Khai thác hiệu quả Trung tâm tích hợp dữ liệu
(Đặc san 21/6) - Thời gian ngắn, chưa thể đánh giá được kết quả cụ thể. Tuy nhiên, sau gần 1 năm vận hành, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh với kinh phí đầu tư gần 250 tỷ đồng đang từng bước đáp ứng các yêu cầu về phát triển chính quyền số, kinh tế số.
Đây là nhận định của ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. Xung quanh việc vận hành kho dữ liệu khổng lồ này, ông Phạm Hồng Quảng chia sẻ thêm nhiều vấn đề với Báo Quảng Nam.
Ông Phạm Hồng Quảng: Trung tâm dữ liệu tỉnh (DC) là hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) quan trọng, sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, phục vụ yêu cầu phát triển chính quyền số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Công tác vận hành DC được đặc biệt quan tâm.
Yêu cầu quản lý vận hành hệ thống theo đúng quy trình và phương án đề ra, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, ổn định, đúng thiết kế và an toàn, bảo mật thông tin.
Trong tương lai, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam sẽ có thêm Trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng (DR). Sở đang phối hợp với các đơn vị, chuyên gia tư vấn về CNTT để xây dựng giải pháp đồng bộ dữ liệu giữa 2 hệ thống.
Trung tâm DR được triển khai theo mô hình kiến trúc phân vùng mạng riêng biệt phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, các phân vùng tách biệt sẽ cho phép áp dụng các chính sách bảo mật riêng cho mỗi vùng, thuận tiện cho việc quản lý khai thác sử dụng.
* Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, tích hợp, kết nối dữ liệu số. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
Ông Phạm Hồng Quảng: Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng CNTT, công tác xây dựng dữ liệu số, kết nối, chia sẻ dữ liệu được tỉnh quan tâm chú trọng và chỉ đạo quyết liệt. Danh mục dữ liệu mở tỉnh Quảng Nam cũng đã được ban hành.
Đây là cơ sở để các ngành, địa phương có định hướng xây dựng và phát triển dữ liệu trong thời gian tới, đảm bảo việc xây dựng dữ liệu không được trùng lắp, kế thừa, đảm bảo công khai, cung cấp dữ liệu mở theo quy định của Chính phủ.
Sở Thông tin - Truyền thông cũng đã triển khai xây dựng Kho dữ liệu, Cổng dữ liệu mở của tỉnh, đáp ứng yêu cầu kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP).
Tất cả ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ qua LGSP như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống quản lý văn bản và điều hành Q-office, email công vụ, chữ ký số tập trung, kho lưu trữ điện tử dùng chung, kho cơ sở dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở, phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức...
Ngoài ra, hệ thống LGSP của tỉnh đã triển khai kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), đang triển khai khai thác 20/20 dịch vụ dữ liệu với các hệ thống của Trung ương.
Mỗi năm có hàng triệu giao dịch dữ liệu được thực hiện qua hệ thống LGSP của tỉnh, đảm bảo gửi nhận dữ liệu thông suốt từ Chính phủ đến tỉnh, huyện, xã, phục vụ hoạt động, vận hành của các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.
* Việc vận hành DC sẽ được triển khai như thế nào để phát huy hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian đến, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quảng: Nhiệm vụ của DC trong thời gian đến là cung cấp các dịch vụ về tính toán, lưu trữ, xử lý dữ liệu cho vận hành hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh. Do đó, công tác vận hành trong thời gian đến rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và phát huy hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số.
Đội ngũ kỹ sư CNTT vận hành hệ thống đóng vai trò quan trọng. Để tiếp quản và vận hành DC, Trung tâm CNTT - Truyền thông đã kịp thời bố trí cán bộ kỹ thuật tham gia các lớp đào tạo chuyển giao, các lớp đào tạo do đơn vị xây dựng (Tập đoàn Viettel) hệ thống chuyển giao, xây dựng các quy trình quản lý nội bộ, kiểm soát và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ làm việc tại DC.
Ngoài ra, Trung tâm CNTT - Truyền thông ban hành các hồ sơ quy trình vận hành, thủ tục theo tiêu chuẩn áp dụng riêng tại DC nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các hoạt động tại DC ngày một chuyên nghiệp.
Thách thức không nhỏ trong thời gian tới là cùng lúc triển khai và đưa vào sử dụng các phần mềm chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật dùng chung của tỉnh như hệ thống mạng WAN, Trung tâm kiểm soát an toàn thông tin SOC cũng như tổ chức chuyển giao các phần mềm dùng chung của tỉnh.
Chính vì vậy, ngoài việc đề xuất phương án xây dựng đề án nhân sự quản trị, vận hành DC trong giai đoạn tới, Sở Thông tin - Truyền thông sẽ đề xuất các phương án thuê dịch vụ nhằm tranh thủ nguồn lực có chất lượng từ bên ngoài và hỗ trợ trao đổi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ hiện có.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!