Cần quy định Công đoàn có quyền “đương nhiên” đại diện người lao động để khởi kiện
Sáng qua 18/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tham gia thảo luận dự luật này, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đánh giá, Luật Công đoàn hiện hành được ban hành năm 2012, sau 12 năm thi hành cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế; chưa theo kịp yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động của tổ chức công đoàn rất quan trọng.
Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều vụ việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng công đoàn chưa thể khởi kiện do vướng các quy định về thu thập ủy quyền của từng cá nhân người lao động.
Do vậy, cần quy định rõ trong luật: Tổ chức công đoàn là đại diện “đương nhiên” của người lao động để chủ động bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động; nếu người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công đoàn có quyền “đương nhiên” đại diện người lao động để khởi kiện mà không cần ủy quyền của chính người lao động đó.
Đại biểu Dương Văn Phước đồng tình với đề xuất tăng nguồn huy động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ, để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn về vấn đề biên chế, bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong môi trường cạnh tranh hiện nay.
Để quy định này khả thi, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thống nhất trong quá trình áp dụng về “khung” số lượng cán bộ công đoàn/tỷ lệ đoàn viên ở công đoàn cơ sở và cả công đoàn cấp trên cơ sở nhằm tránh trường hợp cơ cấu cán bộ công đoàn chưa tương xứng với khối lượng công việc, nhiệm vụ, hoạt động công đoàn.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động của công đoàn, đại biểu Dương Văn Phước dẫn chứng Hiến pháp 2013 đã hiến định, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động...
Như vậy, Công đoàn Việt Nam vừa là tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, vừa là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động và trong môi trường cạnh tranh phát triển đoàn viên hiện nay, cần được quan tâm, tạo điều kiện để Công đoàn Việt Nam tiếp tục đồng hành, phát triển cùng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Đối với quản lý, sử dụng 2% tài chính công đoàn, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng nguồn thu hợp pháp này của Công đoàn Việt Nam mang tính lịch sử, hình thành từ năm 1957, được luật pháp công nhận, nguồn kinh phí này đã được Công đoàn Việt Nam sử dụng công khai, minh bạch vào mục đích chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động tại công đoàn cơ sở là chính và hỗ trợ hoạt động của cán bộ công đoàn, phục vụ hoạt động của công đoàn.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện cho công đoàn tổ chức tốt các hoạt động tại cơ sở, chăm lo đời sống công nhân, đoàn viên và người lao động, đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính linh hoạt và công bằng trong thu chi tài chính theo quy định của pháp luật...