Thủy sản

Gỡ khó cho nghề cá ven bờ

VIỆT NGUYỄN 22/06/2024 08:09

(Đặc san 21/6) - Giảm số lượng phương tiện hoạt động và bảo vệ, phát triển nguồn lợi là 2 giải pháp gỡ khó cho nghề cá nhỏ lẻ ven bờ.

dsc_0665.jpg
Ngành chức năng thả cá ở ven biển Cửa Đại (Hội An) để tái tạo, phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ. Ảnh: Q.VIỆT

Chuyển đổi nghề

Toàn tỉnh hiện có 2.741 tàu thuyền (vùng khơi 672 chiếc, vùng lộng 731 chiếc, vùng bờ 1.338 chiếc). Phần lớn tàu thuyền đánh bắt hải sản ven bờ bằng kiểu khai thác tận diệt nguồn lợi như giã cào, pha xúc.

Ý thức rõ tình trạng suy giảm nguồn lợi ven bờ, ông Hồ Nguyễn Phương (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) bán đi 1 chiếc trong đội tàu giã cào đôi để có vốn liếng cải hoán tàu cá và trang bị ngư cụ mới đánh bắt hải sản bằng nghề lưới chụp ở ngư trường xa bờ.

“Trước đây khai thác hải sản lén lút rất mệt mỏi, nay chuyển nghề sản xuất đạt hiệu quả hơn thấy nhẹ nhõm, phấn khởi” - ông Phương nói.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo quy định của Luật Thủy sản, không cho tàu giã cào hoạt động ở tuyến ven bờ và tuyến lộng nên tỉnh giảm 100% tàu giã cào hoạt động ở 2 tuyến trên bằng cách tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện, xử phạt mạnh tay các trường hợp sai phạm.

Riêng ở vùng khơi, Bộ NN&PTNT vẫn cấp hạn ngạch cho tàu giã cào hoạt động, do đó tỉnh sẽ không cho đóng mới, cải hoán và chuyển nhượng tàu giã cào bằng cách không cấp giấy phép khai thác hải sản; các tàu giã cào đang hoạt động hết niên hạn sẽ giải bản tàu.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sở đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân đang đánh bắt hải sản ở tuyến ven bờ.

Theo dự thảo đề án, các nghề giã cào, pha xúc sẽ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng để chuyển sang nghề câu không bức hại môi trường, sinh thái, nguồn lợi. Cũng với mức 50 triệu đồng, ngư dân được đề xuất hỗ trợ để cải hoán phương tiện chuyển sang nghề câu cá giải trí phục vụ du lịch.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, trữ lượng hải sản ở các vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh đã suy giảm đến mức báo động. Quảng Nam chuyển nghề cho ngư dân bằng cách giao mặt nước biển để đầu tư nuôi trồng hải sản.

Về lâu dài, tính đến giải pháp cho thuê mặt biển để các doanh nghiệp liên kết với ngư dân đầu tư nuôi biển quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ, kỳ vọng đem lại giá trị kinh tế cao, nhất là thu hoạch sản phẩm nuôi biển để chế biến phục vụ thị trường nội địa cao cấp và xuất khẩu.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi

Theo Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, ngành thủy sản đặt mục tiêu sẽ phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi hải sản khoảng 5% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, trên cơ sở đó, Quảng Nam sẽ phân bố lại các không gian bảo tồn, bảo vệ, vùng cấm khai thác hải sản để phục hồi hệ sinh thái; quy hoạch không gian biển cho khai thác hải sản bền vững phù hợp với cơ cấu nghề, năng lực nghề cá ven bờ theo hướng trách nhiệm, bền vững.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cần gấp rút bổ sung các giống, loài hải sản chất lượng vào các vùng ven biển để tái tạo và phát triển nguồn lợi, đa dạng sinh học biển.

Thực tế hằng năm, ngành thủy sản dựa vào ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để thả hàng triệu con giống tôm sú, các loại cá, cua ở vùng biển Cửa Đại (Hội An), Cửa Lở (Núi Thành).

Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, việc tạo “ngôi nhà chung” để bảo vệ, tái tạo, phát triển đa dạng nguồn lợi là rất cần thiết.

Các rạn nhân tạo đã được ngành chức năng thả xuống khu vực xung quanh Rạn Mành, Bãi Xếp đã tạo tính kết nối sinh thái quan trọng giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô, thảm rong biển với khu vực sinh cảnh nhân tạo, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi, tái tạo nguồn lợi ở Cù Lao Chàm.

Một giải pháp quan trọng để bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ là huy động cộng đồng cư dân ven biển bảo tồn biển. Các mô hình đồng quản lý nguồn lợi hải sản đã phát huy hiệu quả ở Cù Lao Chàm thời gian qua và mới nhất là khu vực rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến, Núi Thành).

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, đang tiếp tục huy động cộng đồng cư dân bảo vệ khu vực rạn Bà Đậu. Đây là khu vực có diện tích 64ha, cảnh quan dưới nước rất đẹp với nhiều loài san hô cứng, san hô mềm, đa dạng về sinh thái…

Khu vực này được cộng đồng bảo vệ để khai thác hải sản bền vững và từng bước xây dựng thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động tắm biển, lặn ngắm san hô với các dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng…

VIỆT NGUYỄN