mà tôi đã trải qua trong cuộc sống, cũng là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo. Gốm đất nung mang vẻ đẹp của văn hóa của người Việt” - ông Lê Đức Hạ nói.
Loại đất sét được nghệ nhân Lê Đức Hạ chọn để nặn thành những sản phẩm gốm đất nung được lấy từ sông Thu Bồn. Tận dụng những thứ sẵn có tại địa phương, ông đã giới thiệu đến du khách khắp nơi sản phẩm thủ công độc đáo mang dấu ấn người dân xứ Quảng.
“Không đi đâu xa, tôi muốn đưa hình ảnh của quê hương lên những tác phẩm nghệ thuật. Những hình ảnh về con người, văn hóa Champa, tượng Phật… được khắc họa. Những sản phẩm này được bày tại Hội An - thành phố du lịch. Tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ du khách, giúp mình có thêm nhiều động lực để phát triển và sáng tạo” – ông Hạ chia sẻ.
Một người thợ làm việc với đất sét và cũng đồng thời là một nghệ sĩ tạo hình - mang trong mình đam mê và tình yêu dành cho nghệ thuật đất nung. Từng khối đất vô tri dưới bàn tay của ông Lê Đức Hạ được biến hóa để trở thành những tác phẩm tinh xảo, sống động. Quá trình tạo ra mỗi sản phẩm gốm đều chứa đựng tâm huyết và sự khéo léo của người làm nghề.
Không gian tĩnh lặng
Một ngôi nhà gạch độc đáo bên dòng sông Thu Bồn được hình thành, là điểm nhấn của cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ Đông Khương (phường Điện Phương, Điện Bàn).
Năm 2016, cùng sự đồng hành và hỗ trợ của những người thợ, căn nhà gạch hình thành. Từ đó, Lê Đức Hạ có không gian riêng để thỏa sức sáng tạo. Sự kỳ công chính là nét kỳ lạ của công trình này.
Ngôi nhà gạch được xây cách viên, tạo nên các lỗ thông gió, đón ánh nắng vào buổi sáng và làn gió mát từ buổi chiều. Căn nhà giống tổ tò vò xây bằng những viên gạch thô màu đất nung giữa rặng tre xanh ngút ngàn bên bờ sông Thu Bồn, là nơi nghệ nhân Lê Đức Hạ thả hồn chìm đắm trong miền suy tưởng về một nền kiến trúc Champa hàng nghìn năm trước, để thai nghén những “đứa con” từ đất nung.
Với không gian này, khối óc và đôi tay của người nghệ sĩ được tiếp thêm động lực để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, bắt đầu cho cuộc hành trình nâng tầm gốm đất nung lên một tầm cao mới.
“Căn nhà tò vò” được du khách kháo nhau tìm đến. Ở đây, họ được nghe chuyện về nghề làm gốm, đất nung và trải nghiệm những công đoạn để làm nên sản phẩm đất nung hoàn chỉnh.
Từ việc nhào nặn đất sét, tạo hình cho đến nung sản phẩm, mỗi công đoạn đều mang lại cho du khách những cảm giác thú vị cũng như khám phá thêm sự khéo léo của người thợ gốm.
Chính quyền thị xã Điện Bàn nhận định, cơ sở gốm đất nung của ông Lê Đức Hạ vừa là nơi sản xuất vừa là điểm đến du lịch, là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại.
Cùng với điểm đến mang tính trải nghiệm, không gian này còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa như triển lãm, hội chợ và các buổi giao lưu nghệ thuật, giúp du khách có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử và văn hóa của nghề gốm đất nung.
Hóa thân mới của đất nung
Sản phẩm gốm đất nung bắt nhịp với thị trường rất nhanh nhờ mẫu mã đẹp và đa dạng. Hàng năm, Lê Đức Hạ đều mang sản phẩm của mình trưng bày tại các hội chợ. Cũng từ đây, đất nung Lê Đức Hạ định danh được trong cộng đồng về một sản phẩm thủ công độc đáo.
Phần lớn thợ thủ công làm việc cùng Lê Đức Hạ đều là người dân quanh vùng. Việc tận dụng nguồn nhân công tại địa phương cũng là phần quan trọng giúp cơ sở của ông hoạt động ngày càng vững chãi.
Bởi, hơn ai hết, họ hiểu được giá trị văn hóa trên chính mảnh đất mình sinh sống, từ đó những sản phẩm làm ra luôn mang trong mình ý nghĩa riêng biệt.
Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Lê Đức Hạ, những khối đất sét được “hóa thân” mới. Đó là những hình tượng mang đậm văn hóa Champa, những sản phẩm tạo hình theo tín ngưỡng của người dân, chân dung nhân vật…
Và tượng đất nung không chỉ đẹp mắt. Đó cũng là những câu chuyện không lời, truyền tải cảm xúc và suy nghĩ của chính người tạo tác. Từng nếp nhăn trên khuôn mặt, từng đường nét cơ thể, hay thậm chí là cách sắp đặt và phối màu đều có thể kể một câu chuyện độc đáo.
Ở nhiều khu du lịch lớn, các cửa hàng đồ trang trí buồng phòng, không gian du lịch của Hội An sẽ dễ dàng bắt gặp các mặt hàng được làm hết sức tinh xảo, đẹp mắt từ những thớ đất đỏ tươi, được nung chín bằng lửa mà không dùng men sành sứ phủ bên ngoài.
Những tượng đất nung Champa, vật treo tường thông dụng, tượng cô gái bán thân, lồng đèn đất nung, đèn trụ, đèn vườn... đều là tác phẩm do chính Lê Đức Hạ làm nên.
“Không dừng lại ở việc làm kinh tế, tôi tâm niệm những sản phẩm đất nung của mình phải mang được bản sắc của quê hương đến với cộng đồng rộng lớn”- ông Hạ tâm sự.
Điều nổi bật của gốm mỹ nghệ, theo ông Hạ, chính là màu tự nhiên của sản phẩm. Nguồn đất sét bên sông Thu Bồn có độ mịn, độ dẻo cao, có màu sắc tự nhiên tươi tắn là những yếu tố thích hợp cho gốm mỹ nghệ.
Lê Đức Hạ còn làm chủ được việc tạo màu tự nhiên cho sản phẩm trong quá trình nung đốt. Những chiếc lọ có màu sắc đậm nhạt đa dạng, những vẫn chủ đạo là màu của đất đã qua lửa, khiến nhiều sản phẩm từ lò đất nung Lê Đức Hạ trở thành độc bản.
Chính sự độc đáo này khiến sản phẩm của Lê Đức Hạ được ưa chuộng bởi những người có hiểu biết về gốm và mỹ nghệ, đặc biệt với khách nước ngoài.
Qua hàng ngàn năm phát triển, nghệ thuật đất nung bây giờ đã mang một “tầm vóc” mới - không chỉ có giá trị sử dụng mà bao chứa cả yếu tố văn hóa và nghệ thuật. Trong tương lai, với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nghệ thuật đất nung chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển và mang lại nhiều điều bất ngờ, thú vị cho cuộc sống.