Doanh nghiệp vượt khó, hồi phục
(Đặc san 21/6) - Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn thì sự xuất hiện của những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm sáng mang đến nhiều động lực cho bức tranh kinh tế Quảng Nam.
Đảm bảo đơn hàng
Đầu tháng 4, Công ty Quốc Quang Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) thông báo tuyển dụng lao động với số lượng không giới hạn nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Tuy vậy, đến nay cũng chỉ tuyển được khoảng 1.300 người, thiếu từ 500 – 700 lao động so với nhu cầu (dự kiến 1.800 - 2.000 người).
Năm 2019, Công ty Quốc Quang Việt Nam (vốn đầu tư Trung Quốc) chính thức đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử trên diện tích 4ha tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc.
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng kết quả kinh doanh của đơn vị không ngừng tăng trưởng. Nếu năm 2021, tổng doanh thu của công ty đạt 36,4 triệu USD thì đến năm 2023 đã đạt hơn 86 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 670 lao động, mức lương tháng từ 6,5 – 7 triệu đồng/công nhân; với khối văn phòng, kỹ sư mức lương bình quân 15 triệu đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đã giúp doanh số bán hàng công ty không ngừng tăng trưởng, ước tính 4 tháng đầu năm đã tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Quốc Quang là một trong số hàng chục doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh “ăn nên làm ra” kể từ khi đại dịch COVID-19 chấm dứt. Một số doanh nghiệp sau thời gian khó khăn, đến nay đã phục hồi, phát triển tốt, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, điện tử, thủy sản đông lạnh…
Tại Công ty Fashion Garment (Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), tốc độ phục hồi rất khả quan, đơn hàng ngày càng nhiều, đảm bảo đủ việc làm cho công nhân đến hết năm 2024.
Theo ông Lê Văn Châu – Trưởng phòng Nhân sự Công ty Fashion Garment, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, từ đầu năm đến nay đơn vị đã nhiều lần thông báo tuyển dụng lao động nhưng vẫn không đủ công nhân.
Hiện tại, Fashion Garment có 2.300 công nhân, mức thu nhập bình quân mỗi công nhân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Để ổn định sản xuất, dự kiến số lao động làm việc phải đạt gần 2.500 người.
Công ty Fashion Garment chủ yếu sản xuất thời trang đồ lót xuất khẩu sang 2 thị trường chính là Mỹ và châu Âu. Do vậy sự phục hồi kinh tế tại 2 thị trường này thời gian qua đã tác động rất lớn đến đơn hàng và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tín hiệu tích cực
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, so với cùng kỳ năm 2023, doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm tăng cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký.
Tính đến ngày 31/5/2024, cả tỉnh có 564 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,1% với số vốn đăng ký gần 4.001 tỷ đồng, tăng 22,5%. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 831 doanh nghiệp, tăng 4,66%.
Về đầu tư trong nước trong 5 tháng đầu năm, đã cấp mới 14 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 4,2 nghìn tỷ đồng, thu hồi 4 dự án. Cấp mới 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 124,2 triệu USD, thu hồi 1 dự án.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.148 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 230 nghìn tỷ đồng và 199 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6,2 tỷ USD.
Một tín hiệu tích cực là nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định, thị trường, khách hàng mở rộng, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thực phẩm, tiêu dùng...
Theo thống kế, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 5/2024 tăng 32,6% so với cùng thời điểm năm 2023; trong đó chỉ số sử dụng lao động tăng chủ yếu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tăng 56,4%); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (tăng 5,6%); khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 1,1%...
Mới đây, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quý Thu (Quế Sơn) đã ký hợp đồng với đối tác Hàn Quốc xuất chính ngạch sản phẩm bánh dừa nướng sang thị trường này.
Theo đó, thời gian đầu, Quý Thu sẽ xuất sang Hàn Quốc nửa container bánh, sau đó sẽ nâng số lượng lên dần. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quý Thu nổi tiếng với các sản phẩm bánh dừa nướng đạt chứng nhận sao OCOP. Đây là doanh nghiệp có sản phẩm OCOP thứ hai ở Quảng Nam xuất hàng ra thế giới theo con đường chính ngạch sau các sản phẩm của thương hiệu “Bà Ba Hội” (Tam Kỳ).
Ông Bàng Hạo Văn – Tổng Giám đốc Công ty Quốc Quang nhận định, đỉnh điểm sản xuất sẽ rơi vào nửa cuối năm, nên từ tháng 8 đến tháng 11 công ty sẽ phải tiếp tục tuyển dụng thêm lao động mới có thể đáp ứng được đơn hàng giao đối tác.
Từ đầu năm đến nay đơn hàng liên tục tăng, điều này không chỉ phản ánh thị trường sản phẩm điện tử quốc tế đang phục hồi. Với chiều hướng này, dự kiến nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay với mức tăng 60 - 80%.
Đây cũng là nhận định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia trong những tháng gần đây về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, qua đó tạo tiền đề để cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam phục hồi sau một chặng dài khó khăn.