Văn hóa

Đông - Tây Giang nuôi dưỡng văn hóa dân gian trong trường học

ALĂNG NGƯỚC 18/06/2024 09:00

Những năm gần đây, từ nhu cầu thực tiễn, nhiều trường học ở miền núi triển khai lồng ghép đưa hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, văn nghệ… giúp học sinh địa phương tiếp cận các giá trị truyền thống một cách sinh động, thiết thực.

441196233_339713875793813_4300386542697401289_n.jpg
Già làng Cơlâu Blao chia sẻ câu chuyện văn hóa truyền thống với học sinh địa phương. Ảnh: Đ.N

Mời già làng về… nói chuyện

Một buổi truyền thông của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tr’Hy (huyện Tây Giang), những đứa trẻ Cơ Tu hồn nhiên ngồi chăm chú nghe lời chia sẻ từ chính vị già làng mà họ kính trọng - nghệ nhân ưu tú Cơlâu Blao.

Bằng câu chuyện sống động về văn hóa làng và nhạc cụ truyền thống Cơ Tu, không gian gươl làng trở thành nơi truyền dạy văn hóa, giúp học sinh miền núi trải nghiệm và khám phá các giá trị cộng đồng.

Thầy giáo Nguyễn Thành Toàn - Tổng phụ trách Đội (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tr’Hy) cho biết, để tổ chức hoạt động trải nghiệm này, nhà trường mời già làng Cơlâu Blao về nói chuyện, chia sẻ và giới thiệu những giá trị đặc trưng của của gươl, dụng cụ sinh hoạt đời thường, nhạc cụ truyền thống… giúp học sinh nắm bắt đầy đủ câu chuyện văn hóa làng một cách dễ hiểu nhất.

img_0225.jpg
Học sinh miền núi tham gia trình diễn văn hóa cộng đồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Cách chia sẻ của già Cơlâu Blao cũng rất thú vị và lôi cuốn, sinh động. Nói về trang phục áo vỏ cây, già Blao vừa mặc chiếc áo lên người, vừa giới thiệu cách làm để ra một chiếc áo truyền thống này. Hay chia sẻ câu chuyện về nhạc cụ, về trống chiêng, già cũng nhiệt tình chơi một bản nhạc trong niềm háo hức của các bạn nhỏ.

Thông qua lời giới thiệu của già Blao, các vật dụng đặc trưng văn hóa của đồng bào Cơ Tu trở nên gần gũi và ấn tượng, giúp học sinh dễ nhận biết, qua đó càng thêm yêu và tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, khơi gợi ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy sau này” - thầy Toàn chia sẻ.

Ở Tây Giang, ông Cơlâu Blao được xem như một “nhân chứng sống” trong bảo tồn văn hóa truyền thống. Hàng chục năm qua, bằng việc sưu tầm, chế tác nhạc cụ truyền thống, đăc biệt là khèn và đàn h’jưl (đàn 2 dây của người Cơ Tu), già Blao đã hình thành nên một “bảo tàng gia đình” ngay không gian nhà sàn, trở thành điểm đến thú vị cho cộng đồng và du khách.

Ngoài ra, già Blao cũng là một trong các già làng địa phương tham gia điêu khắc, hỗ trợ dựng gươl cho cộng đồng Cơ Tu trên địa bàn huyện, truyền dạy văn hóa thực hành cho người trẻ theo câu chuyện của riêng mình…

Nuôi dưỡng văn hóa người trẻ

Trong chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Sông Kôn, Đông Giang) mới đây, nhà trường lồng ghép các tiết mục nghệ thuật bằng câu chuyện văn hóa độc đáo.

Với chủ đề “Về nguồn”, các phụ huynh, giáo viên và học sinh lần lượt lượt trình diễn trống chiếng, múa tân tung - da dá, cho đến hát dân ca Cơ Tu, trình diễn thời trang thổ cẩm… Bằng cuộc trình diễn “cây nhà lá vườn”, không gian nghệ thuật làm sống dậy thức cảm của người dân và du khách có mặt.

Ảnh xuân 10
Người trẻ vùng cao giờ càng tự hào và yêu hơn sắc màu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Những năm gần đây, từ nhu cầu thực tiễn, các trường học ở miền núi đẩy mạnh tổ chức hoạt động ngoại khóa giúp học sinh tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm văn hóa dân gian truyền thống. Đây được xem là hoạt động ý nghĩa, tạo không gian nuôi dưỡng văn hóa cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Như Câu lạc bộ nói lý - hát lý Cơ Tu của Trường THPT Quang Trung (Đông Giang), sau hơn 4 năm ra mắt, nhà trường thường xuyên duy trì các buổi sinh hoạt và trao truyền nói lý - hát lý cho học sinh miền núi.

Dưới mái gươl truyền thống, những năm qua, thầy và trò nhà trường tổ chức định kỳ các buổi học nói lý - hát lý, với sự hướng dẫn, truyền đạt từ các già làng uy tín, am hiểu nghệ thuật “đối đáp” của người Cơ Tu. Sau nhiều năm hoạt động, nhiều học sinh đã bắt đầu có khả năng nghe - hiểu và tập tành câu chuyện bằng những câu lý đơn giản, dung dị.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, những năm gần đây, địa phương chú trọng đến việc mở rộng các câu lạc bộ văn hóa, khuyến khích địa phương, đặc biệt là các trường học đưa loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống vào trong trường học giúp học sinh tìm hiểu, trải nghiệm.

Thông qua việc truyền dạy, tạo cơ hội để học sinh hiểu hơn về ý nghĩa, vai trò cũng như giá trị của văn hóa dân gian miền núi trong đời sống cộng đồng, từ đó cùng góp sức bảo tồn và phát triển.

“Rất mừng là thế hệ trẻ Cơ Tu bây giờ đang có cái nhìn tích cực về văn hóa truyền thống. Các em luôn tự hào khi mặc sắc phục trong các dịp lễ hội, khai giảng, tham quan; nhiều em nhiệt tình tham gia biểu diễn trong đội múa trống chiêng phục vụ cộng đồng và du khách tại địa phương” - ông Tùng nói.

ALĂNG NGƯỚC