Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Thị Thu Lan:Báo chí phải “xung kích” trên mặt trận tư tưởng của Đảng
(Đặc san 21/6) - “Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những “binh chủng” giữ vị trí then chốt nên phải luôn trong tư thế xung phong”. Đó là ý kiến của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Thị Thu Lan trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam xoay quanh chủ đề báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
• Từ thực tế hoạt động công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng chí nhìn nhận như thế nào về vai trò của báo chí đất Quảng trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?
- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ báo chí Quảng Nam.
Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam là hai cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, “Xây dựng Đảng”, “ Học tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”…
Hai đơn vị đã kịp thời xây dựng các tuyến tin, bài, phóng sự cung cấp thông tin chính thống nhằm định hướng dư luận xã hội trước các vấn đề phức tạp, vụ việc nổi cộm, không tạo “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng phát tán thông tin xấu độc, xuyên tạc…
Hội Nhà báo tỉnh, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh triển khai rộng rãi cho hội viên tham gia hưởng ứng tích cực các giải báo chí do trung ương phát động về xây dựng Đảng và viết bài tham gia “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Người làm báo Quảng Nam đã tích cực tham gia đấu tranh, phản bác bằng những bài viết mang tính định hướng, phân tích, chuyên sâu trước một số vụ việc phức tạp, hoặc vấn đề “nóng”.
Nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm và còn nhiều ý kiến khác nhau trong thời gian gần đây cũng được sự vào cuộc đầy trách nhiệm của báo chí như: thông tin nhanh và ổn định tình hình tư tưởng sau các vụ việc “chuyến bay giải cứu”; thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; nhận diện và giải pháp khắc phục bệnh né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tiến độ giải ngân chậm; chủ trương thay đổi phương án tuyển sinh lớp 10; sắp xếp, sáp nhập, thay đổi tên gọi, trụ sở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã… Qua đó, kịp thời ổn định tư tưởng, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân.
• Thưa đồng chí, đâu là những thách thức mà báo chí đất Quảng đang đối mặt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch?
- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan: Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, nhất là sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện, truyền thông hội tụ, phát triển thông tin đa nền tảng kết nối trên internet, mạng xã hội, những vấn đề về an toàn, an ninh thông tin mạng, thông tin có tính tương tác, cá nhân hóa thông tin,... đặt ra nhu cầu cần phải đa dạng hóa, chuyên nghiệp, hiện đại của báo chí, truyền thông.
Những nền tảng này có nội dung đa dạng, phong phú, tốc độ nhanh đã thu hút lượng người dùng và theo dõi rất lớn, trở thành nhu cầu ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Lợi dụng ưu thế của internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đã gia tăng hoạt động xuyên tạc, tán phát thông tin xấu độc, tin giả, nhất là lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, cắt ghép hình ảnh, suy diễn, xuyên tạc… thậm chí có thời điểm vụ việc lấn át cả thông tin báo chí chính thống.
Người dùng internet, tham gia mạng xã hội không phải ai cũng có thể phân biệt đúng - sai, xác định độ tin cậy của thông tin. Trong khi, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa báo chí, đảm bảo năng lực phục vụ công tác đấu tranh phản bác, nhất là trên không gian mạng chưa được đầu tư ngang tầm.
Đây có thể xem là một trong những thách thức lớn của báo chí Quảng Nam trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, phần lớn đội ngũ phóng viên, nhà báo chưa được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng viết về đề tài này.
Trong khi đây là đề tài khó, phức tạp và nhạy cảm, nguồn tin không nhiều, kén chọn người đọc, nên việc tạo ra những tác phẩm báo chí thật sự có chất lượng cao về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.
Tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là các sai phạm trong quản lý kinh tế, công tác cán bộ, các đại án tham nhũng, tiêu cực… đã tạo thành mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch, phản động triệt để khai thác, xuyên tạc, chống phá.
Ở một số tờ báo điện tử vẫn còn diễn ra tình trạng giật tít, câu view, cắt xén trích dẫn không đầy đủ ý kiến phát biểu của lãnh đạo, thiếu kiểm chứng nội dung…, tạo cớ cho các thế lực xấu xuyên tạc, kích động.
• Theo đồng chí, các cơ quan báo chí và người làm báo ở Quảng Nam cần phải làm gì để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?
- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan: Trước hết, các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí của tỉnh, các tạp chí, bản tin, trang thông tin điện tử… cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên, nhà báo về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Các cơ quan báo chí và người làm báo cần xác định rõ vai trò là lực lượng xung kích, là vũ khí sắc bén để dẫn dắt, định hướng thông tin trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, tiếp tục thực hiện phương châm “phủ xanh thông tin”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “ mỗi ngày một tin tốt”… thông qua việc nâng cao chất lượng, nội dung các chương trình, thời lượng, chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các tuyến tin, bài, phóng sự giới thiệu về những kết quả đạt được của tỉnh; biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến; phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống, văn hóa, con người Quảng Nam…
Đây cũng sẽ là nguồn thông tin chính để các cơ quan, ban ngành, địa phương khai thác, chia sẻ trên các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, lan tỏa thông tin tích cực trong cộng đồng.
Người làm báo cũng phải tự tạo cho mình “sức đề kháng”, không ngừng nỗ lực bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những diễn biến về tình hình chung, nhất là am hiểu tình hình địa phương, lĩnh vực phụ trách để có những thông tin chính xác, kịp thời, định hướng dư luận, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Bên cạnh đó, mỗi phóng viên, nhà báo phải tích cực, chủ động trong phát hiện, nghiên cứu, hình thành những tác phẩm báo chí tham gia đấu tranh trực diện vào việc ngăn chặn, phê phán các quan điểm mơ hồ, lệch lạc, xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng; lối sống thực dụng, quan liêu, xa dân; các biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống, chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên; các hành vi tham nhũng lãng phí, tiêu cực; nhận diện và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ đảng viên...
Cùng với những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, người làm báo cần kịp thời phản ánh, đề xuất các cơ quan chức năng và đưa những thông tin hữu ích cho công chúng.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, mỗi nhà báo cần trang bị cho mình những kiến thức, nền tảng văn hóa sâu rộng, kỹ năng xử lý và làm chủ công nghệ; tỉnh táo trước những thông tin, luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động để có phương thức đấu tranh, phản bác hiệu quả, thuyết phục.
• Trân trọng cảm ơn đồng chí!