Đón đầu làn sóng đầu tư ICT Hàn Quốc: Cơ hội nào cho Quảng Nam?
(Đặc san 21/6) - Doanh nghiệp Hàn Quốc đang có xu hướng mở rộng đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp miền Trung phát triển ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Đây sẽ là cơ hội để các địa phương, trong đó có Quảng Nam nắm bắt thời cơ, xây dựng chiến lược cung ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực này.
Tìm kiếm cơ hội hợp tác
Diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam vừa được tổ chức ở Đà Nẵng, trở thành sự kiện để các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc giới thiệu những cơ hội, lợi thế cũng như tìm kiếm sự hợp tác giữa doanh nghiệp ICT hai nước.
Ông Kwon Young-wook - Giám đốc Điều hành Yaho Lab khẳng định, ICT đang là lĩnh vực nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp miền Trung có thể phát triển hoặc kết hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc cùng phát triển để tạo ra lợi nhuận và lợi ích cộng đồng.
Trong đó, khu vực miền Trung, đặc biệt là TP.Đà Nẵng sở hữu lợi thế lớn để những doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư, hợp tác nhờ các chính sách từ phía chính quyền, hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực…, từ đó tạo ra sức hút, lan tỏa. Yaho Lab là doanh nghiệp chuyên về giải pháp gia sư cá nhân hóa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu có mặt tại Việt Nam.
“Mặc dù Quảng Nam chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho ICT như TP.Đà Nẵng nhưng tôi nghĩ đây vẫn là thời cơ tốt cho các doanh nghiệp địa phương. Vì vậy, Quảng Nam phải xây dựng các chiến lược cụ thể hướng đến tương lai nếu muốn nắm bắt cơ hội từ ICT.
Yaho Lab luôn sẵn sàng tìm kiếm đối tác tại miền Trung, Quảng Nam, Đà Nẵng để cùng phát triển các nền tảng công nghệ hiện đại này” - ông Kwon Young-wook chia sẻ.
Vài năm gần đây, ICT đang trở thành hướng phát triển quan trọng, hứa hẹn mang đến nhiều đột phá cho nền kinh tế. Tại TP.Đà Nẵng, công nghệ thông tin (CNTT) đã được xác định là một trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn ưu tiên phát triển.
Nhiều chủ trương, chính sách đã được Đà Nẵng ban hành nhằm tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực CNTT phát triển, đưa Đà Nẵng trở thành địa điểm hấp dẫn, hội tụ các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp và các doanh nghiệp CNTT.
Năm 2023, doanh thu toàn ngành CNTT đạt 36.571 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022. Kinh tế số Đà Nẵng đóng góp khoảng 20% cơ cấu GRDP toàn thành phố, thu hút khoảng 53.000 người làm việc trong ngành công nghệ số.
Ông Nguyễn Tuấn Phương - Chủ tịch FPT Software miền Trung nhìn nhận, công nghệ bán dẫn hiện liên quan rất nhiều đến lĩnh vực sản xuất, do đó việc đầu tư phát triển CNTT sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, để Quảng Nam đón đầu và hòa vào dòng chảy này, đầu tiên phải cần những bước đi mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương. Trong đó, việc đầu tư chuẩn bị nguồn lực cho công nghệ bán dẫn sẽ giúp nắm bắt được cơ hội dễ dàng hơn. FPT Software miền Trung hiện có khoảng 6.500 người, riêng chi nhánh tại Quảng Nam của FPT có quy mô không lớn vì hạn chế về nguồn lực.
“Khó khăn hiện nay vẫn là nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, ngoại ngữ… Chúng tôi đang cố gắng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Quảng Nam” - ông Phương cho biết.
Đón đầu nguồn nhân lực
Một số ý kiến cho rằng, trong tình hình Quảng Nam chưa chuẩn bị điều kiện phát triển các ngành CNTT thì có thể tập trung vào nguồn nhân lực cung ứng cho các doanh nghiệp miền Trung, nhất là Đà Nẵng.
Cơ hội này rất sáng sủa bởi Đà Nẵng có 3 khu CNTT đang hoạt động, gồm Khu công viên phần mềm Đà Nẵng với 2.200 nhân lực, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu FPT Complex hiện có hơn 6.500 nhân lực. Đà Nẵng cũng đang hoàn thiện, đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2 vào cuối năm 2024, dự kiến thu hút 6.000 nhân lực.
Tính đến năm 2023 TP.Đà Nẵng đã có hơn 2.000 doanh nghiệp số, trong đó khoảng 700 doanh nghiệp về CNTT với hơn 50 nghìn lao động, bao gồm 26 nghìn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Dự kiến, đến năm 2025 là 75 nghìn người trong lĩnh vực ICT và đạt 115 nghìn người vào năm 2030, lương bình quân gần 20 triệu đồng/tháng.
TS.Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn cho biết, cơ hội cho lao động ngành CNTT rất lớn.
“Mặc dù Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo ICT (20 trường đại học và cao đẳng, 18 trường trung cấp) chuyên đào tạo các ngành như vi mạch bán dẫn, CNTT, kỹ thuật phần mềm, AI…, tuy nhiên nguồn nhân lực này khó thể đáp ứng nhu cầu trong những năm tới” - ông Thọ dự báo.
Tại Đà Nẵng, từ cuối năm 2023, thành phố đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng; triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối các tập đoàn, cơ sở đào tạo, đối tác trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và AI thành phố.
Xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển bán dẫn, vi mạch và AI, trong đó chú trọng công đoạn thiết kế chip và lắp ráp, kiểm thử, đóng gói; mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 5.000 nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, 1.500 nhân lực thiết kế vi mạch và 3.500 nhân lực về đóng gói, kiểm thử; góp phần đưa Đà Nẵng tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Theo ông Lee Jong Wook - Giám đốc Trung tâm LG VS Đà Nẵng, khoảng 4 - 5 năm tới nhu cầu lao động ICT sẽ bùng nổ, dẫn đến sự cạnh tranh về nguồn nhân lực, sẽ xuất hiện tình trạng chuyển việc, nhảy việc liên tục nên ngay từ bây giờ việc định hướng đào tạo nguồn nhân lực địa phương là cấp thiết và phù hợp.
Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào khu vực miền Trung
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc đang “nở rộ” hơn bao giờ hết. Đặc biệt, Hàn Quốc giữ vị trí số một về đầu tư trực tiếp; thứ 2 về hợp tác phát triển, du lịch và lao động; thứ ba về hợp tác thương mại.
Tại miền Trung, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã triển khai nhiều dự án hợp tác hiệu quả như Tập đoàn Huyndai, Tập đoàn khách sạn hàng đầu Hàn Quốc The Shilla Hotels & Resorts tại Quảng Nam, Tập đoàn LG, Tập đoàn Lotte, Detium tại Đà Nẵng, Tập đoàn Doosan ở Quảng Ngãi… Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu vực miền Trung.
Riêng trên địa bàn Quảng Nam, đến nay có 58 dự án FDI Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư hơn 867 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ.
Một số dự án FDI Hàn Quốc tiêu biểu đang đầu tư trên địa bàn tỉnh như nhà máy sản xuất vải mành của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam (tổng vốn đầu tư 410 triệu USD); dự án nam châm từ tính SGI của Công ty TNHH SGI VINA (tổng vốn đầu tư 80 triệu USD); nhà máy dệt, may, nhuộm và phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Panko Tam Thăng (vốn đầu tư 70 triệu USD); nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô CTR Vina của Công ty TNHH CTR Vina (tổng vốn đầu tư 27,2 triệu USD); nhà máy sản xuất dụng cụ cắm trại, lều và các sản phẩm may mặc của Công ty TNHH Sedo Vinako (tổng vốn đầu tư 15,2 triệu USD)...
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, đã cấp phép cho nhà đầu tư Hàn Quốc xây dựng Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc với diện tích 193ha nhằm thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu công nghiệp này.