Chính trị

Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII (2023 - 2024):Những góc cạnh nhân văn từ đời sống

VINH ĐỨC (ghi) 21/06/2024 16:37

(Đặc san 21/6) - Trải qua 18 lần tổ chức, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng ngày càng thu hút đông đảo phóng viên, nhà báo trên cả nước tham dự. Theo đánh giá của các thành viên ban giám khảo, có thể thấy, bức tranh từ những góc cạnh nhân văn của đời sống đã được đội ngũ nhà báo phản ánh khá chân thực.

z5525337339164_7085fd8315c59a68148ce271fcc644b5.jpg
Ban tổ chức Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng trao giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải năm 2022 - 2023. Ảnh: THÀNH CÔNG

Nhà báo Trương Vũ Quỳnh - Trưởng phòng Phim tài liệu VTV8:
Phát thanh tạo ấn tượng rõ rệt

Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam ngày càng khẳng định là giải báo chí lớn, thu hút đông đảo anh em báo chí địa phương cũng như khu vực.

Ban tổ chức đã rất năng động khi mở rộng các giải chuyên đề với nhiều lĩnh vực như cải cách hành chính, khởi nghiệp, bảo vệ rừng, sâm Ngọc Linh…, tạo sân chơi rộng cho báo chí.

Năm nay, các đề tài truyền thống như chiến tranh cách mạng, những câu chuyện liên quan đến phát triển kinh tế vùng - địa phương, các câu chuyên văn hóa…, có số lượng tác phẩm nhiều.

Các câu chuyện, đề tài đó không dừng ở mức độ chung chung mà chuyển tải sâu hơn. Nhiều tác giả đã nỗ lực tìm kiếm các câu chuyện, nhân vật cụ thể để diễn đạt các nội dung có sức khái quát. Đó là bước tiến bộ rất mạnh mẽ về mặt nội dung.

Ngoài ra, một số tác phẩm thuộc các đơn vị báo chí địa phương có bước tiến rõ ràng, vượt lên so với họ trong nhiều năm, với những cách tiếp cận, cách làm mới.

Một số đài địa phương đã biết cách nỗ lực tìm kiếm các câu chuyện rất riêng tư, cố gắng diễn đạt, kể câu chuyện đó theo cách rất riêng của họ. Dĩ nhiên là phải tiếp tục nỗ lực, hoàn thiện hơn, nhưng rõ ràng đã đánh dấu bước vượt lên trong nghề.

Nếu nói ấn tượng thật sự rõ rệt của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm nay, thì đó là phát thanh. Có rất nhiều tác phẩm phát thanh vượt lên với cách làm rất thú vị. Nhiều tác phẩm đã tìm kiếm các câu chuyện và lựa chọn những cách diễn đạt dung dị nhưng sâu sắc, đằm thắm. Nhất là chú ý kỹ tới âm, làm nhạc cho chương trình.

Nhìn chung, năm nay, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng đáp ứng một cách rất tốt cả về yêu cầu của ban tổ chức, kể cả sự kỳ vọng, mong đợi của anh em báo chí Quảng Nam và khu vực.

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam:
Đặc tả chân dung các nhân vật là đóng góp nổi bật của ký báo chí

Hầu hết tác phẩm tham gia Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVIII đều đạt yêu cầu về tiêu chí quy định trong thể lệ. Đề tài phản ánh tập trung vào những vấn đề liên quan đến đất và người Quảng Nam trong hành trình xây dựng, phát triển kinh tế - đời sống, văn hóa, truyền thống cách mạng, xã hội… Năm nay có nhiều tác phẩm nổi trội về gương người tốt việc tốt, lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng.

Đáng chú ý, năm 2023 - 2024, báo chí chú ý tuyên truyền về Quy hoạch tỉnh, các chương trình dự án động lực theo quy hoạch phát triển vùng, các nghị quyết chuyên đề của tỉnh về phát triển vùng Đông và vùng Tây, chương trình giảm nghèo, giải quyết lao động, việc làm, xóa nhà tạm, nhà dột nát, chăm lo an sinh xã hội…

Đặc tả chân dung các nhân vật của đất và người xứ Quảng là đóng góp nổi bật của ký báo chí trong mùa giải này. Ở đây người đọc có thể bắt gặp những hồi ức về chiến tranh và thân phận con người diễn ra ở vùng đất từng ác liệt, để lại nhiều tổn thương, di chứng đời người.

Tác phẩm “Sau cơn ác mộng” (Đoàn Lê) vừa phản ánh sâu sắc với cái nhìn đồng cảm về điều đó, đồng thời kết nối rất tốt với vấn đề ngoại giao nhân dân giữa hai nước Việt – Mỹ, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây đắp tình cảm nhân văn. Cũng theo dòng chảy hồi ức sau thời chiến là tác phẩm “Chiến thắng Thượng Đức và cuộc gặp gỡ định mệnh” (Ngô Văn Hùng), khơi dậy kỷ niệm đáng nhớ đầy tình người.

dsc_0190.jpg
Phóng viên tác nghiệp trong một buổi phỏng vấn. Ảnh: VINH ANH

Đề tài về đời sống đồng bào vùng cao tiếp tục được nhiều tác phẩm ký quan tâm, tạo nên tiếng lòng đồng điệu. Đó là chuyện bảo tồn văn hóa đặc trưng, như một cuộc đối thoại với trời, với người và với đời, trong tác phẩm “Nói chuyện với trời” (Yên Chi - Đăng Ngọc). Theo dòng bảo tồn văn hóa, sẽ lại gặp nhân vật ấn tượng với đặc sản xứ Quảng là “Di sản... của người bán mỳ” (Xuân Hiền).

Chân dung về gương người tốt việc tốt khá nổi bật với tác phẩm “Người nghe... a-lic” (Hà Anh Minh), lột tả một con người độc đáo, chỉ làm nghề sửa chân vịt cho tàu thuyền, nhưng luôn giữ hạn độ của sự mưu sinh, lấy cái tình người mà đãi người, đồng thời cũng mang đầy thao thức về nghề và cuộc đời khổ ải gian truân khi đối mặt với những cam go.

Tác phẩm đáng chú ý tiếp theo là “Vải vụn “vá lành” những vành trăng khuyết” (Giang Thanh), tiếp cận một mô hình giúp nhau vượt lên nghịch cảnh của những cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi.

Trong mảng người tốt việc tốt cũng có những tác phẩm khá, gắn với ý nghĩa chính trị khi đề cập về những thầy cô giáo “Lặng lẽ gieo chữ trong mây” (Thành Công - Alăng Ngước), hay “Làng Ca Dong noi gương Bác Hồ” (Phú Thiện). Ở mạch chuyện này, gắn với đối ngoại vùng biên, để giữ yên bờ cõi là tác phẩm “Như chung một mái nhà” (Nguyễn Thành).

Biến đổi khí hậu và thiên tai vẫn chưa thôi gây thiệt hại cho đời sống người dân, nên đến độ sát “Thềm hiên có sóng” (Quốc Tuấn). Bên cạnh đó có những cảnh báo về sự thay đổi của ứng xử con người với tự nhiên cũng làm mất đi nhiều bản sắc vùng quê, nên nhà báo đã xoáy vào các góc cạnh đời sống ở vùng cao xa xôi, mang nỗi thao thức về thân phận, tình đời, tình người, như “Vì những con sông đã cạn nguồn rồi” (Phan Hoàng), hay “Bên kia sông là A Rooih...” (Trung Việt), “Triêm Tây giữa ngã ba đường” (Quốc Tuấn)...

Nhà báo Nguyễn Đức Nam - Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng:
Nhiều tác phẩm có “độ dày” nội dung và cách thể hiện độc đáo

Qua nhiều năm tổ chức, với quy mô một giải báo chí của tỉnh, tôi cho rằng Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng có độ lan tỏa rất lớn. Trong mạch như vậy, mùa giải năm nay đã quy tụ 385 tác phẩm/292 tác giả, nhóm tác giả của các cơ quan báo chí trung ương, địa phương. Số lượng đó đã nói lên độ lan tỏa và thu hút lớn của giải.

Qua đánh giá chung về loại hình báo in và báo điện tử, tôi thấy rằng các tác phẩm có sự đầu tư công phu, bám rất sát mọi hoạt động của tỉnh Quảng Nam trên nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm có độ dày nội dung và cách thể hiện độc đáo. Nhiều tác phẩm báo điện tử đã tiếp cận công cuộc chuyển đổi số báo chí. Chính vì sự đầu tư đó đã cho ra đời nhiều tác phẩm tốt.

Tôi nghĩ rằng với độ lan tỏa như vậy, có thể nói những tác phẩm tham gia Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng là điểm sáng trong các giải báo chí của các tỉnh thành, hướng đến giải báo chí toàn quốc.

VINH ĐỨC (ghi)