Chuyện những nông dân làm báo
(QNO) - Không học được ngày nào về nghề báo nhưng đam mê làm báo, gắn bó mấy chục năm trời với việc viết báo. Những tin tức, bài viết của các anh chị cộng tác viên phản ảnh được mọi mặt của đời sống xã hội, nói lên tiếng nói của người dân, rất dễ đi vào lòng người bởi lối viết dung dị, mộc mạc và ngòi bút của họ hết sức trung thực.
Tôi vào làm việc tại Đài Truyền thanh huyện Điện Bàn năm 1995 sau khi trải qua mấy vòng thi tuyển phát thanh viên với hơn 100 thí sinh để chọn 1.
Còn nhớ bài viết đầu tiên tôi đọc để thử chất giọng là bài của anh Đặng Hữu Lý, một cộng tác viên ở xã Điện Nam (phường Điện Nam Trung bây giờ). Bài viết thật sâu sắc và cảm động, chính nhờ bài viết của anh, tôi đã đọc diễn cảm, tròn vành rõ chữ và đã được bác Nguyễn Minh Luận - giọng đọc "vàng" lúc bấy giờ của Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Đà Nẵng) chấm chọn.
Tôi dần yêu nghề và gắn bó với nghề từ những câu chữ của các cộng tác viên ở các xã như Nguyễn Văn Sỹ, Hồ Minh Lý, Phan Phước Thọ, Phan Phước Dũng, Thái Văn Dũng, Hòa Văn, Huỳnh Bá Biện, Bùi Quang Anh, Lê Viết Trung, Nguyễn Văn Thiện, Đỗ Mạnh Tường, Lê Thái. Họ là những nông dân chính hiệu và có chung niềm đam mê làm báo. Có những hôm đang gặt lúa ngoài đồng, các anh tìm một gốc cây ven đường hí hoáy chép vội những dòng tin ra giấy rồi tức tốc đạp xe đạp đến Đài huyện để gửi cho kịp phát. Chính đam mê viết lách đã gắn kết các anh chị với Đài huyện mấy chục năm dài.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bác Dương Ngọc Đào, dù đã hơn 80 tuổi, mỗi tuần bác vẫn đều đặn đi xe đạp đến Đài để gửi tin. Bác viết về những mẫu chuyện người tốt việc tốt giữa đời thường, cả những điều chưa tốt đẹp. Gặp anh chị em phóng viên, bác say sưa nói về lịch sử hình thành làng đúc đồng Phước Kiều, làng nghề nơi bác sống, nói về tính cách và sự tài hoa của những con người nơi đây.
Cộng tác viên Dương Tấn Hùng, bỏ qua mấy đời xe đạp cọc cạch, anh cũng sắm một con 79 tuy cũ kỹ mà chạy cũng ra trò. Giữa cái nắng gắt của mùa hè, vừa chở mấy bao lúa ngoài đồng về nhà là anh chạy xe luôn đến Đài gửi chiếc bì thư viết nắn nót “Dương Tấn Hùng kính gửi ban biên tập”.
Thật ra, nhuận bút cái tin đó chẳng đủ xăng cho hai vòng xe đi về nhưng vì muốn tin kịp phát sớm, anh vẫn băng đi giữa trưa. Và kỷ niệm tôi nhớ mãi là khi nghe tin có người trong xã thiệt mạng trong cơn lũ dữ, anh Hùng đã dầm mình băng qua dòng nước xiết để đến nhà nạn nhân thăm hỏi và tìm hiểu thông tin. Nước vẫn còn dâng cao không đến Đài huyện được, anh lội đến nhà khác mượn điện thoại gọi cho ban biên tập và đọc luôn qua điện thoại. Nhờ vậy, tin của anh được phát sớm nhất.
Một người bạn thân thiết của nhà nông là kỹ sư nông nghiệp Lê Khôi. Tuần nào ông cũng có những bài viết hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh, cách chăm sóc lúa và hoa màu. Vẫn chiếc xe đạp cũ, vẫn lịch sự trong cách ăn mặc sơ mi đóng thùng, ông rong ruổi trên các cánh đồng vạch từng gốc lúa để nghiên cứu bệnh hại rồi về chong đèn viết bài gửi cộng tác. Người bạn của nhà nông ấy đã rời xa cõi tạm nhưng người nông dân Điện Bàn vẫn luôn nhắc mãi về bác.
Có một người mê làm báo nữa, đó là bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên. Anh cộng tác với Đài huyện từ năm 1995. Hình ảnh quen thuộc là anh chở con trai trên chiếc xe đạp vào Đài gửi tin bài, khi nào quá bận anh mới gửi bưu điện. Những bài viết của anh liên quan đến chuyên môn, giúp người dân phòng bệnh và xử lý những tình huống nguy cấp. Anh còn viết tản văn, bút ký, ghi chép những điều bình dị trong cuộc sống mà anh được chứng kiến gửi cho các báo Quảng Nam, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người lao động...
Cộng tác viên của Đài huyện khá nhiều, mỗi người một tính cách, một lối viết khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở một điểm, hễ không viết thì thôi chứ đã viết là rất chính xác, trung thực. Có viết về cái xấu, cái ác đi nữa thì ngòi bút của họ cũng mang tính nhân văn sâu sắc, chỉ mong cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn mà thôi.
Điều mà tôi luôn quý mến và trân trọng đội ngũ cộng tác viên là anh chị em hỗ trợ phóng viên hết mình khi phóng viên về cơ sở như liên hệ với nhân vật, tìm giúp số liệu. Chính niềm đam mê viết lách, sự trung thực, nghiêm túc của những nông dân làm báo đã giúp tôi giữ cái tâm trong sáng khi làm nghề và tôi luôn biết ơn họ về tất cả.