Y tế

Ngành y tế Quảng Nam chung tay phòng ngừa bệnh truyền nhiễm

LÊ QUÂN 21/06/2024 10:02

Sốt xuất huyết đã bắt đầu ghi nhận tại nhiều địa phương. Trong khi đó, ghi nhận từ Bộ Y tế, ngoài sốt xuất huyết, các bệnh như tay chân miệng, lỵ, sởi, cúm, viêm não do vi rút… có xu hướng gia tăng số ca mắc, nguy cơ phát sinh dịch trong mùa hè.

19f2bd37c82911774838.jpg
Sốt xuất huyết nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ dễ bùng phát thành dịch. Ảnh: L.Q

Cảnh báo sốt xuất huyết

Trạm Y tế phường Tân Thạnh (TP. Tam Kỳ) vừa tổ chức giám sát tình hình bệnh sốt xuất huyết tại tổ 7, khối phố Đoan Trai. Theo ghi nhận ban đầu, khu vực này nhiều gia đình có người mắc sốt xuất huyết (SXH), có bệnh mắc thời gian 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, người bệnh tự ở nhà điều trị, không nhập viện nên không ghi nhận trên hệ thống thông báo bệnh truyền nhiễm.

Cũng tại đây, đoàn giám sát ghi nhận chỉ số muỗi vằn gây bệnh dịch SXH rất cao (6/6 - 100% ) có thể gây dịch trên diện rộng. Chỉ số bọ gậy chưa ghi nhận vì ở đây có vùng nước đọng tự nhiên, tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

Trạm Y tế phường Tân Thạnh đã yêu cầu người dân tại khu vực này thực hiện tổng dọn vệ sinh môi trường, trang bị bình xịt diệt muỗi cũng như ngủ mắc màn cả ngày lẫn đêm.

Dự kiến tháng 9 sẽ có vắc xin ngừa SXH

Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin ngừa SXH do Takeda sản xuất (vắc xin Qdenga) cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ ngày 15/5. Dự kiến vắc xin này sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9/2024.

Đây là vắc xin ngừa SXH đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin Qdenga được phát triển và sản xuất bởi Takeda Pharmaceutical Company Limited - một công ty dược phẩm đa quốc gia có trụ sở chính tại Nhật Bản. Đến nay, vắc xin do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), số mắc SXH từ đầu năm đến ngày 17/6, ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 572 trường hợp, phân bổ tại 18 địa phương. Số mắc này so với cùng kỳ năm 2023 giảm 35,7%. CDC Quảng Nam đã yêu cầu 5 địa phương: Tam Kỳ, Phú Ninh, Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình xử lý 11 ổ dịch tại 9 xã/phường/thị trấn.

Năm 2024, ghi nhận từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam lưu hành cả 4 týp vi-rút Dengue, năm 2024 týp D2 chiếm 70%. Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11).

Các chuyên gia nhận định rằng SXH không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Bệnh SXH cũng được dự báo sẽ ngày càng tăng vì đây là “bệnh đô thị”, khi đô thị càng phát triển thì SXH càng lan rộng.

Chuyên gia từ Viện Sốt rét - ký sinh trùng - công trùng Trung ương cho rằng, muỗi truyền bệnh SXH Dengue là muỗi Aedes (thường gọi là muỗi vằn), là loài “muỗi đô thị”, chủ yếu sống ở các khu dân cư đông đúc; nhất là những khu vực đông dân, vệ sinh môi trường chưa tốt như các khu vực có nhiều người dân ngoại tỉnh thuê trọ, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, không chú trọng việc thu gom phế thải…

Tăng cường công tác phòng ngừa

Cùng với mối lo về dịch SXH, các bệnh truyền nhiễm mùa hè cũng đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm hơn. Thống kê từ Bộ Y tế, các tháng đầu năm 2024, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi, ho gà tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, số mắc tay chân miệng vượt 10.000 ca, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ 2023. Bệnh sởi đã ghi nhận hơn 130 ca mắc, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo số mắc sẽ tăng cao từ tháng 7 đến tháng 11.

Tại Quảng Nam, kế hoạch về Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024 trên địa bàn tỉnh cũng đã được ban hành. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 3.068 trường hợp mắc SXH; bệnh tay chân miệng ghi nhận 1.183 trường hợp, tăng hơn 2 lần so với năm 2022 (573 trường hợp).

Năm 2023, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ đạt 81,2% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin sởi chỉ đạt 70,6 % kế hoạch năm.

Nhận định các bệnh truyền nhiễm sẽ có nguy cơ xuất hiện và gia tăng trong năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế và các địa phương rà soát công tác tiêm chủng mở rộng cũng như kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, cảng biển, việc xuất nhập cảnh qua biên giới.

LÊ QUÂN