Thế giới

Truyền thông toàn cầu trước nhiều áp lực

QUỐC HƯNG 19/06/2024 17:02

(QNO) - Tại Diễn đàn truyền thông toàn cầu (GMF) do kênh truyền hình DW (Đức) tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/6 vừa qua, khoảng 1.500 chuyên gia truyền thông từ hơn 100 quốc gia trên thế giới thảo luận về các mối đe dọa đối với nhà báo, thông tin sai lệch và trí tuệ nhân tạo (AI).

dw.jpg
Các nhà báo tham dự GMF 2024 thảo luận cách đối phó với thông tin sai lệch dưới mọi hình thức. Ảnh: DW

Áp lực của ngành truyền thông

"Giải pháp chia sẻ" là phương châm của GMF nhưng việc triển khai AI cũng đang chia rẽ thế giới.

Theo GMF 2024, AI có khả năng đảo lộn hệ thống truyền thông của thế giới, có thể phá hủy các mô hình kinh doanh, thúc đẩy thông tin sai lệch và làm suy yếu niềm tin trong xã hội.

Dù vậy, AI cũng có thể được sử dụng để tăng khả năng tiếp cận thông tin và tham gia kỹ thuật số - cách con người có thể hưởng lợi từ AI.

Giám đốc sự kiện của DW - ông Benjamin Pargan nêu ra những điểm chính của diễn đàn gồm sự an toàn của các chuyên gia truyền thông, cách đối phó với chiến dịch đưa thông tin sai lệch và sự phát triển nhanh chóng của AI đang ảnh hưởng như thế nào đến công việc hằng ngày của các nhà báo.

Các chủ đề như phát triển công nghệ, áp lực kinh tế và mối nguy hiểm thường trực mà các nhà báo phải đối mặt ở vùng chiến sự cũng là nội dung trọng tâm của các cuộc thảo luận tại diễn đàn.

Các nhà báo tại GMF 2024 thừa nhận hiện người dùng cảm thấy choáng ngợp trước thông tin, đặc biệt nguy hiểm là tin tức tiêu cực tràn ngập các phương tiện truyền thông.

Nhiều tấm gương tích cực

GMF nêu bật những nhà báo xuất sắc trong sự nghiệp. Ví như, nhà báo Maria Ressa người Philippines nổi tiếng với việc đồng sáng lập của tờ Rappler, đấu tranh chống lại thông tin sai lệch và nhận được Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2021 vì "những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận, điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài".

prnewswire.jpg
Nhà báo Maria Ressa - chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2021. Ảnh: PRN

Nhà báo Moky Makura người Nigeria thông qua tổ chức của bà - Africa No Filter nêu bật những thành tựu và cơ hội của châu Phi. Nada Bashir - phóng viên kênh truyền hình CNN tạo dựng được tên tuổi thông qua các bài báo về cuộc chiến ở dải Gaza và Ukraine.

AI đang thay đổi nhiều thứ

GMF 2024 cho biết AI đang trở thành một chủ đề ngày càng được quan tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, mở ra những khả năng mới to lớn cho truyền thông như khả năng nghiên cứu nhưng cũng mang lại những rủi ro rất lớn cho việc khai thác.

vub.jpg
AI và báo chí: Từ cộng tác đến cộng sinh. Ảnh: VUB

Ông Benjamin Pargan nói: "Sự phát triển này là không thể đảo ngược. Các tổ chức truyền thông nên giúp định hình mọi thứ thay vì chống lại chúng, đồng thời nên đánh giá và phân loại chính xác các cơ hội và rủi ro".

QUỐC HƯNG