Khơi dậy tinh thần "7 dám" vì khát vọng Quảng Nam
(Đặc san 21/6) - Nhận diện, đẩy lùi tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng gắn với việc phát huy tinh thần “7 dám” (dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, dám hành động vì lợi ích chung) trong cán bộ, đảng viên đang là yêu cầu đặt ra với cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng. Báo Quảng Nam ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự nêu gương, là người truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng cống hiến; có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết
Đồng chí Nguyễn Chín - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy: “Dám nói” để lãnh đạo biết khâu nào đang khó
“Để xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng, nguồn quan trọng nhất là cán bộ trẻ. Với sức lực, tinh thần, tâm huyết, hoài bão và được sự dẫn dắt bởi lý tưởng của Đảng, người trẻ hoàn toàn có khả năng phấn đấu để trở thành cán bộ chủ chốt.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, Đảng bộ tỉnh đặt vấn đề quan tâm đào tạo cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi, có tinh thần thái độ phục vụ nhân dân đặt lên hàng đầu.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt hưởng ứng Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và các quy định của Nhà nước về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tỉnh luôn khích lệ, động viên cán bộ, công chức, nhất là các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đổi mới, vì lợi ích chung.
Và nếu cho rằng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm là “căn bệnh”, thì phải tính làm sao đừng lan thành dịch. Muốn vậy, mình phải phòng bệnh, cộng đồng phải phòng bệnh, xã hội phải phòng bệnh và chữa bệnh. Tôi nghĩ những khó khăn đặt ra hiện nay sẽ giải quyết được. Người Quảng Nam càng khó khăn lại càng đoàn kết, thống nhất vượt khó, trong đó vai trò của tuổi trẻ rất quan trọng.
Theo tôi, người trẻ hiện nay chỉ cần “dám nghĩ, dám nói, dám làm” cũng đủ để biểu dương. Trước hết là “dám nói” để lãnh đạo biết khâu nào đang khó, cái gì đang trục trặc để kịp thời giải quyết. Tôi tin, nếu các bạn trẻ tâm huyết, sát cơ sở, vì dân…, chắc chắn sẽ tìm ra được những điểm nghẽn để vận hành tốt hơn. Và tất nhiên, các bạn sẽ được bảo vệ, tôi tin tưởng như vậy”.
VINH ANH (ghi)
Ông Nguyễn Như Công - Chánh Văn phòng UBND tỉnh: Mấu chốt là nhận ra được cái sai để tìm cách khắc phục
“Hai năm gần đây, Quảng Nam có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về làm việc. Qua đó các đoàn đã chỉ ra những việc chúng ta làm chưa đúng. Và qua phân tích các nguyên nhân, nghiêm túc khắc phục, tin rằng Quảng Nam sẽ vượt qua được khó khăn, vươn lên mạnh mẽ hơn.
Thời gian qua, thường nghe nhắc nhiều đến cụm từ “đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm”; tuy nhiên khi tìm để chỉ ra người có biểu hiện né tránh, đùn đẩy thì không có ai cả. Vậy nó nằm ở đâu?
Trong khi đó, kết quả khen thưởng, bình bầu cuối năm chắc hẳn không có ai rơi vào con số theo điều tra dư luận xã hội là ở cấp tỉnh có 66% cán bộ, đùn đẩy, né tránh công việc. Các sở, ngành, địa phương cần “giải phẫu”, tìm ra vấn đề để khắc phục và sửa chữa.
Thời gian tới, theo tôi cần phát huy nhân tố con người, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong đó, phát huy và nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Văn phòng UBND tỉnh đã chủ động xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”, không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ, không né tránh, đùn đẩy công việc cho cơ quan khác hoặc đẩy lên cấp trên.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp trên xem xét, giải quyết, tuyệt đối không để vướng mắc kéo dài”.
M.LINH (ghi)
Ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh: Cần phân định cho được “sai sót không có động cơ vụ lợi”
“Qua nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hiện cùng lúc, đều phát hiện, chỉ ra sai sót. Song, việc đánh giá, phân định cho được “sai sót không có động cơ vụ lợi” với “sai sót có động cơ vụ lợi” cũng là điều rất khó. Cho nên việc xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự, đã tạo ra sự lo ngại, ai cũng muốn tìm an toàn trong giải quyết công việc.
Ở đây không phải do cán bộ không có bản lĩnh. Nhiều người rất bản lĩnh trong công việc, nhưng rõ ràng thể chế của chúng ta chưa hoàn thiện, rồi cách ban hành văn bản cũng có chỗ không rõ ràng.
Vì thế, cấp dưới thỉnh thị ý kiến, cơ quan cấp trên trả lời nửa vời, nói “căn cứ vào quy định của pháp luật”. Nhưng có những vấn đề mà pháp luật không quy định, quy định không rõ. Từ đó e ngại, đùn đẩy trong giải quyết công việc. Có những người rất có bản lĩnh cũng không dám làm quyết liệt, làm mạnh, có thực tiễn như vậy.
Thấy rõ thực trạng này, Trung ương đã ban hành Kết luận số 14, Nghị định số 73 về khuyến khích, bảo vệ những cán bộ có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời cũng bảo vệ những cán bộ làm sai nhưng không có động cơ cá nhân, vụ lợi.
Nhưng theo tôi cần phải quy định bằng luật, bởi nếu không có quy định căn cơ, quy củ từ Trung ương trở xuống, không có chính sách khuyến khích cũng như bảo vệ cán bộ thì tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm sẽ kéo dài.
Lâu nay, chúng ta nói tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, tuy nhiên, nó cũng chỉ có tác dụng chừng mực. Đối với những cán bộ đã có ý thức tận tâm, tận hiến với công việc được giao thì chắc hẳn sẽ không cần tuyên truyền, vận động. Họ có tự trọng của một công chức ăn lương nhà nước, phải làm việc cho có hiệu quả, mà đã làm thì có thể sẽ có sai sót.
Như vậy, phân định cho rõ cái sai như thế nào, có động cơ cá nhân, có vụ lợi hay không để rồi bảo vệ, động viên cán bộ. Khối lượng công việc rất nhiều so với trước đây, áp lực lớn, dễ sai sót, nên văn bản quy định, hướng dẫn phải rõ ràng, để hiểu đúng, làm đúng.
Khi cấp trên xác định cán bộ mình làm sai, mình biết rõ là “sai sót không có động cơ vụ lợi” mà không thể đem cái mình có ra để bảo vệ, như vậy sẽ không thuyết phục. Ý tôi nói cần luật định là vậy”.
N.ĐOAN (ghi)
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
“Quảng Nam đang nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước. Bên cạnh tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, năng lực đơn vị tư vấn không đảm bảo, quá trình tổ chức đấu thầu các dự án kéo dài... thì nguyên nhân chính vẫn là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của chủ đầu tư và của địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Để tháo gỡ rào cản, khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc với quyết tâm và trách nhiệm cao hơn nữa. Trong đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; gắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các ngành, đơn vị và địa phương.
Cần rà soát về nhân sự, đảm bảo bố trí công việc đúng chuyên môn nghiệp vụ để giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư theo quy định pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Xem xét có giải pháp điều động nhân lực thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các địa phương có khối lượng công việc không nhiều về các địa phương có các công trình dự án trọng điểm.
Một trong những giải pháp trọng tâm khác là công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và các sở ngành, địa phương liên quan trong thực hiện thủ tục đầu tư, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư không thể đẩy hoàn toàn trách nhiệm giải phóng mặt bằng về phía địa phương mà nên tăng cường phối hợp hỗ trợ, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện.
Ý thức vai trò, trách nhiệm là đơn vị tham mưu chủ lực của tỉnh về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, Ban Thường vụ Đảng ủy Sở KH-ĐT đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đơn vị phối hợp cùng các sở, ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cải thiện thủ tục về đất đai để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Sở KH-ĐT luôn động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Các biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không chịu tham mưu sẽ được nhận diện và khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao”.
HỒ QUÂN (ghi)
Ông Lê Tú - nguyên cán bộ kiểm tra Đảng ủy Khu ủy 5: Công tác cán bộ mang tính quyết định ngay từ đầu
“Trước đây, khi phát hiện sai phạm, cán bộ, đảng viên thẳng thắn góp ý, phê bình, nhờ đó các vụ việc được phát hiện sớm và xử lý triệt để. Hiện nay, có biểu hiện của sự cả nể, né tránh, ngại va chạm, sợ liên lụy, sợ trách nhiệm, sợ bị ganh ghét, đố kỵ... đã làm nhiều cán bộ, đảng viên không dám ý kiến, đề xuất, không dám nói ra, phê bình những khuyết điểm, hạn chế của đồng chí, đồng nghiệp, lâu ngày dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.
Một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện “an phận”, không dám nói, không dám làm, không dám đề xuất, không lên tiếng trước nhiều chuyện gây mất đoàn kết nội bộ… Những biểu hiện này rất nguy hiểm. Do đó, cần phải nhận diện cái sai và đấu tranh với cái sai thì mới xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng và xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Giải quyết câu chuyện này, công tác cán bộ cực kỳ quan trọng. Cần chọn lựa cán bộ chính xác, có tính lâu dài. Do vậy, phải có thử thách, theo dõi kỹ lưỡng, bồi dưỡng đạo đức, năng lực cho cán bộ trước khi giao nhiệm vụ lớn. Việc “ép” cán bộ vào những vị trí không đáp ứng được năng lực sẽ dẫn đến nguy cơ mắc phải sai phạm.
Khi đã giao nhiệm vụ thì lãnh đạo phải theo dõi, kiểm tra thường xuyên qua thực tiễn công việc. Qua nhiều thử thách, nếu đáp ứng được đạo đức, năng lực thì mới tiếp tục giao những nhiệm vụ mới. Còn không đủ năng lực, không trong sạch, không đoàn kết thì nên chuyển vị trí khác phù hợp hơn.
Cho nên người đứng đầu cần phải chính trực, quyết đoán, dũng cảm, nêu gương để cán bộ, đảng viên noi theo, không có những biểu hiện lệch lạc. Đồng thời cũng cần có sự gần gũi, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của cán bộ cấp dưới để hiểu và phát huy năng lực của họ và sớm phát hiện, điều chỉnh nhằm hạn chế khuyết điểm, sai phạm.
Với cán bộ, đảng viên, nhất là người trẻ, mỗi ngày đi qua phải tự nhìn nhận, kiểm điểm về những việc đã làm để rút ra những hạn chế, thiếu sót và sửa chữa ngay, không để lặp lại. Chính mình tự kiểm điểm, tự phê bình bản thân nghiêm khắc thì mới trưởng thành nhanh được”.
MỸ LINH (ghi)