Đại Lộc tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài gay gắt trên địa bàn, huyện Đại Lộc tăng cường kiểm soát, đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng cháy rừng.
Nguy cơ cháy rừng do nắng hạn
Từ đầu năm 2024 tới nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng ở các xã Đại Quang, Đại Hưng, Đại Sơn và thị trấn Ái Nghĩa.
Kiểm lâm địa bàn đã tích cực phối hợp với các địa phương, ngành chức năng, UBND các xã kiểm tra, đo đếm diện tích bị cháy cũng như đề xuất các biện pháp liên quan. Trong đó có 2 vụ cháy rừng trồng xảy ra với diện tích lớn tại xã Đại Quang (khoảng 8ha) và thị trấn Ái Nghĩa (1,8ha). Đây là diện tích rừng trồng có khả năng phục hồi.
Theo ông Đinh Văn Hóa - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam, từ tháng 3 - 9 dễ xảy ra cháy rừng. Để làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, đơn vị phân công lực lượng túc trực 24/24h tại văn phòng hạt và Trạm kiểm lâm Đại Hồng; tăng cường tuần tra các ngày dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện Đại Lộc đã xác minh 33 điểm cảnh báo cháy rừng trên hệ thống. Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam đã phân công 10 công chức kiểm lâm địa bàn có rừng tham mưu UBND các xã/thị trấn xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cụ thể, kiện toàn ban chỉ huy bảo vệ rừng và PCCCR cấp xã; thành lập các tổ/đội quản lý bảo vệ rừng và PCCCR ở các thôn...
Đại Lộc hiện có 58 tổ, đội cộng đồng tham gia PCCCR từ các chương trình, dự án như dịch vụ môi trường rừng, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của Chính phủ. Từ các nguồn lực trên, đã trang bị phương tiện cho các tổ, đội cộng đồng với ít nhất mỗi tổ/đội có 2 máy thổi gió phục vụ công tác chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy rừng, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR với 10 đợt, thu hút hàng trăm lượt người tham dự. Tổ chức ký cam kết quản lý bảo vệ rừng, PCCCR đối với 144 hộ gia đình, cá nhân làm nghề rừng, chủ có rừng.
Tuyên truyền lưu động, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác PCCCR. Thường xuyên truy cập vào hệ thống quản lý, giám sát tài nguyên rừng, phối hợp với UBND xã xác minh, điều tra các điểm cảnh báo cháy rừng, có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Nhiều vụ cháy rừng chưa phát hiện được đối tượng gây cháy do công tác phát hiện sớm gặp khó khăn; công tác điều tra nguyên nhân các vụ cháy, đối tượng gây ra các vụ cháy cũng gặp nhiều khó khăn và đây cũng là tồn tại của ngành kiểm lâm. Nếu không tìm ra đối tượng để khởi tố, sẽ không đảm bảo tính răn đe...
Thời gian tới, ngành kiểm lâm cần tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Khi có sự cố cháy rừng xảy ra, cần phải huy động lực lượng, phương tiện kịp thời tham gia chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế các vụ cháy rừng có thể xảy ra trong năm 2024”.
Tăng cường công tác phòng ngừa
Để có nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã triển khai đăng ký nhu cầu tham gia Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 84 ngày 5/8/2023 của Chính phủ và Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, trồng cây phân tán năm 2024. Huyện Đại Lộc chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2024 theo quy định.
Đại Lộc có tổng diện tích rừng tự nhiên được hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ khoảng 17.017ha. Trong đó, diện tích thực hiện theo Chương trình lâm nghiệp bền vững là 11.660ha, DVMTR 5.358ha. UBND huyện cũng phát động các chiến dịch trồng cây xanh tại 18 xã/thị trấn.
Hoàn thiện việc kiểm tra, đánh giá lại các diện tích rừng theo dự án KFW6 và đề xuất giải pháp quản lý. Phấn đấu diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn huyện năm 2024 đạt 1.000ha.
Ông Hồ Ngọc Mẫn chia sẻ, theo dự báo, nắng nóng liên tục tiếp diễn, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Do đó, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác PCCCR.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cử cán bộ kiểm lâm cơ sở tuyên truyền lưu động đến từng địa bàn dân cư...
“Các địa phương mời các chủ rừng lên làm việc, ký cam kết về công tác quản lý bảo vệ rừng. Cần quán triệt chặt chẽ các chủ rừng muốn khai thác, đốt thực bì phải đăng ký với địa phương, kiểm lâm địa bàn về thời điểm đốt để lực lượng chức năng thuận tiện trong công tác theo dõi, ứng phó nếu có sự cố xảy ra” - ông Mẫn nói.