Giải phóng mặt bằng dự án giao thông: Những bài học kinh nghiệm từ Quảng Nam
Giải phóng mặt bằng bị ách tắc kéo theo dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ trì trệ, chậm tiến độ và gây ra các hệ lụy khác. Nhiều bài học trong công tác này cần được nghiêm túc rút ra và có giải pháp tháo gỡ căn cơ.
Hệ thống chính trị vào cuộc
Thực tế hiện nay, các dự án xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Quảng Nam hầu hết phải giải phóng mặt bằng (GPMB) mới có chỗ để thi công, kể cả công trình đầu tư hoàn toàn mới.
Đi trước một bước, những năm qua, Quảng Nam đã tách GPMB thành tiểu dự án thành phần độc lập, giao trách nhiệm thực hiện cho địa phương vì trực tiếp sâu sát thực tế cơ sở, dễ tạo sự đồng thuận của người dân.
Theo đó, Ban Chỉ đạo GPMB các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh được thành lập, kiện toàn để lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nhiệm vụ.
Ban chỉ đạo GPMB cấp huyện cũng hình thành, huy động các cấp, các ban ngành, hội đoàn thể cùng tham gia. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi hội đoàn thể tùy vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình mà phối hợp thực hiện vì mục tiêu chung.
Công trình nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 40B đoạn xã Tam Thái (Phú Ninh) - thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là điển hình của việc huy động cả hệ thống chính trị làm GPMB.
Vấn đề đáng chú ý, thực tế vẫn còn một số cán bộ, đảng viên ngại khó về GPMB nên bàn lùi hoặc nghi ngờ tiến độ thực hiện công trình gây “hiệu ứng tâm lý ngược” nơi người dân vùng dự án...
Chính vì thế, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần xác định GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm”, quán triệt, tăng cường trách nhiệm, thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, không để xảy ra chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khiến nhân dân mất lòng tin.
Một bài học khác về GPMB, liên quan đến quản lý hiện trạng sau khi có chủ trương đầu tư dự án hạ tầng giao thông. Nếu quản lý không tốt, hiện trạng sẽ thay đổi do hành vi “lấn chiếm” của một bộ phận người dân sẽ ảnh hưởng đến dự án. Công trình sẽ “đội vốn” so với thực tế, đặc biệt là tạo sự bất công cho những hộ nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chung.
Thăng Bình là địa phương rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về vấn đề nêu trên. Chính vì vậy, các dự án hạ tầng giao thông triển khai thời gian qua trên địa bàn, điển hình thi công công trình cải tạo, nâng cấp QL 14E, huyện đã cho chụp hình, quay phim hiện trạng trước khi tiến hành các bước GPMB trên thực địa.
Cốt yếu con người
Một người dân chia sẻ, bản thân chưa hài lòng với mức giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đi qua địa bàn mình đang ở. Người này kể, khi đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc, nhân viên của đơn vị “tuyên truyền” rằng hạng mục này của gia đình sẽ được bồi thường, hỗ trợ với giá cả như thế.
Vậy nhưng, đơn vị chức năng tiến hành áp giá, giá trị thực tế lại thấp hơn nhiều so với thông tin mà nhân viên của đơn vị tư vấn cung cấp. Điều đó khiến người dân hụt hẫng, thiếu tin tưởng vào đơn giá mà Nhà nước quy định.
Để tránh tình trạng nêu trên, chủ đầu tư cần quy trách nhiệm đơn vị tư vấn quán triệt cấp dưới phải tập trung làm tốt công việc chuyên môn; đồng thời xử lý nghiêm nhân viên cố ý phát ngôn thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến GPMB.
Về phía cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, thông tin về khung chính sách GPMB có liên quan cần cung cấp kịp thời và đầy đủ, không để người dân hoài nghi mà sẵn sàng ủng hộ thực hiện dự án. Địa phương không khoán trắng cho cán bộ, nhân viên của đơn vị được giao GPMB.
Vì qua thực tế, thời gian đầu triển khai công tác GPMB dự án cải tạo, nâng cấp QL 14E, một số người dân từng phản ánh chỉ có cán bộ, nhân viên của đơn vị thực hiện bồi thường, GPMB xuống làm việc. Họ chưa hề thấy lãnh đạo cấp huyện xuống trực tiếp gặp đối thoại, vận động cho nên chưa tin tưởng để đồng thuận với chủ trương chung.
Một người làm chuyên môn chia sẻ, công tác GPMB muốn thành công cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản. Quá trình triển khai GPMB phải xem xét, đánh giá kỹ tác động ảnh hưởng đối với người dân.
Trường hợp nào đặc biệt thì cần nghiên cứu kết hợp các quy định liên quan, hoặc vận động nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Kịp thời khen thưởng nhân tố tích cực nhằm khích lệ phong trào; ngược lại kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu. Rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến khung chính sách còn bất cập, ảnh hưởng tới GPMB...