Những người trẻ truyền cảm hứng ở vùng cao
(Đặc san 21/6) - Tự tin và bằng sự nhạy bén, họ tìm ra lối đi riêng của mình. Họ được xem là những người trẻ truyền cảm hứng ở vùng cao.
“Mình không thể nghèo”
Alăng Beo (SN1989) là người con Cơ Tu ở thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang). Vài năm trước, sau thời gian nghỉ việc ở xã, Beo mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mở quán tạp hóa nhỏ phục vụ người dân trong làng.
Tiếp tục mở rộng và quay vòng, năm ngoái Beo dựng nên một không gian nhà truyền thống, nhận tổ chức tiệc liên hoan, sinh nhật, đặt tên Katu quán.
Tôi vốn thân quen với Beo, nên gần như việc gì anh cũng không ngại chia sẻ. Hôm trước, Beo khai trương tạp hóa, rồi không gian tiệc tùng ngay tại mảnh vườn gia đình. Những người làng và một vài địa phương lân cận biết tin, thỉnh thoảng đến ủng hộ, giúp anh có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.
Hơn 3 năm chuyển hướng làm ăn, Beo nói vốn liếng tích cóp được anh đều dành cho việc quay vòng nâng quy mô quầy tạp hóa; đồng thời thu mua sản vật, nông sản miền núi phục vụ khách hàng.
Nhiều đoàn du khách ghé chân, đặt cơm trưa ở Katu quán, thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào Cơ Tu địa phương, từ cơm lam, cá suối, thịt ủ chua cho đến các loại rau rừng đặc sản. Thời gian gần đây, Beo nhận thêm các tiệc liên hoan, sinh nhật, góp thêm vào nguồn thu gia đình.
“Cuộc sống cũng dần thay đổi kể từ khi chuyển hướng làm ăn này. Dù chưa phải khấm khá nhưng mình quyết tâm không thể nghèo. Nhiều người thương nên tìm đến ủng hộ, giúp mình có thêm động lực để tiếp tục phát triển, mở rộng kinh doanh buôn bán.
Đây cũng vừa là mục tiêu để mình phát triển kinh tế gia đình, vừa tìm đầu ra cho nông sản của người dân miền núi và góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào Cơ Tu đến với du khách” - Alăng Beo chia sẻ.
Nằm phía bên kia suối Pho, thôn Bhlô Bền thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Không chỉ là nơi cung ứng nhu cầu thiết yếu, tạp hóa của Alăng Beo còn giúp người dân địa phương, đặc biệt là tổ Sơn và Bút Tưa xoay xở tình thế khó khăn trong thời điểm bị lũ cô lập.
Ai có tiền thì mua, không có thì đến nợ và thậm chí là hỗ trợ các trường hợp khó khăn xử lý công việc cấp bách. Những năm qua, người dân Bhlô Bền xem Beo như tấm gương trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống và tạo mối đoàn kết cộng đồng.
Đi lên, từ nghị lực tuổi trẻ
Ở Đông Giang và các huyện tây bắc Quảng Nam, Alăng Beo không là cá biệt. Tôi từng đi đến nhiều nơi, thấy người trẻ miền núi bây giờ đã nâng cao tư duy làm ăn, phát triển kinh tế. Nghị lực tuổi trẻ, cộng thêm tư duy hội nhập và kinh nghiệm sống giúp họ có những chọn lựa, hướng đi mới để phát triển bản thân.
Hôm nọ, tình cờ tôi gặp A Viết Mị (SN1995), cô gái Cơ Tu ở xã Chơ Chun (Nam Giang). Gần 30 tuổi, trông Mị khá già dặn khi làm chủ một cơ sở chăm sóc sắc đẹp ngay trung tâm xã Chà Vàl. Sau gần 1 năm hoạt động, cơ sở của Mị đã tạo dựng được thương hiệu không chỉ chăm sóc da, mà còn bởi quá trình tư vấn, sử dụng các loại kem phù hợp.
Với Mị, đây là hướng đi khởi nghiệp ngay tại quê hương, để “tự làm mới mình”, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho người dân địa phương và phát triển bản thân sau thời gian học tập ở TP.Hồ Chí Minh.
Không chấp nhận cái nghèo, những năm qua, nhiều người trẻ Cơ Tu còn nâng ý thức làm giàu bằng chính sản vật đặc trưng của núi.
Điển hình như Alăng Lơ (SN1986) - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ch’Ơm (Tây Giang), tận dụng lợi thế dược liệu của vùng đã vận động hàng chục hộ dân liên kết hình thành các tổ hợp tác tìm đầu ra cho đảng sâm.
Sau nhiều năm liên kết, Alăng Lơ và người dân ở thôn Achoong (xã Ch’Ơm) trồng được hơn 4ha đẳng sâm, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
“Trước đây bà con chủ yếu lên rừng làm nương rẫy, trồng thêm cây lúa nhưng cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Trong khi đó, lợi thế của Achoong bây giờ là đảng sâm, vì thế mình vừa làm, vừa tuyên truyền người dân hiểu được giá trị của đảng sâm, cũng như vai trò việc liên kết nhóm hộ.
Bởi đó không chỉ là bước đầu để tạo nên hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng chung, mà còn giúp ích trong việc giữ rừng, mở rộng đất trồng sâm, tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền núi, nâng cao thu nhập cho chính cộng đồng Cơ Tu.
Từ liên kết này, người dân được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng và nhân rộng mô hình trồng cây đẳng sâm giúp cuộc sống dần ổn định và nâng lên”- Alăng Lơ nói.