Môi trường

Sáng tạo vì đô thị bền vững

PHAN VINH - VĨNH LỘC 16/06/2024 10:01

Sáng tạo vì đô thị bền vững là một xu hướng quan trọng trong quản lý đô thị hiện đại. Đây là phương cách để giải quyết những thách thức môi trường, xã hội và kinh tế trong việc xây dựng và duy trì các thành phố phát triển mà vẫn bảo vệ tốt tài nguyên, cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân. Sự tham gia của cộng đồng địa phương, đặc biệt là giới trẻ, góp phần tạo ra những đô thị bền vững trong tương lai.

TP Tam Kỳ 1
Thành phố Tam Kỳ đang phát triển theo hướng đô thị xanh, thông minh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

THÚC ĐẨY GIỚI TRẺ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Từ sự năng động nhiệt huyết, thanh niên được xem là cộng đồng trẻ tuổi có nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo. Họ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ bằng những sáng tạo cho một cộng đồng đô thị bền vững.

Triển vọng từ các mô hình

Nhiều năm trở lại đây, du khách đến với Hội An không chỉ tìm về những rong rêu phố cổ hay các làng nghề truyền thống. Có một địa chỉ mới, độc lạ ở xứ đất trồng quật Cẩm Hà với tên gọi là Xưởng tái sinh trở thành điểm đến được ưa thích của du khách.

anh-cd-1.jpg
Xưởng tái sinh của hoạ sĩ Lê Quốc Dân (áo đỏ). Ảnh: XUÂN HIỀN

Những tấm tôn cũ mục được cắt xén, dựng thành những bức tường xiêu vẹo đầy cố ý, những bình nước, chai lọ cũng hóa thân thành những con cá, con chim đẹp mắt... Tất cả được họa sĩ Nguyễn Quốc Dân bỏ công tìm kiếm, góp nhặt và tạo thành các tác phẩm nghệ thuật thu hút du khách - như đúng cái tên “tái sinh” anh chọn cho mô hình của mình.

“Họ đến với “nhà” của tôi, hầu như ai cũng biết tôi đang muốn nói điều gì. Đúng, đây vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa là nơi truyền cảm hứng cho ý thức bảo vệ môi trường. Tái sinh những đồ vật vứt đi, cũng là tái sinh cuộc sống, tái sinh con người và tái sinh muôn loài trên trái đất này.

Từ xưởng tái sinh này, tôi “chạm” được tới suy nghĩ của nhiều chủ đầu tư là nhà hàng, quán ăn, họ ưa thích lối bài trí lạ mắt này và tôi nhận thi công cho họ. Theo tôi nghĩ, mở rộng, phát triển mô hình này là cách hay trong việc hướng tới sự bền vững” - Nguyễn Quốc Dân nói.

anh-cd-3.jpeg
Dự án dùng thiết bị bay đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam năm 2024. Ảnh: PHAN VINH

Trong cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp năm 2024 vừa qua, giải Nhì thuộc về dự án “Ứng dụng drone vào canh tác nông nghiệp” của anh Nguyễn Hữu Thiện Trí (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ). Anh sử dụng thiết bị bay tải trọng lớn, lập trình đường bay phù hợp với diện tích đất và triển khai phun thuốc hoặc bón phân cho cây trồng.

Với công suất 30 lít hỗn hợp thuốc và nước, anh Trí phun được cho 1,5ha chỉ trong vòng 7 - 10 phút. “Mô hình này sẽ giúp người dân tránh tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 90% lượng nước và 30 - 40% lượng thuốc. Tăng sự hấp thụ của cây trồng, hạn chế việc rơi vãi thuốc xuống đất gây ô nhiễm. Không những vậy, giải pháp còn tiết kiệm công gấp 20 - 30 lần, phù hợp với định hướng bền vững về cơ giới hóa nông nghiệp” - anh Trí nói.

Thay đổi tư duy

Dù các mô hình sáng tạo được nhận định rất triển vọng cho câu chuyện phát triển, tuy nhiên, hạn chế nguồn lực tài chính, thiếu sự đồng hành, dẫn dắt đã khiến không ít ý tưởng sáng tạo khó thành hiện thực.

Bà Ngô Phương Thảo - Nhà sáng lập Anbooks cho rằng, ở thời thế giới phẳng, thanh niên có nhiều cơ hội hơn để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của mình dựa trên động lực nội tại, quan điểm, góc nhìn độc đáo, khả năng thích ứng cao... Tuy nhiên, họ vẫn cần được định hướng, dẫn dắt.

anh-cd-2.jpg
Sự tạo hình đầy nghệ thuật đã đưa rác trở thành các tác phẩm thu hút du khách và truyền cảm hứng mạnh mẽ về bảo vệ môi trường. Ảnh: PHAN VINH

“Thanh niên Quảng Nam cần được trang bị các kỹ năng về tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả và làm việc theo nhóm… Để hình thành sản phẩm từ ý tưởng sáng tạo đầu tiên phải có “nguyên liệu”, đó chính là nguồn vốn, hợp tác liên ngành, cơ sở hạ tầng năng động, sự đồng hành, lãnh đạo, thể chế chính sách hỗ trợ, năng lực, kiến thức…”, bà Ngô Phương Thảo phân tích.

Cũng theo bà Thảo, để nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo trong tuổi trẻ, ngoài ý tưởng nội tại, các cuộc thảo luận tích cực, hợp tác của các nhóm đa ngành, đa lĩnh vực… sẽ thúc đẩy các ý tưởng không ngừng phát triển với cách tiếp cận mới, kể cả cách thức vượt qua thách thức.

Ở góc độ khác, bà Vũ Bích Hạnh - thành viên nhóm Green Youth Collective nhìn nhận, trong bối cảnh những thách thức mang tính bao trùm, đa lĩnh vực và thay đổi nhanh chóng như hiện nay, điều kiện gần như quan trọng nhất chính là nội lực của thanh niên.

Nội lực thể hiện ở tư duy, sự hợp tác, kỹ năng giao tiếp. Nếu không có nội lực, cộng đồng tuổi trẻ sẽ không nhận biết được các cơ hội, những nguồn lực mà mình có thể tận dụng. Cùng với đó, vai trò của người dẫn dắt rất quan trọng. Thường xuyên đối thoại với thanh niên để nắm bắt, khơi gợi sự sáng tạo đổi mới là điều cần thiết.

Bản đồ sáng tạo

Dự án thúc đẩy đổi mới sáng tạo của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững vừa được Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) cùng Quỹ Fondation Botnar tiến hành tài trợ cho TP.Hội An và TP.Tam Kỳ. Ngân sách cho dự án dự kiến lên tới hơn 10 tỷ đồng.

anh-cd-5.jpg
Những dự án, giải pháp sáng tạo cần được kết nối lại và bồi dưỡng thêm để phát huy hiệu quả cho cộng đồng. Ảnh: PHAN VINH

Ông Kiều Việt Cường (cán bộ UN-Habitat) cho biết, lý do chọn Quảng Nam để tài trợ triển khai dự án này vì địa phương có nhiều điều kiện cho việc định hướng phát triển bền vững, đặc biệt khi Hội An và Tam Kỳ đều rất quan tâm vấn đề này.

Ngoài ra, 2 thành phố này còn là nơi xuất hiện nhiều dự án đổi mới sáng tạo liên quan đến phát triển bền vững và đang có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng.

Cũng theo ông Cường, UN -habitat sẽ thống kê, tìm hiểu từng dự án đổi mới sáng tạo để đánh giá nguồn lực và xác định rõ nhu cầu thực tế để có hướng hỗ trợ thích hợp. Cụ thể, đối với những dự án cần hỗ trợ vốn, UN-habitat sẽ cân đối nguồn, kết nối kêu gọi nhà đầu tư. Đối với dự án cần tư vấn mô hình, thông qua mạng lưới rộng khắp toàn thế giới của mình, UN-Habitat sẽ kết nối chủ thể dự án với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong cùng lĩnh vực.

Chương trình sẽ hỗ trợ để mỗi dự án có thể tự phát triển theo hướng bền vững nhất và tiếp tục lan tỏa, tạo ra giá trị cho cộng đồng. Mục tiêu lâu dài khi triển khai tại Quảng Nam là tạo một bản đồ sáng tạo cho 2 đô thị Tam Kỳ và Hội An. Theo đó, người trẻ và cộng đồng có thể nạp dữ liệu sáng tạo, giải pháp của mình vào bản đồ đó. Hệ thống sẽ phân tích dữ liệu để tìm ra nhu cầu của từng dự án và họ sẽ được hỗ trợ mọi mặt nâng cao năng lực phát triển dự án.

anh-cd-14.jpg
Lan toả giá trị từ những dự án, giải pháp hướng đến phát triển đô thị bền vững. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Chúng tôi tạo ra nền tảng đối thoại giữa chính quyền và giới trẻ, cộng đồng. Cung cấp cho giới trẻ nền tảng toàn diện sáng tạo và liên ngành để trao quyền cho thanh niên. Cung cấp cho giới trẻ và cộng đồng cơ hội tiếp cận thị trường và kinh doanh hợp lý dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và hỗ trợ của chính quyền địa phương thông qua quan hệ đối tác công - tư.

Các nền tảng do dự án tạo ra cũng được kỳ vọng sẽ cho phép giới trẻ và cộng đồng, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương đóng góp vào việc xây dựng và đồng thực hiện các chính sách phát triển bền vững của thành phố” - ông Cường cho biết thêm.

ĐỒNG HÀNH VỚI SÁNG TẠO TRONG ĐÔ THỊ

Từ chính quyền, các tổ chức phi chính phủ đến những mô hình phát triển sáng tạo đều dựa trên tiêu chí phát triển bền vững đô thị để vận hành. Bảo vệ và phục hồi môi trường tự nhiên, tạo cơ hội cho tất cả cộng đồng cũng như phát triển trên nền tảng giá trị truyền thống... là những điều cơ bản để tiến gần mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ. Ảnh: PHAN VINH

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ:
Tạo mọi điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Những năm qua, TP.Tam Kỳ xác định chiến lược phát triển là xây dựng đô thị xanh, sinh thái, thông minh và vì hạnh phúc cộng đồng. Với định hướng đó, thành phố tập trung vào yếu tố đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm. Trong các vấn đề lớn, sự kiện lớn của thành phố, kể cả về văn hóa, xã hội, kinh tế, du lịch... Tam Kỳ luôn cầu thị, trưng cầu các ý kiến tham vấn của những chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.

Đơn cử sáng kiến về làng bích họa đầu tiên trên cả nước ở Tam Thanh, từ những bức tường cũ kỹ của những căn nhà dọc làng chài bên biển, các họa sĩ đã vẽ nên những bức tranh, sáng tạo dựa trên không gian sẵn có. Làng bích họa thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, đồng thời, sáng kiến này đã lan tỏa và được nhiều địa phương khác áp dụng.

Ngoài ra, Tam Kỳ còn triển khai và đưa vào vận hành hiệu quả Thư viện số cộng đồng với quy mô 2 phòng dành cho mọi lứa tuổi, được trang bị hệ thống máy lạnh, đèn chiếu sáng và wifi miễn phí. Với mô hình nhỏ hơn, địa phương này cũng triển khai thư viện số trong các trường học gắn liền với việc trang bị thực hành kỹ năng STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học) cho học sinh các cấp.

Tam Kỳ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cụ thể là hoạt động khuyến khích ý tưởng dự án trong thanh niên, phụ nữ và nông dân bằng nhiều hình thức như đào tạo kỹ năng, tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại... Nhiều dự án khởi nghiệp của Tam Kỳ được tỉnh công nhận vì có tính sáng tạo cao, trong đó có các giải pháp công nghệ liên quan đến lĩnh vực vận chuyển, hỗ trợ nông nghiệp, kết nối cộng đồng...

Sắp tới, Tam Kỳ sẽ bám sát thực hiện các phần việc của dự án thúc đẩy đổi mới sáng tạo của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững do UN-Habitat tài trợ. Đồng thời tích cực phát huy những dự án hiện có như bồi đắp làng bích họa, phát triển việc nghiên cứu khoa học trong trường học và các hoạt động phát triển đô thị du lịch, đề cao tính sáng tạo của người trẻ.

PHAN VINH - VĨNH LỘC (ghi)

mi.jpg

Trương Nguyễn Hoài An:
Sáng tạo phải có lòng đam mê và kiến thức

Với chuyên ngành đào tạo về thiết kế thời trang, tôi cho rằng lòng đam mê và kiến thức là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng để sáng tạo nên bất kỳ sản phẩm nào. Tại “Xóm thủ công Hội An”, hiện tại chúng tôi tập trung vào 3 lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo cao gồm hàng da handmade, mặt nạ hát bộ và cổ phục Việt Nam (mô phỏng cổ phục dân tộc từ thời Đinh, Tiền Lê đến thời nhà Nguyễn). Tất cả lĩnh vực này đều là sự tiếp nối, sáng tạo từ những nghề đã có từ trước tồn tại, phát triển đến bây giờ.

Tuy nhiên, để sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang tính khác biệt cần phải có niềm đam mê. Đơn cử tại mặt nạ hát bộ, chúng tôi làm nên những khuôn mặt nạ dựa trên tính cách nhân vật các vở tuồng để kể câu chuyện của một loại hình văn hóa dân tộc đã và đang mai một. Khác với các loại hình nghệ thuật khác, lối kẻ mặt hát bộ rất quan trọng, đây là phương thức thể hiện, phục vụ cho mục đích truyền tải giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật dân gian này đến với người xem và công chúng.

Tất nhiên, để tránh lặp lại các ý tưởng sáng tạo, đầu tiên mình phải có kiến thức để chuyển tải những câu chuyện, nội dung liên quan. Nếu mình biết nhiều câu chuyện, tích tuồng hát bộ thì sẽ có nhiều nguyên liệu để sáng tạo các biểu cảm mặt nạ tuồng.

Mỗi nhân vật tượng trưng cho một sản phẩm sáng tạo nên sẽ không bao giờ có thể hết ý tưởng. Hiện tại, tôi có thể triển khai 40 ý tưởng về nhân vật mặt nạ tuồng, từ những nhân vật này tôi có thể triển khai thêm các mô hình khác… Đó chính là nền tảng ý tưởng cho các sản phẩm mang tính sáng tạo đối với loại hình văn hóa dân gian này.

Nhưng đó cũng mới chỉ là khía cạnh nội dung. Sự sáng tạo còn nằm ở việc chọn nguyên vật liệu để triển khai sản phẩm. Đơn cử, nếu trước đây vật liệu làm mặt nạ tuồng chủ yếu là giấy bồi, nhưng hiện nay, tôi không chọn theo hướng thông thường này mà muốn tạo ra sự khác biệt bằng cách điêu khắc mặt nạ trên da dựa trên kỹ thuật 3D, sau đó nhuộm màu, phát triển ý tưởng trên đó để tạo thành một mặt nạ tuồng mang tính sáng tạo cao nhất.

Tương tự, với cổ phục tôi cũng lấy ý tưởng từ kiến thức, tích tuồng hát bộ để phát triển sự sáng tạo của mình bằng cách kết hợp với những hoa văn, bố cục lấy từ hát bộ lên để tạo thành một sản phẩm trang phục cổ.

KHÁNH LINH (ghi)

th(2).jpg

Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ cơ sở tái chế Làng củi lũ Hội An:
Cần tạo không gian sáng tạo cho thanh niên

Sáng tạo là khái niệm rất rộng lớn, đa lĩnh vực, bao gồm kinh tế, khoa học, nghệ thuật… Đây là hành trình không ngừng nghỉ và không bị chi phối nhiều bởi tuổi tác, giới tính. Nó luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, sáng tạo đã được nâng lên tầm cao hơn, phù hợp xu hướng, nền tảng mới bằng cách tận dụng tất cả nguồn tài nguyên, vật liệu xung quanh, kể cả tái chế rác thải…

Từ 3 năm nay, Làng củi lũ Lê Ngọc Thuận được cải tạo trở thành không gian sáng tạo từ những thanh củi gỗ phế thải. Tại đây, những thanh củi gỗ theo dòng nước lũ từ phía thượng nguồn chảy ra biển được chúng tôi vớt về phân loại chế tác. Năm 2012, khi bắt tay vào làm homestay ở làng chài An Bàng (Hội An), tôi đã có ý tưởng làm đồ nghệ thuật từ rác tái chế.

Do vậy, để hình thành sản phẩm từ ý tưởng sáng tạo đầu tiên phải có “nguyên liệu”, đó chính là nguồn vốn, hợp tác liên ngành, cơ sở hạ tầng năng động, sự đồng hành, lãnh đạo, thể chế chính sách hỗ trợ, năng lực, kiến thức… Dù vậy, để nuôi dưỡng sự sáng tạo trong tuổi trẻ, ngoài ý tưởng nội tại thanh niên còn được hình thành từ các cuộc thảo luận tích cực, hợp tác của các nhóm đa ngành, đa lĩnh vực… từ đó thúc đẩy các ý tưởng không ngừng phát triển với cách tiếp cận mới, kể cả cách thức vượt qua thách thức.

cu4.jpg
Du khách trải nghiệm cùng sáng tạo tại Làng củi lũ (Hội An). Ảnh: V.L

Đặc biệt, muốn lan tỏa những ý tưởng sáng tạo trước tiên phải có không gian sáng tạo. Cụ thể, Quảng Nam phải xây dựng một trung tâm sáng tạo cộng đồng, biến nơi đây trở thành không gian tập trung ý tưởng, nơi để người trẻ đến tương tác trao đổi thảo luận, được các chuyên gia tư vấn các cách thức triển khai ý tưởng, kể cả kêu gọi vốn... Từ đó, định hướng ý tưởng và chia sẻ ý tưởng, biến ý tưởng trở thành hiện thực.

Cạnh đó, các tổ chức, cơ quan chuyên môn cũng cần tăng cường thúc đẩy hợp tác chiến lược liên ngành và phát triển cộng đồng, cung cấp cho giới trẻ nền tảng toàn diện, tạo cơ hội để thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình nền tảng sáng tạo. Kể cả được tiếp cận thị trường, kinh doanh hợp lý dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và hỗ trợ chính sách của chính quyền địa phương thông qua quan hệ đối tác công tư. Kỳ vọng các nền tảng được tạo ra sẽ cho phép giới trẻ và cộng đồng, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương đóng góp vào việc xây dựng và đồng thực hiện các chính sách phát triển bền vững.

VĨNH LỘC (ghi)

chan-dung-ong-nguyen-van-lanh.jpg

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An:
Ngôi nhà sáng tạo chung từ Hội An

Là thành phố tiếp nhận những “cái mới” đầu tiên trong khu vực, Hội An là nơi dễ dung nạp những sáng tạo. Đây cũng là một trong những vấn đề ưu tiên được Hội An đưa vào định hướng phát triển trong thời gian tới.

Tại Hội An, thành phố di sản, nơi tạo nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho những ai yêu thích nghệ thuật. Qua nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, kết quả chứng minh rằng Hội An là một địa phương không ngừng có những sáng tạo qua thời gian, từ kiến trúc, văn hóa, kinh tế...

Cộng đồng người dân sinh sống ở Hội An đã xem việc tạo ra cái mới là điều bình thường. Nhờ những giao thoa mạnh mẽ về cộng đồng thương nhân của nhiều quốc gia ở Hội An là một đô thị đặc biệt như hiện nay - đô thị cổ nhưng đầy tính mới.

Để hướng tới việc phát triển đô thị bền vững, tính sáng tạo trong cộng đồng là yếu tố vô cùng quan trọng. Vì vậy, Hội An xác định tạo mọi điều kiện để sự sáng tạo được thăng hoa và hiện thực hóa. Sau đó, thành phố sẽ phát triển và nâng cấp các dự án bằng việc tham gia các cuộc thi cấp thành phố, quốc gia và thậm chí là vươn tầm quốc tế.

Tuy nhiên, trước mắt, cần phải tạo một không gian đủ sức kết nối, đủ nguồn lực về mọi mặt và xây dựng bộ chỉ dẫn, đo lường để dựa vào đó làm cơ sở đánh giá hiệu quả của dự án hoặc giải pháp sáng tạo. Người sáng tạo sẽ có động lực và cảm hứng để dựa vào bộ chỉ dẫn đó và hình thành các dự án, giải pháp hướng tới việc ứng dụng thiết thực trong cuộc sống cộng đồng đô thị.

Những năm gần đây, Hội An liên tục đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp sáng tạo của cá nhân, đơn vị, tổ chức trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong các sự kiện du lịch, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin vào quảng bá hình ảnh, cung cấp tư liệu một cách sinh động cho du khách... cũng là tính mới đối với Hội An.

Thời gian tới, dựa trên những hỗ trợ từ dự án thúc đẩy đổi mới sáng tạo của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững, Hội An sẽ tập trung tăng cường việc kết nối các dự án, giải pháp sáng tạo hiện có, tiếp tục phát hiện và nâng cấp những dự án, giải pháp đang còn trong ý tưởng.

Chúng tôi kỳ vọng Hội An sẽ có một ngôi nhà sáng tạo chung - đây sẽ là nơi sinh hoạt, kết nối và ươm mầm những dự án, giải pháp sáng tạo gắn với cộng đồng để góp phần đưa Hội An thành đô thị phát triển bền vững.

AN NHIÊN - Vĩnh LỘC (ghi)

th1.jpg

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ - Nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng:
Các sáng kiến cần xem xét yếu tố môi trường

Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD, tổ chức phi chính phủ), hoạt động và cống hiến cho bảo tồn biển và phát triển bền vững ở các khu vực ven biển của Việt Nam.

Sứ mệnh của chúng tôi là truyền cảm hứng qua các mô hình thực tế về tinh thần hợp tác, về tiếp cận tổng hợp trong quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển, lấy người dân làm trọng tâm. Chúng tôi tự hào vì tổ chức của mình là lựa chọn tin cậy bởi các đối tác hàng đầu cam kết với bảo tồn biển và phát triển bền vững vùng ven biển.

Tôi tin chắc một điều bảo tồn biển sẽ là một trong các mối quan tâm của giới trẻ, bởi đó cũng chính là cách mà tuổi trẻ bày tỏ tình yêu và niềm tự hào khi là công dân của một quốc gia biển. Thế hệ 9X, 10X khiến tôi nghĩ về một thế hệ số với thật nhiều hy vọng. Họ sẽ sáng tạo và kết nối Việt Nam với đại dương thế giới.

Có thể nói, chưa bao giờ mà cơ hội tự học, tự phát triển lớn như bây giờ. Các bạn trẻ có thể học bất kỳ ai, học bất kỳ đâu, bất kỳ điều gì... tất cả đều dễ dàng thuận lợi và miễn phí trên không gian mạng. Quan trọng các bạn có chịu học hay không, đây là áp lực nhưng cũng là động lực cho giới trẻ bởi nếu không học sẽ bị đào thải. Ngoài ra, một cơ hội khác của thanh niên chính là được bày tỏ bản thân thông qua rất nhiều phương tiện hội nhóm về những ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Từ chính trải nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy khi dấn thân với những dự án cộng đồng, cần sự dẻo dai, việc chăm sóc rèn luyện bản thân rất quan trọng. Các nhóm hay câu lạc bộ là những khởi đầu, nhưng để công tác bảo tồn hiệu quả, các nhóm cần kết nối với nhau, với các tổ chức, các nỗ lực có tổ chức và được kết nối là vô cùng cần thiết để đi đường dài.

Nhưng tuổi trẻ cũng thường sợ cô độc, sợ đi ngược đường, sợ người khác chê cười hay sợ mệt quá sẽ bị thiệt thòi, chán nản, nên thường có những quyết định không bền vững, dễ bỏ cuộc. Vì vậy, các bạn phải dám vượt qua nỗi sợ, phải thực sự cố gắng và nỗ lực để tận dụng cơ hội.

Những người đi trước, những nhà quản lý cần tạo điều kiện, môi trường cho thanh niên phát triển kỹ năng, ý tưởng, kể cả trao đổi, động viên, chia sẻ kinh nghiệm, thành công cũng như rào cản của mình trong quá trình triển khai vào thực tế. Có thể nói, vai trò tiên phong của những người đi trước rất quan trọng, đặc biệt sự đồng hành của nhà nước trong việc kết nối hỗ trợ thanh niên vượt qua những thách thức ban đầu.

GIA KHANG - LÊ QUÂN (ghi)

PHAN VINH - VĨNH LỘC