Hỗ trợ người khuyết tật Quảng Nam hòa nhập cộng đồng
Dự án “Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật” giai đoạn II (2021 - 2024) hay còn gọi là Dự án RVCO-II đã tạo những chuyển biến rõ nét trong công tác hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Nhiều phần việc thiết thực
Dự án RVCO-II được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID/Việt Nam), do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện với các đối tác Trung ương và địa phương, tập trung góp phần hoàn thiện một số chính sách quốc gia về người khuyết tật (NKT) và thúc đẩy thực thi chính sách liên quan đến NKT tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Theo đó, có 7.358 lượt người tham gia và được hưởng lợi từ tất cả hoạt động của dự án tại 3 địa phương nêu trên.
Đáng chú ý, dự án xây dựng được mô hình xe buýt tiếp cận với 25 xe buýt trên 6 tuyến xe buýt tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã được trang bị các tính năng hỗ trợ tiếp cận sẵn có với NKT; 9 trạm xe buýt có thiết kế đảm bảo tiếp cận với NKT cũng được đưa vào sử dụng. Xây dựng 2 nhà trung chuyển được đưa vào vận hành tại huyện Tiên Phước và Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội...
Thông qua dự án đã hỗ trợ thành lập thêm CLB nữ khuyết tật ở Duy Xuyên và CLB nữ khuyết tật Thăng Bình. Hằng tháng, 2 CLB này sinh hoạt rất tốt, được hội LHPN hai huyện tổ chức hoạt động thường xuyên, đem lại nhiều giá trị ý nghĩa và thiết thực cho NKT.
Bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Trưởng ban Quản lý Dự án RVCO-II tỉnh Quảng Nam chia sẻ, toàn tỉnh hiện có 66.000 NKT.
Dự án triển khai 2 giai đoạn có giá trị quan trọng về nhiều mặt. Đặc biệt, giai đoạn 2 có hơn 6.800 lượt người NKT, người chăm sóc và đội ngũ cán bộ các cấp được hưởng lợi, tham gia từ các hoạt động của dự án.
Dự án cũng góp phần thực thi các chính sách liên quan đến NKT; triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, nổi bật như sự kiện chạy cùng NKT “Không khoảng cách - không giới hạn” diễn ra ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Công tác thực thi các chính sách khác liên quan đến NKT được đẩy mạnh...
Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng
Ông Nguyễn An Thủy (huyện Bắc Trà My), một trong những NKT được tham gia vào dự án chia sẻ, đã học được cách nhìn nhận về bản thân mình một cách tích cực hơn. “Dù đã cao tuổi nhưng từ khi tham gia dự án từ năm 2022, khi gặp mọi người, tôi mới thấy mình thực sự được sống” - ông Thủy tâm sự.
Ông Hồ Quang Huy - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam An (Phú Ninh) chia sẻ: “Từ khi tham gia vào dự án, mình vẫn làm việc, nhưng làm theo một cách khác, tâm thế khác. Mình với NKT là một, có thế mới hiểu được họ”.
Còn chị Bùi Thị Thanh Thúy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội NKT tỉnh cho hay: “Từ khi tham gia dự án, tôi hiểu rằng khiếm khuyết của bản thân không phải là rào cản, mà rào cản đến từ cách nhìn của mình và mọi người đối với khiếm khuyết đó”.
Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết, dự án đã triển khai 2 giai đoạn, NKT ở Quảng Nam được hưởng lợi rất nhiều. Dự án góp phần hỗ trợ tiếp cận chuyển từ môi trường, mô hình sống từ thiện sang mô hình hòa nhập cộng đồng.
Dự án phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, ngành y tế tổ chức các khóa tập huấn cho NKT trên địa bàn tỉnh như tập huấn phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình, hỗ trợ hòa nhập trọn vẹn cho NKT với số lượng người hưởng lợi tương đối lớn.
“Dự án đã triển khai nhiều mô hình cải tạo môi trường sống phù hợp cho NKT gồm: hệ thống đường đi, trong đó hệ thống đường dốc được cải tạo, lắp đặt các tay vịn giúp NKT thuận lợi trong tham gia giao thông. Tập luyện cho người thân NKT tại nhà để cải thiện tập luyện cho NKT. Nhiều chính sách tư vấn pháp luật và các chính sách liên quan đến NKT được triển khai.
Với tổ chức hội NKT, sau khi tập huấn, chỉ đến khi nào NKT thay đổi hoàn toàn mới thôi tư vấn. Về mặt xã hội, sau khi tiếp cận dự án, nhiều người đã cải thiện cách ứng xử với NKT, tạo cho NKT môi trường, sân chơi bình đẳng, hòa nhập” - ông Dũng chia sẻ.