Giữ giá trị nghệ thuật truyền thống
Huyện Thăng Bình vừa tổ chức thành công Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024. Liên hoan thu hút đông đảo người dân, cán bộ tham gia, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Sân chơi nghệ thuật hấp dẫn
Liên hoan nghệ thuật quần chúng lần này thu hút hơn 500 diễn viên không chuyên đến từ 15 xã, thị trấn của huyện Thăng Bình với đủ thành phần, lứa tuổi.
Mỗi đơn vị trình diễn 3 thể loại khác nhau. Trong đó, tiểu phẩm dân ca là tiết mục bắt buộc, còn lại tùy chọn như đơn ca, song ca, tốp ca; độc tấu nhạc cụ, múa độc lập, tấu hài...
Với sự đầu tư, chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng về mọi mặt, các đơn vị đã mang tới liên hoan những tiết mục hay, đa dạng về thể loại.
Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật tốt, khắc họa chân thật, sinh động, rõ nét đời sống văn hóa, lịch sử bất khuất của người dân Thăng Bình. Trong đó, điểm nhấn thu hút nhiều người tham gia là thể loại tiểu phẩm dân ca, bài chòi xứ Quảng.
Được biết, ban giám khảo là những nhạc sĩ, nghệ sĩ có kinh nghiệm từng chấm chọn ở những giải dân ca do tỉnh, huyện tổ chức.
Là chủ khảo liên hoan lần này, nhạc sĩ Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhận xét: “Các tiểu phẩm dân ca dự thi đều là những tác phẩm mới được các đơn vị tự biên và dàn dựng.
Nội dung ca ngợi lịch sử, văn hóa của quê hương một cách sâu sắc, lời ca mượt mà, giàu cảm xúc và đặc biệt là nhiều diễn viên trẻ thể hiện khá tốt loại hình nghệ thuật này.
Tiêu biểu như tiết mục “Tổ khúc dân ca bài chòi” của xã Bình Dương, “Tình làng nghĩa xóm” (Bình An), “Tinh thần bất khuất” (Bình Triều)”.
Ông Nguyễn Tấn Hòa ở xã Bình Triều là một trong những người có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển dân ca bài chòi của huyện Thăng Bình và giành nhiều giải thưởng lớn về thể loại này tại các hội thi của tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Hòa chia sẻ: “Tôi rất vui khi tác phẩm của mình đoạt giải A tại liên hoan lần này, càng vui hơn khi liên hoan thu hút nhiều gương mặt trẻ dự thi. Trước sự mai một của nghệ thuật hát dân ca, việc bảo tồn và duy trì cho được loại hình này trong đời sống là điều rất quan trọng”.
Để dân ca bài chòi đi vào đời sống
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Chiêu (xã Bình Lãnh) là một trong những gương mặt trẻ tham dự liên hoan cho hay, đã nỗ lực tập luyện trong thời gian dài để mang đến phần trình diễn chất lượng cho người xem.
“Liên hoan là dịp để những diễn viên không chuyên như mình được cọ xát và phát triển kỹ năng ca hát. Đây là cũng động lực để mình tiếp tục theo đuổi đam mê, góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống của quê hương” - Quỳnh Chiêu chia sẻ.
Còn chị Lâm Thị Thúy Nguyệt (xã Bình Triều) cho rằng, hát dân ca là thể loại mà lớp trẻ ít ai học và việc “giữ lửa” chủ yếu là người lớn tuổi. “Liên hoan lần này là cơ hội phát hiện những tài năng dân ca trẻ để bồi dưỡng, xa hơn là góp phần xây dựng lực lượng kế cận, tiếp tục duy trì và phát triển ở cơ sở” - chị Nguyệt nói.
Theo ông Trần Hữu Phước - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH huyện Thăng Bình, liên hoan không chỉ là sân chơi nghệ thuật bổ ích, lý thú mà còn là dịp để các diễn viên không chuyên được thể hiện, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Quan trọng hơn góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Dù công tác tổ chức chưa thật hoàn hảo nhưng kết quả đã phản ánh đúng thực lực phong trào văn nghệ ở cơ sở.
“Chúng tôi cố gắng làm sao để Liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên hơn và dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của người dân Thăng Bình, không để dân ca xứ Quảng mai một và đi vào quên lãng” - ông Phước nói.
Liên hoan nghệ thuật quần chúng khép lại với giải nhất toàn đoàn thuộc về xã Bình An, giải nhì thuộc về thị trấn Hà Lam và xã Bình Minh, Bình Tú đồng giải ba.
Ban tổ chức cũng trao 3 giải khuyến khích và 51 giải cho từng thể loại. Hy vọng những phần thưởng này sẽ góp phần tạo động lực, động viên hạt nhân văn nghệ cơ sở tiếp tục gắn bó, gìn giữ giá trị văn hóa của quê xứ.