Sách mới của 3 người Hiệp Đức
Không hề giao hẹn, cả 3 cây bút người Hiệp Đức là Nguyễn Tấn Ái, Thái Bảo Dương Đỳnh và Nguyễn Hường, gần như cùng lúc ra mắt tác phẩm mới.
Mỗi người một vẻ
Nguyễn Tấn Ái là cái tên được người đọc xứ Quảng “biết tiếng quen tên”. Đến lúc này anh đã có 9 tập sách in riêng, còn“gây nhớ” bởi giọng văn cá tính, nhiều khi “tinh quái” trong việc bày biện chữ nghĩa.
Với thơ, chữ của Nguyễn Tấn Ái mềm mại, lung linh. Với lý luận phê bình thì nghiêm cẩn, sắc sảo, dứt khoát. Còn với văn xuôi - cụ thể ở đây là truyện ngắn, Nguyễn Tấn Ái tạo ấn tượng ở sự thô ráp, góc cạnh và liên tục biến đổi về hình thức câu văn...
Ở tập “Bắt ốc hái rau” (NXB Đà Nẵng 2024), đặc điểm ấy tiếp tục được thể hiện, có phần đa dạng hơn trước. Tập sách gồm 16 truyện ngắn đa dạng về đề tài. Là những day dứt, tiếc nuối về sự mất mát của những đồi hoa dại, những cánh rừng; là những lát cắt hậu chiến của người trong cuộc ở cả hai phía...
Tùy câu chuyện, tùy tình huống, có truyện được viết một cách linh hoạt, biến ảo về nhịp điệu; có truyện chỉ sử dụng thuần những câu đơn, ngắn, sắc... làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, cuốn hút hơn...
Với Thái Bảo Dương Đỳnh, tập thơ “Bịn rịn níu trăng khuya” ghi dấu quá trình vận động miệt mài, bền bỉ của anh. Nếu ở tập thơ đầu tay “Những kèo củi chữ A” (2014) là một Thái Bảo Dương Đỳnh mộc mạc, thật thà... thì đến tập thứ hai “Biết đâu sẽ nhớ” (2017) một Thái Bảo Dương Đỳnh với nhiều câu thơ phá cách và những cảm xúc vượt ra ngoài ranh giới của chữ.
Đến “Bịn rịn níu trăng khuya”, Thái Bảo Dương Đỳnh đã là một chân dung mới và lạ hơn hẳn. Việc chọn điểm nhìn nội tâm, duy cảm kết hợp với một tư duy thơ khá mới mẻ, có nhiều cách tân trong thể hiện, trong phong cách sáng tác, anh bộc lộ, giãi bày suy nghĩ, tình cảm của mình một cách đằm sâu, xúc động và... rất thơ.
“Trẻ” nhất là Nguyễn Hường, khi mà “Men ngàn xứ Quảng” vừa phát hành là tập thơ riêng đầu tay của anh. Người yêu thơ đã kịp biết đến một Nguyễn Hường hiền lành, chừng mực và nhiều khi khá “thật thà” trước cảm xúc của mình. Những đặc tính ấy tiếp tục được thể hiện rõ hơn và cũng có được nhiều vọng động hơn trong tập thơ này.
Mạch thơ trong sáng, hiền lành; cảm xúc chan chứa, tươi rõ; hình ảnh sống động, chân thực; cách liên tưởng gần gũi, quen thuộc... làm cho 80 bài thơ trong tập được kết nối thành một chỉnh thể thơ có dáng vẻ riêng.
Tình quê tha thiết
Mỗi người một vẻ, mỗi cuốn sách một ngẫm ngợi riêng. Nhưng, họ đã gặp nhau ở tình cảm thiết tha về quê hương, vùng đất nơi họ sinh ra, lớn lên và gắn bó...
Với Thái Bảo Dương Đỳnh, tập thơ “Bịn rịn níu trăng khuya” có nhiều hình ảnh về vùng đất bán sơn địa, những miền rừng núi hoang vu, dòng sông, con suối... liên tục xuất hiện. Khi xâu chuỗi lại, chợt thấy đó như là Hiệp Đức, như là vùng núi rừng Quảng Nam, và rộng ra là thênh thang xứ Quảng. “Bắt đầu khem khép lại/ Còn mơ gì thêm hơn/ Sông cũng bày Cồn Cạn/ Núi cũng bày Hạ Sơn” (Ghi ở Phước Gia).
Rất nhiều những câu thơ mang đậm âm sắc, hình ảnh xứ Quảng được cài nén vào thơ, để cảm xúc như luôn sẵn sàng bùng vỡ...
Ở “Men ngàn xứ Quảng”, Nguyễn Hường chọn cách tiếp cận từ hình ảnh/ hình tượng sông núi, cảnh vật, sinh hoạt ở miền núi Quảng Nam. Anh làm cuộc “ngược nguồn” và trải lòng mình. “Men ngàn” của anh là những ngọn núi, những câu chuyện rừng, những gương mặt người, là “tiếng trống nhập làng” rạo rực, là “gót trần sơn nữ Cadong”, là “tiếng gà rừng báo thức” hoang vu.
“Men ngàn” của anh không chỉ để say, mà để yêu và nhớ: “sàn gỗ khói thơm về đâu đêm qua/ nhịp đêm đuối rơi về đâu chẳng biết/ buổi sáng Pơ-noon lá mơn từ biệt/ người đi về phía đầu sông...” (Nhịp chày mùa xuân). Đâu đó, cái tên Hiệp Đức quê hương anh, lại được nhắc đến đầy tự hào và yêu thương...
Trong khi đó, ở tập truyện “Bắt ốc hái rau”, Nguyễn Tấn Ái khởi đi từ những sự việc, những câu chuyện kể đời thường và bình thường đâu đó, biến chúng trở thành những truyện ngắn đúng nghĩa.
Những tên đất tên làng, tên sông tên suối khi lạ khi quen, nhưng trong từng ngữ cảnh, từng không gian truyện, dễ nhận ra đấy chỉ có thể là của xứ Quảng, hay hẹp hơn, đích danh, là của Hiệp Đức quê anh.
Một “Chuyện làng” nhiều thao thức, tiếc nuối và hy vọng trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới, tưởng chung mà rất riêng, rất Quảng qua một tiết lộ đầy ngụ ý ở cuối truyện.
Là “Vài câu chuyện rừng” với không chỉ “vài chuyện” mà là vô số chuyện quanh những ngọn núi quen Liệt Kiểm, Lạc Sơn, Cao Lao... Là một “Trầm tích Phú Ninh” với không chỉ chuyện khai thác tiềm năng cảnh quan sinh thái ở hồ chứa nước nổi tiếng này...
Lúc gần lúc xa, lúc tỏ lúc mờ, bóng dáng của các vùng quê xứ Quảng được phác dựng trong khắp các truyện ở “Bắt ốc hái rau”. Là máu thịt gần gũi, nhưng đồng thời vẫn có thể phóng chiếu cho những tầm nghĩ xa hơn, theo sự nới rộng biên độ hết sức tự nhiên và hợp lý của truyện...