Lâm nghiệp

Đồng hành phát triển dược liệu bền vững

LÊ DIỄM 22/06/2024 13:11

(Đặc san 21/6) - Phát triển dược liệu bền vững gắn với sinh kế của người dân là hướng đi được các địa phương Nam Trà My, Bắc Trà My thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.

sam-ntm-1-.jpg
Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng già ở Nam Trà My. Ảnh: D.L

Sinh kế từ sâm Ngọc Linh

Đến nay xã Trà Linh (Nam Trà My) có 728 hộ dân tham gia trồng sâm. Cộng đồng tương trợ lẫn nhau trong trồng, bảo vệ, chăm sóc loại cây này.

Theo ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, mỗi năm toàn xã trồng mới khoảng 323 nghìn cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Ông Dang nói: “Sâm Ngọc Linh trở thành sinh kế của người dân, nhiều hộ thoát nghèo và giàu lên nhờ sâm. Chính quyền địa phương, người dân đều ý thức trong việc gìn giữ nguồn gen gốc, bảo tồn và phát triển tốt hơn loại dược liệu quý hiếm này”.

Thời gian qua các cấp ủy, chính quyền huyện Nam Trà My đã định hướng nhân dân tập trung đầu tư, phát triển các cây dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh để giảm nghèo bền vững và làm giàu.

Huyện Nam Trà My đã bám sát quy hoạch bảo tồn, phát triển cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh của tỉnh, quy hoạch vùng nhằm xây dựng cơ cấu cây trồng một số loài dược liệu theo vùng và phát huy tiềm năng sẵn có cây dược liệu trên địa bàn.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đang tập trung triển khai trồng sâm Ngọc Linh tại 7 xã thuộc vùng quy hoạch. Số hộ tham gia trồng sâm tăng lên hàng năm, diện tích trồng được mở rộng.

Nếu như năm 2014, chỉ có 110 hộ tham gia với khoảng 65ha, thì đến nay đã có hơn 1.500 hộ đăng ký trồng hơn 1.650ha. Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, đến nay đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký hơn 341,7ha.

Cũng theo ông Dũng, địa phương bám sát thực hiện quy hoạch vùng nhằm xây dựng cơ cấu cây trồng một số loài dược liệu theo vùng và phát huy tiềm năng sẵn có cây dược liệu trên địa bàn. Tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

Với người dân, hộ sản xuất kinh doanh thì huyện sẽ hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình...

Gìn giữ và phát triển quế Trà My

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án của tỉnh, huyện Bắc Trà My đã nỗ lực cụ thể hóa trong thực tế. Theo đó, quế Trà My được xác định là cây kinh tế chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giảm nghèo bền vững.

Đến năm 2025, Bắc Trà My phấn đấu trồng mới 3.000ha quế, đến năm 2030 duy trì và trồng mới 7.000ha quế, tập trung chủ yếu tại các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka và Trà Bui là vùng quế gốc của Bắc Trà My.

Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, nhằm đảm bảo tính bền vững của quá trình bảo tồn và phát triển, huyện đã triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác trồng quế.

Nhờ đó, vườn ươm quế Trà My giống của doanh nghiệp, HTX kết hợp với các vườn ươm giống cây lâm nghiệp và vườn ươm của hàng chục hộ gia đình trên địa bàn đã tạo thành hệ thống vườn ươm tại chỗ, giúp tiết kiệm được chi phí vận chuyển, bảo đảm giữ vững chất lượng cây giống, tăng chất lượng rừng trồng.

Vùng nguyên liệu quế được xây dựng theo hướng hữu cơ, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ hiện nay và hướng đến thực hiện việc cấp mã số vùng trồng để tham gia thị trường xuất khẩu.

Ông Vũ cho biết: “Xác định mục tiêu phát triển các sản phẩm từ quế theo hướng bền vững, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan từng bước xây dựng bộ quy trình phát triển cây quế theo các phương thức trồng, bảo đảm tiêu chuẩn từ khâu xác định vùng trồng, cây giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn cho từng phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời xây dựng một số mô hình phát triển cây quế theo chuỗi giá trị phù hợp tiểu vùng sinh thái và điều kiện kinh tế - xã hội của huyện để làm cơ sở thúc đẩy, nhân rộng, phát triển hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của cây quế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm quế Trà My”.

Hiện tại, với sản lượng 400 tấn vỏ quế/năm đã mang lại cho Bắc Trà My khoản ngoại tệ hơn 1,2 triệu USD. Lợi nhuận trung bình ước tính 75 triệu đồng/tấn quế vỏ. Khi việc chế biến, sản xuất các sản phẩm từ quế đi vào ổn định, việc tận thu từ cành lá, gỗ quế cũng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương.

LÊ DIỄM