Chính trị

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa báo chí xứ Quảng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 21/06/2024 15:34

(Đặc san 21/6) - Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người để khơi dậy khát vọng phát triển quê hương phồn thịnh, đất nước hùng cường là định hướng xuyên suốt của Quảng Nam. Ở góc độ báo chí, lịch sử khắc ghi nhiều tên tuổi xứ Quảng, góp phần đắp bồi văn hóa, khơi dòng mạch nhân văn.

Lê Trọng Khang (1)
Tác nghiệp tại một lễ hội. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Xứ Quảng cũng có thể xem là một trong những chiếc nôi báo chí Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ lịch sử, người Quảng đã sớm tiếp cận nghề báo, để thỏa chí bình sinh với tính cách thích tranh biện, “hay cãi”, hơn nữa là đeo đuổi việc phụng sự nhân sinh, truyền bá văn hóa và tranh đấu cho lý tưởng, cách mạng…

Những dấu ấn mở đường

Tư liệu lịch sử báo chí đã phổ biến nhiều trên internet và nhiều nguồn nên muốn tìm tên tuổi, sự nghiệp những nhà báo xứ Quảng nổi tiếng không khó.

Như có thể kể lại hàng trăm bài viết liên quan về cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Lương Khắc Ninh, Bùi Thế Mỹ, Lưu Quý Kỳ, Lê Đình Thám, Phan Bôi… thuộc lớp tiền bối làm báo từ thời trước Cách mạng Tháng Tám.

Điều đáng chú ý là ở trong thời kỳ nào, những người làm báo là con dân hay có gốc gác quê nhà xứ Quảng đều có đóng góp mang tính tiên phong, mở đường tư tưởng khai phóng dòng chảy ngôn luận thời đại.

Chẳng hạn có thể điểm lại Tiếng Dân do cụ Huỳnh sáng lập, là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Trung Kỳ, “thét lên tiếng Dân giữa kinh thành Huế”, như đánh giá của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, suốt 16 năm (1927-1943), qua 1.766 số báo.

bao-tieng-dan-2.jpg
Báo Tiếng Dân.

HUỲNH THÚC KHÁNG: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói.

...Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”.
(Báo Tiếng Dân, 1927)

“Sinh ra một nước phải lo phần
Dưới đất trên trời giữa có dân”.
(Tiếng Dân tự đề)

Tiếp đó là Phan Khôi, không những là cây bút cộng tác với hàng loạt tờ báo, tạp chí trong Nam ngoài Bắc như Nam Phong, Lục tỉnh tân văn, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Trung lập, Công luận, Phụ nữ tân văn, Thực nghiệp dân báo, Phổ thông , Đông Tây, Hữu Thanh… mà còn là người sáng lập tuần báo Sông Hương (chủ nhiệm kiêm chủ bút).

Cụ Phan cũng là người nổi tiếng hay cãi, lý sự, châm ngòi cho 9 cuộc tranh luận đáng chú ý, như tranh luận về “Truyện Kiều”; về nữ quyền và bênh vực phụ nữ; về Nho giáo; về công và tội của vua Gia Long; về quốc học và chữ quốc ngữ; về thơ mới và thơ cũ; về duy tâm và duy vật; về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ; về phương Tây và phương Đông…

Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ là hai trong “tứ đại làng báo Sài Gòn” vào đầu thế kỷ 20. Nhà báo Bùi Thế Mỹ từng làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo, nhưng đóng góp nổi trội của ông là ở Trung lập, tờ nhật báo có thời điểm xuất bản 1,5 vạn bản mỗi ngày ở Sài Gòn.

phan-khoi-tuan-bao-song-huong.jpg
Tuần báo Sông Hương.

PHAN KHÔI: “Đại khái tôi lấy sự tuyên truyền dân chủ, khoa học làm phương châm cho sự nghiệp viết báo của tôi”.

“Vì trong sự học vấn phải giữ thái độ quang minh chính đại, khi người ta bẻ bác mình, mình còn lẽ nói lại thì đem mà nói lại, mình hết lẽ thì phải tỏ ý chịu cái thuyết người ta đi, nói cho rõ ra hễ thua thì chịu thua, chớ không được làm cái thói trù trợ cho qua việc. Tôi cũng biết rằng sự cãi nhau về học vấn chẳng qua là bênh vực cho chân lý”.

Theo Phan Khôi, ba chuẩn mực về văn chương của nhà báo là Tín - Đạt - Mỹ. Tín là phải cho thật, cho có lý; Đạt cho thông, làm cho người đọc hiểu được bài báo, nhà báo; Mỹ nghĩa là văn phải cho đẹp để cảm người cho sâu, truyền đi cho xa.

Nói về báo chí kinh tế, nhiều nhà nghiên cứu đã tôn xưng cụ Lương Khắc Ninh là “tổ nghề” khai cơ. Lương Khắc Ninh từng là chủ bút của tờ Lục tỉnh tân văn, nhưng vai trò đáng kể của ông là ở Nông cổ mín đàm, một trong bốn tờ báo quốc ngữ đầu tiên có mặt tại Nam Kỳ, và chuyên bàn chuyện làm ăn kinh tế, giao thương…

“Đất mở về phương Nam”

Dường như cái mệnh mang theo tên gọi “đất mở” Quảng Nam, nên từ xưa đến nay, nhà báo người Quảng thường đi tới và thành danh ở đất phương Nam rất nhiều.

Không chỉ thời của các cụ Lương Khắc Ninh, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, mà đến nửa sau thế kỷ 20, miền đất ấy đã tụ hội nhiều nhà báo quê Quảng Nam ghi dấu ấn ở giai đoạn gạch nối giữa các thời kỳ chiến tranh – hòa bình, đổi mới – hiện đại hóa báo chí, là các tên tuổi như Vũ Hạnh, Võ Như Lanh, Vũ Đức Sao Biển, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Sơn Phước, Nguyễn Văn Bổn, Vu Gia, Lê Minh Quốc…

Có lẽ vì muốn đến các trung tâm sôi động để thỏa sức làm nghề nên số đông người Quảng làm báo thường chọn các thành phố lớn, đặc biệt đến những nơi phóng khoáng hội tụ nhiều tài danh, tuy thế trên mảnh đất quê hương vẫn không ít người nối nghiệp nghề báo.

Lớp đi ra từ chiến tranh đã góp phần xây nền cho báo chí xứ Quảng sau ngày thống nhất đất nước như các cây bút Nguyễn Đình An, Hồ Hải Học, Hồ Duy Lệ, Lê Hoàng Linh, Đinh Văn Mãnh,… cùng nhiều đàn anh đã tiếp bước.

Hiện diện ở nơi này có các cơ quan ngôn luận chủ lực của địa phương như Báo Quảng Nam, Đà Nẵng, QRT, DRT, và còn có các văn phòng thường trú của nhiều báo đài cả nước. Số lượng nhà báo đất Quảng tại quê nhà cũng đã lên đến khoảng 200 người.

Từ khi báo chí ra đời và phát triển ở nước ta, bất kỳ giai đoạn nào, những người xuất thân từ đất Quảng cũng là đội ngũ chủ lực trong nền báo chí của cả nước. Điều đó, đã hình thành một truyền thống, định hình một nguồn mạch lưu chuyển qua nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành niềm tự hào của con dân xứ Quảng. Bởi con người sinh ra ở đây, do nguồn mạch văn hóa địa linh, thấm đẫm từ thổ ngơi đất đai, sông núi ruộng đồng, tích hợp từ làng quê văn hiến, đã tạo nên phẩm chất phản biện, trung thực, thẳng thắn, thích lật lại vấn đề, luôn nhạy bén với cái mới, thích san sẻ những hiểu biết cho cộng đồng, nên phù hợp với tư duy và bản lĩnh văn hóa của người hoạt động truyền thông báo chí”.

“Từ chuyện người Quảng làm báo” - nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong

Theo bước chân thời gian sau 27 năm tái lập tỉnh, báo chí Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu, ghi dấu bước phát triển về nội dung và hình thức, hướng đến chuyên nghiệp - hiện đại – nhân văn.

Đã có nhiều tác phẩm được vinh danh qua các giải thưởng quốc gia và khu vực. Đặc biệt Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng đã có bề dày 18 năm tạo dựng, thu hút hàng nghìn tác phẩm tham dự, trao thưởng cho hàng trăm tác phẩm có giá trị nổi bật về đất và người Quảng Nam, với sự tham gia ngày càng đông đảo nhà báo đến từ mọi miền Tổ quốc.

Vẫn trao truyền một nguồn mạch của vùng văn hóa xứ Quảng đậm đà bản sắc…

Vẫn réo rắt sự thôi thúc của nghề làm báo trước bao nhiêu câu chuyện đời người…

NGUYỄN ĐIỆN NAM