Quảng Nam cải thiện chỉ số "Chi phí thời gian"
Chi phí thời gian là một trong những chỉ số thành phần, yếu tố quan trọng, được quan tâm hàng đầu khi đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2023, Chỉ số chi phí thời gian của tỉnh Quảng Nam tăng rõ rệt nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính.
Chỉ số chi phí thời gian tăng
Trong số các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số thành phần chi phí thời gian có cấu tạo phức hợp từ 3 nhóm chỉ tiêu. Đó là chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; thanh tra kiểm tra (bao gồm số giờ làm việc với thanh tra thuế và số cuộc thanh tra, kiểm tra các loại); chỉ tiêu đo lường cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng của công tác cải cách hành chính.
Chỉ số chi phí thời gian là những cảm nhận của doanh nghiệp về khía cạnh chi phí thời gian mà chưa bao gồm những chi phí khác trong thực hiện các quy định, chẳng hạn chi phí bằng tiền để tuân thủ quy định của Nhà nước. Như vậy, sự có mặt của Chỉ số chi phí thời gian là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư, doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn đầu tư.
Năm 2021, theo báo cáo chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, tỉnh Quảng Nam được 66,24 điểm, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, xếp thứ 4/12 trong Vùng duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Bình Định) và thuộc nhóm tỉnh có chỉ số khá. Trong đó, Chỉ số chi phí không chính thức được 7,79 điểm (giảm 0,18 điểm so với năm 2020).
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đạt 66,62 điểm (tăng 0,38 điểm so với năm 2021), xếp vị thứ 22/63 tỉnh, thành phố (giảm 3 bậc so với năm 2021), xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố thuộc Vùng duyên hải miền Trung (sau Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Bình Định), trong đó Chỉ số chi phí thời gian 7,61 điểm (giảm 0,18 điểm so với năm 2021). Năm 2023, tỉnh Quảng Nam được 67,04 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2022.
PCI 2023 của Quảng Nam tăng điểm, nhưng không nằm trong tốp 30 tỉnh thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước (năm 2022 Quảng Nam nằm trong tốp 30); trong đó Chỉ số chi phí thời gian 8,1 điểm (tăng 0,49 điểm so với năm 2022).
Đây là chỉ số thành phần có điểm số cao nhất trong 10 chỉ số PCI 2023 tỉnh Quảng Nam. Để nâng cao chỉ số PCI, PGI (chỉ số xanh cấp tỉnh) của Quảng Nam năm 2024, theo Thanh tra tỉnh, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cải thiện chỉ số thành phần chi phí thời gian.
Cần đồng bộ giải pháp
Theo đó, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trên địa bàn tỉnh cần xây dựng và công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định và nhập vào phần mềm quản lý thanh tra, kiểm tra (đã tích hợp tại phần mềm tiếp công dân, quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo), tránh trùng lặp, chồng chéo tại doanh nghiệp.
Công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/ năm theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; đối với thanh tra chuyên ngành, chuyển dần hình thức hoạt động thanh tra, kiểm tra theo từng đoàn, từng lĩnh vực riêng lẻ, sang hình thức phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành theo cuộc thanh tra, kiểm tra bao gồm nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực chuyên ngành.
Thanh tra tỉnh quản lý, vận hành và khai thác có hiệu quả phần mềm “Quản lý kế hoạch thanh tra” để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của các đơn vị.
Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, hạn chế tối đa việc gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu các quy định, các văn bản hướng dẫn mới để thống nhất nhận thức, thực hiện đúng quy định của pháp luật...
Nhằm nâng cao thứ hạng chỉ tiêu chi phí thời gian trong năm 2024, theo Thanh tra tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ; đẩy nhanh tiến trình tinh gọn thủ tục hành chính (TTHC), công khai, minh bạch hoạt động thông qua việc tăng cường sự kết nối, liên thông trong ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết TTHC trực tuyến bảo đảm an toàn, nhanh chóng, hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức.
Đặc biệt người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, quyết liệt xử lý cán bộ, công chức vi phạm, gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt cán bộ; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cần có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân và doanh nghiệp...