Ứng dụng công nghệ vào khởi nghiệp sáng tạo
QNO - Nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận và trao giải năm 2024 đã biết cách khai thác, ứng dụng công nghệ hiệu quả vào đời sống, là chỉ dấu về tính khả thi đầu tư trên con đường khởi nghiệp.
(QNO) - Nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận và trao giải năm 2024 đã biết cách khai thác, ứng dụng công nghệ hiệu quả vào đời sống, là chỉ dấu về tính khả thi đầu tư trên con đường khởi nghiệp.
Từ thực trạng khó khăn và tốn nhiều thời gian trong quá trình điểm danh, giám sát và quản lý chất lượng lớp học tại các trường học, nhóm tác giả là các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung gồm: Bùi Như Quỳnh, Nguyễn Thanh Tuấn, Đặng Huy Hùng dưới sự hỗ trợ của thầy giáo Hồ Văn Vinh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giải pháp điểm danh, giám sát, quản lý đánh giá chất lượng lớp học thông qua nhận dạng khuôn mặt - CEPC AI. Giải pháp này không chỉ được triển khai trong môi trường giáo dục mà còn có tính khả thi cao trong quá trình quản lý, đánh giá chất lượng nhân sự, người lao động của các công ty, tập đoàn.
Thầy giáo Hồ Văn Vinh cho biết, lâu nay, các giảng viên rất cần công cụ giúp quản lý giờ học hiệu quả. Việc điểm danh thủ công tốn khá nhiều thời gian của lớp học nhưng không mang tính bao quát vì chỉ nắm được số lượng học sinh, sinh viên trong thời điểm nhất định. Ngoài ra, chất lượng lớp học cũng được các giảng viên và những người làm công tác quản lý giáo dục quan tâm.
Bài toán đặt ra là làm sao để nhận biết cảm xúc, thái độ mà mức độ tập trung của người học để dẫn dắt nhịp độ lớp học, nâng cao hiệu quả giảng dạy? Chính những yêu cầu đó mà hình thức điểm danh bằng thẻ, vân tay, quét khuôn mặt ở cửa lớp không còn phù hợp.
Theo thầy Vinh, trong một không gian nhất định, vị trí camera ở vào chỗ phù hợp có thể điểm danh, cập nhật số lượng liên tục lên phần mềm, kèm với việc đánh giá sự tập trung, thái độ làm việc cũng như học tập của các sinh viên và hiển thị báo cáo cho người quản lý.
Đặc biệt, đối với những thành viên được tích hợp nhận dạng khuôn mặt vào phần mềm thì hệ thống sẽ đọc dữ liệu, còn phát hiện người lạ, hệ thống sẽ cảnh báo cho người quản lý. Đây có lẽ là ứng dụng phù hợp cho cả môi trường giáo dục và phòng làm việc của các công ty khởi nghiệp với quy mô vừa và nhỏ.
Anh Lê Văn Hường - Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Điện lực miền Trung cho biết, thời gian qua, nhà trường liên tục khuyến khích, động viên các bạn sinh viên phát huy tính sáng tạo để có những ý tưởng khởi nghiệp mới lạ, những ý tưởng nào có tính khả thi cao, nhà trường sẽ phân công giảng viên, cán bộ chuyên môn hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời.
"Đối với giải pháp hệ thống điểm danh, giám sát và quản lý đánh giá chất lượng lớp học thông qua nhận dạng khuôn mặt - CEPC AI do thầy Vinh và các bạn sinh viên sáng tạo, đoạt giải Ba cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2024, nhà trường đã tạo nhiều điều kiện để nhóm thực hiện.
Nhà trường và một doanh nghiệp đang triển khai áp dụng. Một số tính năng trong phần mềm cần được nâng cấp hơn nữa và sẽ được đăng ký sở hữu trí tuệ, đóng gói sản phẩm và đưa ra thị trường trong thời gian tới" - anh Hường nói.
Với thế mạnh sở hữu đội ngũ học sinh, sinh viên được đào tạo các ngành nghề liên quan xây dựng, điện - nước, nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Quảng Nam gồm: Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Văn Hưng (Khoa Ô tô - cơ khí - xây dựng) cùng thầy giáo Lê Hữu Hùng (Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Nam Quảng Nam) đã nghiên cứu và đưa ra dự án cung cấp dịch vụ đa tiện xử lý sự cố công trình dân dụng và công nghiệp. Dự án đoạt giải Ba tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2024.
Thầy giáo Lê Hữu Hùng cho biết, trên thị trường hiện nay nhu cầu về xử lý các sự cố liên quan đến chống thấm, giọt, chập điện, rò rỉ nước... của người dân rất cao. Tuy nhiên, các đơn vị thi công hiện nay chỉ nhận những gói thầu nhiều hạng mục, hoặc nếu có thì một số thợ điện - nước nhận xử lý sự cố nhưng chủ nhà vẫn không được ưu tiên vì họ còn làm cho các công trình.
Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Quảng Nam, nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc trong các ngành xây dựng, điện - nước thì không tìm được “địa chỉ” làm thêm phù hợp để tăng thu nhập. Nắm được khoảng trống này, thầy Hùng cùng với 2 sinh viên Quốc và Hưng nảy ra ý tưởng viết dự án về cung cấp các dịch vụ nói trên và sử dụng nguồn nhân sự là các sinh viên xuất sắc, có tay nghề cao của nhà trường để thực hiện.
Nhóm ý tưởng của thầy Lê Hữu Hùng sử dụng công cụ mạng xã hội Facebook và Zalo OA để chạy quảng cáo, giới thiệu tới khách hàng. Vì theo thói quen, khi có sự cố cần xử lý, người dân sẽ lên mạng internet để tìm kiếm các dịch vụ. Tại trang mạng xã hội cung cấp dịch vụ đa tiện của nhóm tác giả có đường dây nóng và hộp thư, khách hàng có thể để lại thông tin, hình ảnh không gian, vật dụng cần xử lý. Nhanh chóng sau đó, bộ phận trực cổng thông tin sẽ tiếp nhận và gửi báo giá dịch vụ. Khi khách hàng đồng ý với mức giá, dịch vụ sẽ gửi thông tin cá nhân của một số bạn sinh viên đúng chuyên ngành, có khả năng xử lý sự cố để khách hàng lựa chọn và nắm chính xác ai sẽ đến nhà mình làm việc để an tâm.
Theo thầy giáo Lê Hữu Hùng, vì chưa có kinh phí nhiều nên hiện tại, dự án phải phụ thuộc vào kênh mạng xã hội, đường dây nóng và cần chuyên viên trực cổng trao đổi với khách hàng cùng kỹ thuật viên. Trong tương lai, khi kêu gọi được nhà đầu tư, dự án sẽ viết một ứng dụng cài đặt trên điện thoại, khi khách hàng có nhu cầu, sẽ thực hiện mọi thao tác trên đó. Từ việc chọn nhu cầu xử lý sự cố, gửi thông tin, hình ảnh, nhận báo giá, chọn kỹ thuật viên.
Thông qua ứng dụng trên, các bạn sinh viên chỉ cần để lại thông tin, thành tích học tập chuyên ngành, qua một lần kiểm tra năng lực thì được trở thành kỹ thuật viên của dự án. Khi khách có nhu cầu và chọn đúng bạn sinh viên nào, ứng dụng sẽ gửi thông báo về điện thoại của bạn đó và tham gia thực hiện công việc. Tùy tính chất của sự cố mà ứng dụng sẽ phân công 1 hoặc nhiều kỹ thuật viên xử lý.
"Trên cả nước hiện nay có rất nhiều trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành xây dựng, điện - nước và dự án hoàn toàn có thể triển khai rộng khắp. Hơn thế nữa, đây sẽ là kênh việc làm chất lượng để các bạn sinh viên ra trường tham gia. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư để triển khai ứng dụng, mang lại giải pháp hữu ích cho người dân và tạo việc làm bền vững cho sinh viên" - thầy Lê Hữu Hùng nói.
Những năm qua, vấn đề phân loại rác thải tại nguồn đã được các cấp, các ngành và đoàn thể phát động thực hiện sâu trong nhân dân. Tuy nhiên, các chương trình chưa phát huy được hiệu quả, nằm ở mức độ phong trào. Ông Lê Văn Minh (thôn Giáo Ái, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) chia sẻ, qua quá trình khảo sát của ông, nhiều người dân hiểu được tác động tích cực của việc phân loại rác tại nguồn nhưng vì không có công cụ và động lực để thực hiện nên vấn đề này chưa được quan tâm.
Là một người hoạt động trong ngành sản xuất máy móc và quan tâm đến vấn đề môi trường, ông Minh đã có ý tưởng về một thiết bị quản lý, phân loại rác thải có trả phí. Cụ thể, thiết bị này cho phép người dân đưa rác vào và sẽ được phân loại làm rác tái chế, hữu cơ và rác thải nguy hại. Đối với rác thải tái chế, người dân sẽ được nhận số tiền tương ứng với giá trị, còn đối với rác thải nguy hại, người dân sẽ phải trả tiền để các đơn vị thu gom xử lý.
"ATM rác này giải quyết được các vấn đề về công cụ cho người dân thực hiện việc phân loại rác và đặc biệt là tạo động lực bằng những đồng tiền nhận được từ rác tái chế. Còn đối với rác nguy hại, họ phải trả tiền, với mức phí phù hợp, nếu vứt bừa bãi, họ sẽ bị phạt với số tiền lớn hơn rất nhiều lần" - ông Minh nói.
Để vận hành ATM phân loại rác có trả phí, việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua mô hình ERP (mô hình công nghệ tích hợp từ thu nhập, phân tích, phân loại dữ liệu...) và ứng dụng trên điện thoại thông minh. Theo đó, người dân mang rác đến vị trí ATM để khai báo mã định danh bằng QR Code thông qua ứng dụng trên điện thoại để nhập thông tin và lựa chọn nguồn thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc các ứng dụng tài chính cá nhân. Cơ quan quản lý phân công nhân lực, xe chuyên dụng để thu gom rác tại ATM sau đó vận chuyển về nhà máy xử lý hoặc tái chế. Vì không tốn công đoạn phân loại nên quá trình xử lý và tái chế của nhà máy sẽ rất hiệu quả. Trung tâm vận hành, quản lý các ATM rác sẽ nắm được toàn bộ thông tin thông qua phần mềm ERP và ứng dụng trên điện thoại có dữ liệu khách hàng.
Ông Minh chia sẻ: "Để dự án ATM rác được khả thi thì rất cần sự chung tay của chính quyền trong việc thực thi nghiêm các quy định pháp luật về môi trường. Ở các nước tiên tiến, chỉ cần vứt rác bừa bãi sẽ bị cơ quan chức năng gửi giấy phạt về nhà. Còn Việt Nam thì dù nhiều quy định nhưng chỉ mang tính răn đe, cảnh báo. Vì vậy, trước mắt, ATM này sẽ phù hợp với môi trường nhà trường, khu chung cư, doanh nghiệp có lực lượng công nhân đông...".
Cũng theo ông Minh, chi phí đầu tư cho mỗi ATM rác này khoảng 3 tỷ đồng, nên dự án của ông vẫn đang còn là ý tưởng và được UBND tỉnh công nhận là ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2024. Vừa qua, ông may mắn kết nối được với một nhà đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, họ sẽ rót vốn thực hiện ATM rác này để triển khai thí điểm tại một số nơi ở những thành phố lớn.