Tạp văn

Trắng ngần miền ký ức bông gòn

ZƠRÂM THỊ TÝ 18/06/2024 09:39

Dưới tán cây rậm rạp, nơi lũ trẻ chọn điểm vui chơi trong ngày hè oi nóng, những bông gòn trắng ngần trải rợp cả một không gian rộng lớn. Bất chợt miền ký ức ùa về…

Bông gòn trở thành ký ức đẹp tuổi thơ của trẻ em miền núi. Ảnh: ZƠRÂM THỊ TÝ
Bông gòn trở thành ký ức đẹp tuổi thơ của trẻ em miền núi. Ảnh: ZƠRÂM THỊ TÝ

Hôm nọ trở về quê, tôi lang thang nơi đầu ngõ nhà của một người bạn ngay chân cầu Bến Giằng (xã Cà Dy, Nam Giang), bắt gặp những cây bông gòn to lớn dọc lối đi. Những đứa trẻ hồn nhiên đùa vui dưới bóng mát. Gần 30 năm trước, cũng dọc bờ sông Ring này, chúng tôi cũng mải miết nô đùa theo “câu chuyện” của bông gòn trong trắng.

Một buổi sáng đầu hè, nắng lấp lánh trên tán cây rộng lớn để lộ ra những búp gòn xinh xắn. Tôi đếm từng trái cây xanh mướt, treo lủng lẳng trên cao mà nghĩ đến khoảnh khắc thuở bé, ngồi hái búp bông gòn chia nhau nhai rồm rộp, đầy niềm thỏa thích. Bông gòn non, bên trong thường có hạt nên vị hơi béo. Sau những trận mưa lớn, bông non hút nước, tạo ra một thứ “nước trời” vừa ngòn ngọt, vừa mát mịn như suối.

Nhìn trẻ em vui đùa cùng bông gòn, ký ức tuổi thơ trong tôi ùa về. Ảnh: ZƠRÂM THỊ TÝ
Nhìn trẻ em vui đùa cùng bông gòn, ký ức tuổi thơ trong tôi ùa về. Ảnh: ZƠRÂM THỊ TÝ

Bao năm xa quê hương, cây gòn trước làng bây giờ vẫn vươn cao bóng mát, in đậm ký ức tuổi thơ tôi suốt một thời gian khó. Ngày ấy, những buổi trưa tan trường, chúng tôi thường tìm đến dưới gốc cây gòn để đùa vui, chuyện trò. Mỗi người cầm theo một nắm cơm trắng, ngồi dưới tán cây râm ran chuyện học trò.

Chúng tôi giả bán hàng, những chùm bông gòn trắng được quy ước thành cây kem, món hàng mà trẻ em biên giới chỉ biết qua lời kể của người lớn. Chúng tôi chọn lấy những lá gòn bé xíu, xem đó là tờ tiền để trao đổi.

Với người miền núi, ngoài để vui chơi, bông gòn còn có thêm công năng khác là tạo tim đèn đề phòng những ngày cúp điện. Ảnh: INTERNET
Người miền núi dùng bông gòn tạo tim đèn đề phòng những ngày cúp điện. Ảnh: INTERNET

Rôm rả theo câu chuyện kẻ bán - người mua từ hàng này đến hàng khác, có hôm đến tận chiều tà. Cuộc vui kết thúc khi bên kia sông, người lớn vừa xong buổi rẫy.

Trong ký ức của tôi, ngày ấy, cây gòn mọc sát bến sông quê, tán lá um tùm che nắng. Thỏa thích chơi đùa, thỉnh thoảng nhóm trẻ thi nhau tắm sông giải nhiệt, vùng vẫy dưới dòng nước trong mát mà quên cả giấc ngủ trưa hè.

Thấm mệt sau những cuộc chơi, chúng tôi rủ nhau trèo lên nhánh cây hóng mát, rồi thi nhau nghêu ngao xem ai hát được những nốt dài, nốt cao hay nhất. Vào những ngày mùa đông, nước lũ dâng cao, cây gòn trở thành trụ vững bền để dân làng buộc dây, chèo bè qua sông lên rẫy.

Bôg gòn, gợi một miền quê ký ức. Ảnh: ZƠRÂM THỊ TÝ

Trong khung cảnh bình yên của làng quê ngày ấy, sắc trắng bông gòn như tạo nét chấm phá giữa nền trời xanh ngát của núi rừng. Thứ màu trắng mỏng bồng bềnh trên cao ấy cứ lặng lẽ qua năm tháng, như in giấc mơ tuổi thơ của những đứa trẻ miền núi.

Thời gian thấm thoát trôi, hôm trở về núi, tôi bất chợt thấy chiếc đèn dầu cũ kỹ được mẹ cất trên gác bếp. Như kỷ vật ngày gian khó, tôi ngồi lau thật sạch, tìm đến bến sông, lấy những sợi bông gòn mịn vuốt thành tim đèn. Buổi tối hôm ấy, vô tình điện cúp, cây đèn dầu được mắc trên giàn bếp chiếu sáng cho bữa cơm tối muộn. Ánh đèn như soi vào ký ức một thuở trong veo...

ZƠRÂM THỊ TÝ