Giảm nghèo - An sinh

Góp sức xây những căn nhà yêu thương

KHẢI KHIÊM - DIỄM LỆ 21/06/2024 12:00

Vì mục tiêu đến năm 2025 không còn ai phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương trong tỉnh đang dốc toàn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công cải thiện nhà ở.

NHA TAM1
Các địa phương đang huy động mọi nguồn lực, sự hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, người có công được làm nhà. Ảnh: D.L

TỔNG LỰC XÓA NHÀ TẠM, CÁCH LÀM CỦA ĐẠI LỘC

Cả hệ thống chính trị huyện Đại Lộc đã vào cuộc vận động, huy động các nguồn lực và đã xóa được hàng nghìn nhà tạm cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, khó khăn.

Đại Thạnh không còn nhà tạm

Không phải đến bây giờ, mà từ hơn 10 năm trước câu chuyện xóa nhà tạm đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Thạnh đặt ra và quyết tâm thực hiện.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà được hỗ trợ xây dựng từ 12 năm trước nhưng đến nay vẫn còn vững chãi, vợ chồng ông Phan Lớn (SN 1929) và bà Trần Thị Liễu (SN 1936, trú thôn Mỹ Lễ) vẫn chưa quên câu chuyện an cư ngày trước.

Ông Lớn kể, trước đây gia đình ông sống trong căn nhà ọp ẹp lại nằm ven sông Thu Bồn nên luôn nơm nớp lo sợ, nhất là vào mùa mưa lũ. Dẫu biết nguy hiểm, song vợ chồng già yếu, đau ốm liên miên, người con trai không có việc làm ổn định lại phải lo cho chị gái bị tâm thần, gia đình không có điều kiện để làm nhà mới.

Ông Phan Lớn (ngoài cùng bên phải) kể về khoảng thời gian sinh sống trong ngôi nhà xiêu vẹo. Ảnh: K.K
Ông Phan Lớn kể lại câu chuyện an cư từ hơn 10 năm trước. Ảnh: K.K

Năm 2012, mơ ước của gia đình đã thành khi căn nhà “lột xác” thành tường xây kiên cố, mái lợp tôn với nguồn kinh phí 12 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, Hội LHPN xã Đại Thạnh vận động hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng ngày công góp sức của người thân, hàng xóm.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh, năm 2010 toàn xã còn 54 nhà tạm của hộ nghèo, hộ khó khăn (kể cả gia đình chính sách). Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, địa phương phân kỳ ra hàng năm kêu gọi, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ để xóa nhà tạm.

Riêng thời gian gần đây, lương y Nguyễn Lễ (xã Đại Tân, Đại Lộc) ủng hộ xây dựng 14 căn; ông Huỳnh Văn Viên (người con xã Đại Thạnh đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh) ủng hộ làm 6 căn.

Điều đáng quý là sau khi khảo sát thực tế, ông Huỳnh Văn Viên (thành viên nhóm TVN Group) tăng kinh phí hỗ trợ từ 60 triệu đồng lên 70 triệu đồng/căn cho 3 nhà xây dựng năm 2024, được khánh thành ngày 1/6 vừa qua.

Bà Nam chia sẻ, theo quy định mỗi căn nhà được hỗ trợ 60 triệu đồng, chừng đó là không đủ làm nhà nên một số hộ đã từ chối vì lực bất tòng tâm.

Trăn trở về điều này, trước hết là nghĩa đồng bào, sau là trách nhiệm của địa phương, chính quyền xã cùng Mặt trận, các hội, đoàn thể mời bà con họ hàng của các hộ cùng ngồi lại để trao đổi cách làm, vận động cùng chia sẻ khó khăn với người thân.

Xã còn cử người đứng ra cam kết với đại lý cung cấp nguyên vật liệu để xây dựng nhà, tiền sẽ trả sau. Để giảm bớt chi phí, các hội, đoàn thể phân công người đến tham gia ngày công đào móng, đổ đất làm nền. Với cách làm đó, đến nay xã Đại Thạnh đã hoàn thành xóa nhà tạm.

Huy động tổng lực

Chung tay xóa nhà tạm tại Đại Lộc có sự tham gia nhiệt tâm, nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tiêu biểu như ông Phan Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh, mỗi năm hỗ trợ xóa hàng chục căn nhà tạm. Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc phát động kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm giai đoạn 2023 - 2025, ông ủng hộ 30 vạn viên gạch (trị giá 300 triệu đồng).

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc cho biết, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 1.325 hộ người có công, gia đình chính sách. MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho 163 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tổng nguồn kinh phí thực hiện hơn 32 tỷ đồng.

Trong giai đoạn mới, qua rà soát bước đầu để thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh, Đại Lộc hiện còn 672 hộ có nhu cầu xây mới, sửa chữa (87 hộ nghèo, 79 hộ cận nghèo, 506 hộ người có công). Với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, lãnh đạo huyện kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân cùng góp sức để xóa xong nhà tạm vào năm 2025.

“Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã đề ra nhiều giải pháp để huy động. Trước hết, vận động sự hỗ trợ từ các hội đồng hương; các cơ sở tôn giáo. Phối hợp với UBND huyện kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. MTTQ cũng sẽ trực tiếp làm việc, vận động sự đồng hành từ doanh nghiệp, cá nhân, kể cả hỗ trợ vật liệu, vật tư. Huyện còn kêu gọi sự vào cuộc của MTTQ, các hội, đoàn thể cấp xã. Trong đó, hướng chỉ đạo MTTQ cấp xã họp các đội xây dựng tại địa phương để nhận xây mới hoặc sửa chữa nhà thay vì phải đi làm nơi xa - đây cũng là cách hỗ trợ hộ khó khăn tại địa phương cải thiện nhà ở...” - ông Vĩnh chia sẻ.

ÁP LỰC Ở PHƯỚC SƠN

Mục tiêu lớn nhất của chính sách này không gì khác là đến hết năm 2025, người dân được sống trong ngôi nhà vững chắc, không còn cảnh nhà dột nát, nhà tạm, mất an toàn trong bão lũ thiên tai.

xoanhatam2.jpg
Giúp người dân làm nhà ở một huyện miền núi. Ảnh: D.L

Năm 2024 - 2025, huyện nghèo Phước Sơn có đến 1.799 nhà tạm của hộ nghèo, cận nghèo, người có công cần hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới. Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, năm 2023 huyện đã hỗ trợ 221 trường hợp làm mới và sửa chữa nhà. Năm 2024, địa phương đã được phân bổ 3,4 tỷ đồng hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 400 trường hợp.

Ông Trung nói, khi chính sách hỗ trợ được triển khai, trường hợp cần cải thiện nhà ở rất nhiều, số hộ đăng ký thực hiện trong năm 2024 lên đến 638 trường hợp, nên nguồn vốn tỉnh đã phân bổ so với nhu cầu hiện tại là không đủ. Như vậy, áp lực sẽ dồn lên năm 2025.

Đó là chưa kể, để đủ nguồn lực hoàn thành xóa nhà tạm, Phước Sơn cần 73 tỷ đồng, trong khi đó kinh phí đã được phê duyệt chỉ có hơn 29 tỷ đồng, tức phải huy động thêm đến 44 tỷ đồng.

Huyện chủ trương trong năm 2024 hỗ trợ được càng nhiều càng tốt, để sang năm 2025 không quá áp lực. Vì thế Phước Sơn đã đề nghị tỉnh quan tâm, cấp bổ sung kinh phí năm 2024 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, cùng với nguồn lực vận động của huyện.

Để hỗ trợ nhân dân làm nhà trước, đồng thời giảm áp lực cho năm 2025, huyện Phước Sơn đang dùng ngân sách địa phương đã bố trí cho các mục tiêu khác nhưng chưa dùng tới, chuyển sang hỗ trợ người dân làm nhà.

Đến khi tỉnh phân bổ nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm sẽ chuyển trả ngân sách huyện. Chỉ có cách như vậy mới hoàn thành được toàn bộ số nhà cần hỗ trợ trong năm 2024, không để dồn quá nhiều sang 2025 sẽ khó thực hiện đạt mục tiêu.

Cùng với nguồn lực hỗ trợ nhân dân xóa nhà tạm từ Nghị quyết số 13, ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025, nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai tập trung ở các huyện nghèo của tỉnh, thì nguồn lực vận động sẽ là một “chỗ dựa” cho hộ nghèo, cận nghèo được xóa nhà tạm.

“Nhiều khó khăn về nguồn lực sẽ là thách thức lớn đối với công cuộc hỗ trợ nhân dân, nhưng sự quyết tâm về chính trị, sự chung tay của cộng đồng xã hội được kỳ vọng sẽ trợ sức cho người nghèo, cận nghèo, người có công của tỉnh được hỗ trợ tối đa” - ông Trung chia sẻ.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Hỗ trợ người dân có nhà mới càng sớm càng tốt

anh-ong-tuan.jpg

Quảng Nam đang tiến hành hỗ trợ xóa nhà tạm theo hai chương trình với tổng số 12.170 nhà. Trong đó hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở trên địa bàn các huyện nghèo theo Quyết định số 1245 là 7.658 nhà; hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ người có công, thân nhân liệt sĩ theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh là 4.512 nhà.

Việc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm còn gặp một số khó khăn như giá nguyên vật liệu tăng, nhà tạm chủ yếu ở miền núi, vùng khó khăn, người được hỗ trợ không có vốn đối ứng làm nhà, có trường hợp xét duyệt chưa đúng điều kiện, trùng với chương trình đã hưởng trước đó...

Số nhà cần được hỗ trợ lớn, nên để việc triển khai thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến hết năm 2025 đảm bảo kịp thời, đúng quy định và mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm, xem đây là quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.

Ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã được quán triệt đối với mỗi cán bộ, đảng viên đang làm nhiệm vụ này.

Đồng thời các địa phương cần thường xuyên củng cố, làm tốt công tác tư tưởng cho các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên, cùng với nguồn lực hỗ trợ của nhà nước thực hiện sửa chữa, xây mới nhà ở của chính mình một cách kiên cố, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các huyện trong tỉnh, đặc biệt là các huyện nghèo, miền núi cần tập trung kiểm tra, rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng về nhà ở của hộ gia đình đã được phê duyệt để kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thống kê chính xác danh sách đủ điều kiện để hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, không trùng lặp trường hợp đã được hỗ trợ từ các nguồn khác.

Việc hỗ trợ của tỉnh sẽ được sắp xếp theo thứ tự cụ thể trên tinh thần ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, người có công cách mạng, hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Khi tranh thủ được nguồn vốn, hay bố trí tạm thời được nguồn vốn hỗ trợ thì các địa phương chủ động thực hiện để người dân có nhà mới càng sớm càng tốt.

Cần phải tranh thủ tối đa những tháng có điều kiện thời tiết thuận lợi trong năm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, giải ngân các nguồn kinh phí đã được phân bổ.

DIỄM LỆ (ghi)

Ông Đặng Cẩm Hùng - Giám đốc Công ty May Hùng Lựu (TP.Hồ Chí Minh): Còn có thể, là còn đóng góp cho quê hương

z5500185800784_903384e4c4e10bbcb3f366c624cc84ee.jpg

“Trước đây, tôi thường hỗ trợ cho các gia đình nghèo hoặc người qua đời có hoàn cảnh khó khăn… để giúp họ có tiền trang trải qua lúc ngặt. Và đến nay tôi chọn xây dựng nhà tình thương để giúp các hộ nghèo ở Núi Thành có được căn nhà vững chãi, ấm cúng và an toàn.

Thông qua các kênh Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam huyện Núi Thành, mỗi năm tôi hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình thương trên địa bàn huyện, mức bình quân 70 triệu đồng/trường hợp.

Ở góc độ Hội đồng hương Núi Thành tại TP.Hồ Chí Minh, tôi cùng hội viên tích cực vận động quyên góp hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, đến nay đã được khoảng 20 trường hợp ở các xã Tam Hải, Tam Sơn…

Ngoài ra, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, tặng bò làm kế sinh nhai cho các hộ khó khăn. Chúng tôi tâm niệm còn sức là còn đóng góp công sức cho quê hương để chia sẻ với các hoàn cảnh chưa may mắn.

Chúng tôi cũng rất mong không chỉ đồng hương mà các nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp khi có điều kiện hãy chung tay góp sức để xây thật nhiều căn nhà tình thương cho những người còn ở nhà tạm trên địa bàn huyện Núi Thành nói riêng và Quảng Nam nói chung”.

HOÀNG ĐẠO (ghi)

KHẢI KHIÊM - DIỄM LỆ