Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn lần thứ IV năm 2024:Xanh lại những vạt rừng
Bằng tinh thần cố kết cộng đồng cùng chính sách hỗ trợ và các chiến lược phát triển đặc thù, cuộc sống mới đã mở ra cho đồng bào huyện Phước Sơn sau nạn sạt lở năm 2020.
Gượng dậy sau thiên tai
Vườn rau của gia đình anh Hồ Văn Đoàn (xã Phước Lộc) đã xanh. Quanh nhà, rất nhiều hố trồng cây đã rải sẵn phân chuồng, chờ gieo ươm thêm những giống cây ăn trái được cấp từ nguồn hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nụ cười trở lại trên gương mặt của người đàn ông Bh’noong sau tháng ngày sống trong sợ hãi. Nhìn những đổi thay bây giờ, Hồ Văn Đoàn nói, đã có thể ngon giấc trong căn nhà mới, không còn phải đối mặt với ám ảnh kinh hoàng từ đợt sạt lở. Nơi này, cách thôn 6, tức làng Ong nơi anh từng ở trước đây chừng hơn chục cây số.
Căn nhà mới được Hồ Văn Đoàn dựng từ tháng 4/2021, nửa năm sau thảm họa, ở lưng chừng con dốc thuộc thôn 2 (xã Phước Lộc). Đoàn xin đất của anh ruột, rồi nhờ vào khoản hỗ trợ 140 triệu đồng từ Nhà nước, vay mượn thêm một ít, hai vợ chồng anh dựng lại được nhà. Không xa nơi nhà Hồ Văn Đoàn ở, là nhà của Hồ Văn Cây, em vợ Đoàn.
Mẹ của Hồ Văn Cây cùng hai đứa con anh đã mất trong trận sạt lở kinh hoàng tràn qua làng Ong năm 2020. Cả tháng ròng, vợ chồng Đoàn cùng vợ chồng Hồ Văn Cây đi xuôi con suối để tìm thi thể mẹ, nhưng rồi mất dấu. Hai đứa con Hồ Văn Cây được an táng gần đồi ma, không xa làng.
Hiểu được mất mát và cả ám ảnh của hai gia đình trẻ, chính quyền tìm mọi cách hỗ trợ để họ được an cư. Bây giờ, cả hai sống yên bình bên làng mới. Vợ chồng Hồ Văn Cây sinh thêm một đứa con trong căn nhà mới ở thôn 2.
Đó chỉ là hai mảnh ghép trong số rất nhiều những phận người từng chông chênh, trắng tay sau đợt thiên tai đổ xuống Phước Sơn tháng 10/2020.
Vùng cao như trở lại điểm xuất phát của... hai mươi năm trước đó, mất điện, đường bị băm nát, nhiều mặt bằng cùng nhà cửa, tài sản của dân bị xóa sổ. Phước Kim, Phước Lộc, Phước Thành, vùng cao Phước Sơn đã lặng lẽ gượng dậy sau thảm nạn, từng bước ổn định đời sống người dân.
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc nói, chính quyền đã làm tất cả để có thể giúp dân ổn định nơi ở và từng bước khôi phục ruộng rẫy sản xuất. Bước ra từ ngổn ngang, đổ nát, chính quyền đã đồng hành với người dân trong mọi lúc, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tập hợp lực lượng hỗ trợ dựng lại nhà, sửa lại đường sá...
“Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện, nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm đã luôn hướng về vùng cao, Phước Lộc có điều kiện từng bước san ủi mặt bằng mới cho người dân, hỗ trợ các gia đình bị mất hoặc hư hại nhà cửa có nơi ở kiên cố, ổn định. Chúng tôi cũng tính toán nhiều phương án để đa dạng sinh kế, giúp người dân xoay xở vượt qua khó khăn, làm lại cuộc sống mới” - ông Lưu Huyền Thoại nói.
Không riêng Phước Lộc, tại Phước Thành, Phước Kim, nhiều gia đình cũng đã được an cư trong “vùng an toàn”, không còn nhấp nhổm mỗi đợt mưa bão về. Bài toán an cư vẫn đang được nỗ lực giải, với quyết tâm đến năm 2025 Phước Sơn hoàn thành xóa hơn 1.600 nhà tạm, giúp người dân yên tâm lo cho ngày mai, ngày sau...
Đổi khác diện mạo
Bằng việc tranh thủ nguồn lực từ Nghị quyết số 12, Nghị quyết số 23, Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh, Phước Sơn đã đẩy mạnh công tác sắp xếp ổn định dân cư. Theo thống kê, có hơn 500 hộ dân đã được hỗ trợ di dời nhà ở và xây dựng mặt bằng mới, phù hợp với phong tục tập quán địa phương.
Ông Alăng Ngọc - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết, đến nay tổng kinh phí hỗ trợ đạt hơn 20 tỷ đồng, giúp đảm bảo các điều kiện sống ổn định lâu dài cho người dân.
Để tiếp sức cho các xã, nhiều đơn vị trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tăng cường công tác kết nghĩa. Trong đó, Phước Sơn chú trọng đề xuất triển khai các mô hình sinh kế, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo.
“Chính quyền địa phương cũng tập trung tôn vinh người có uy tín, động viên, tranh thủ vai trò của đội ngũ này ở cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Các cuộc vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cộng đồng, mang lại nhiều kết quả tích cực, hướng tới thoát nghèo bền vững cho bà con miền núi Phước Sơn” - ông Ngọc cho hay.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nhận định, nỗ lực của chính quyền tỉnh cùng với sự hợp tác tích cực từ cộng đồng địa phương đã mang lại những đổi mới đáng kể trong tái thiết và phát triển tại Phước Sơn.
Đó cũng là dấu ấn đáng kể trong thực thi nhiều chính sách dân tộc quan trọng trên địa bàn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
“Hiện nay, Phước Sơn đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là việc đảm bảo đường ô tô đến trung tâm các xã và vào tận trung tâm các thôn, xóa bỏ du canh du cư và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở mức 6-7% mỗi năm.
Thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các cấp ngành xóa nhà tạm, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, phấn đấu giảm chênh lệnh mức sống và giải quyết để không còn xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện” - ông Lê Quang Trung nói.
Qua 5 năm (2019 - 2024), hơn 1.600 tỷ đồng đã được đầu tư giúp huyện Phước Sơn bước qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, khôi phục và phát triển đời sống, sản xuất. Nhờ vậy, hệ thống giao thông, từ huyện đến xã đã được cải thiện, với hơn 90% đường liên thôn đã được bê tông hóa; 12 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; hệ thống trường học, trạm y tế dần được hoàn thiện, cùng với việc đầu tư hệ thống thủy lợi và cấp nước sinh hoạt, đưa tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh lên đến 100%...