Sức mạnh của kinh tế Nga
(QNO) - Bất chấp lệnh trừng phạt chưa từng có của các nước phương Tây, kinh tế Nga không những duy trì tăng trưởng ổn định mà còn vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 6/2024, Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP).
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nền kinh tế Nga đang lớn mạnh và trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tương tự, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 4 vừa qua cho biết nền kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng 3,2%, nhanh hơn tất cả nền kinh tế tiên tiến trong năm nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Nga chứng tỏ khả năng thích ứng đáng kể trước các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây gồm lệnh cấm vận đối với hàng hóa gồm than, dầu thô, tài chính và phong tỏa công nghệ của Nga.
GDP của Nga đạt mức tăng trưởng 3,6% vào năm 2023, cao hơn đáng kể so với dự báo. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trung bình hằng năm của Nga ở mức 3,2% tính đến cuối năm 2023 - mức thấp nhất kể từ năm 1992.
Là nhà sản xuất tài nguyên dầu khí lớn trên toàn cầu, Nga phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng để có doanh thu tài chính. Tình hình địa chính trị ngày càng xấu đi và các lệnh trừng phạt gia tăng mạnh buộc Nga phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhằm tăng cường đóng góp của các ngành phi năng lượng vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Từ năm 2015, Nga thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu. Ban đầu tập trung vào các tổ hợp công - nông nghiệp, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ thông tin và cơ khí.
Ngày nay, các nhà sản xuất nội địa của Nga thay thế một cách hiệu quả nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã rời khỏi thị trường Nga, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, máy móc hạng nặng và đóng tàu.
Thị trường Nga hiện do các thương hiệu trong nước chiếm lĩnh với số thương hiệu nội địa tăng từ 17-20% sau khi các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Nga.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin công bố kế hoạch tăng khối lượng xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng lên 2/3.
Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời ông Mikhail Mishustin: "Tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao địa phương được tạo ra dựa trên sự phát triển của chính chúng tôi sẽ tăng 1,5 lần trong 6 năm".
Cạnh đó, Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại với các tổ chức khu vực như BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Để giải quyết vấn đề đầy thách thức của thanh toán xuyên biên giới, Nga thu hút thêm nhiều quốc gia tham gia Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) - giải pháp thay thế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) và thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch với nhiều quốc gia.
Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ trọng hoạt động bằng đồng rúp trong doanh thu xuất khẩu trong tháng 3/2024 tăng lên 43,9% và trong tính toán nhập khẩu tăng lên 40,8%.
Tỷ trọng ngày càng tăng của đồng rúp trong thanh toán ngoại thương của Nga cho thấy niềm tin ngày càng tăng của các đối tác thương mại nước ngoài đối với đồng tiền của Nga.
Theo số liệu từ Liên hiệp quốc, dân số Nga hiện có khoảng 146 triệu người, xếp thứ 9 toàn cầu.