Du lịch

Ngẫm ở tòa Tàng Kinh Các, nghĩ dưới hàng ngân hạnh

LÊ MINH HẠ 23/06/2024 18:32

(Đặc san 21/6) - Đặt bước đến chùa Thiếu Lâm, với tôi không chỉ đơn thuần trải nghiệm như một du khách mà mỗi hàng cây, không gian nơi đây đều gợi nhiều suy ngẫm...

Quang cảnh tòa Tàng Kinh Các ở Thiếu Lâm tự.
Quang cảnh tòa Tàng Kinh Các ở Thiếu Lâm tự.

Hẳn ai từng thích kiếm hiệp, mê truyện Kim Dung sẽ quen với cái tên Tàng Kinh Các và ngôi chùa Thiếu Lâm huyền thoại. Ngôi cổ tự ấy nằm dưới chân núi Thiếu Thất thuộc dãy Tùng Sơn, một trong Ngũ đại danh sơn - núi thiêng của Trung Quốc, thuộc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Ngỡ ngàng trước Tàng Kinh Các

Ngôi cổ tự hơn 1.500 tuổi nên có quá nhiều huyền tích. Như chuyện Bồ Đề Đạt Ma, được xem là người truyền bá và sáng lập ra thiền học và võ thuật tới Trung Quốc, từ Ấn Độ đến tu tại đây cũng đã trở thành giai thoại.

Trên đường đến Thiếu Lâm tự, Bồ Đề Đạt Ma đã vượt sông Dương Tử bằng một ngọn cỏ lau. Thiếu Lâm tự vẫn còn bức tượng mô tả sống động “cước đạp lô diệp quá giang” miêu tả tích này ở điện Tây Phương, nơi dành riêng để thờ Bồ Đề Đạt Ma.

Còn với Tàng Kinh Các quả là người thật việc thật quyện chặt với không gian kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Tàng Kinh Các, là nơi lưu giữ các bộ kinh, sách quý giá về Phật pháp, võ thuật của Thiếu Lâm tự.

Tôi đã không nén nổi sự xúc động khi đứng trước khung cảnh thật như bước ra từ các trang sách của Kim Dung. Bởi sự tưởng tượng theo từng con chữ mà nhà văn viết ra, nó mãnh liệt lắm khi đem ướm vào đời thực tận mắt thấy.

anh-1-2-.jpg
Quang cảnh tòa Tàng Kinh Các ở Thiếu Lâm tự.

Bên trong Tàng Kinh Các, chính giữa hiện nay thờ tượng Phật nằm tạc theo phong cách Miến Điện, xếp kín hết hai vách tả hữu từ đất lên đụng xà ngang tòa nhà là những chiếc tủ to hai tầng, nơi từng lưu giữ kinh sách, bí kíp võ công và các văn kiện vô giá khác.

Những chiếc tủ có vẻ ngoài rất bình thường, nhưng xưa kia nơi đây là trung tâm của nhiều pho sách bí truyền võ công thượng thừa, nơi chứa đựng bí kíp để luyện 72 tuyệt kỹ khí công. Vì vậy, Tàng Kinh Các cũng là trung tâm của mọi chấn động trên giang hồ. Suốt chừng ấy năm tồn tại, Tàng Kinh Các là nơi dòm ngó, đột nhập của bao “siêu trộm” đó thôi.

Tôi đứng nhìn tòa nhà không rộng lớn và nhuốm màu thời gian này, tự nhiên bất giác mỉm cười nhớ đến Kim Dung tiên sinh. Không hiểu sao hai cao thủ Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác trong “Thiên Long Bát Bộ” lại có thể ẩn náu được suốt 30 năm ở đây để lấy hết 72 bí kíp võ công thượng thừa, mà chẳng ai hay.

Dưới tán cây ngàn năm nhìn thế sự

Trên lối đi dẫn đến Tàng Kinh Các, có hai hàng cây ngân hạnh rợp bóng mát. Cây ngân hạnh, còn gọi là cây bạch quả, là loài cây trổ lá vàng rất đẹp khi thu sang và hạt rất ngon. Cây trẻ nhất ở đây cũng đã 500 tuổi. Cây già nhất cũng đã 1.500 tuổi, nghĩa là cũng già như chính thời gian hiện diện của Thiếu Lâm tự vậy.

anh-2(1).jpg
Cây ngân hạnh tỏa bóng ngàn năm.

Trên mình nhiều cây, nhất là cây ngân hạnh 1.500 tuổi, còn lưu những dấu vết tập luyện của các võ tăng nơi này. Thân cây, vị trí vừa ngang tầm tay có những lỗ tròn to có đường kính vừa y một ngón tay.

Người đời sau đi qua, ai đó đã thảy vào một số đồng xu nằm vừa vặn trong đó, như nhắc nhớ rằng, đây là sân tập võ từ ngàn xưa của chùa Thiếu Lâm và các lỗ tròn nhỏ trên thân cây ấy là vết tích sự tập luyện kiên trì của các thế hệ Thiếu Lâm cao tăng luyện “Trúc diệp thủ”, “Thiết tý công”, “Bao thụ công”...

Những dấu vết trên các cây cổ thụ này được cho là của “Nhất chỉ thiền”, một loại nội công Thiếu Lâm. Người luyện loại nội công này thành thục có khả năng phát huy toàn bộ sức mạnh tụ lại nơi một ngón tay.

anh-5.jpg
Khu rừng tháp, mộ của các cao tăng nhiều đời ở chùa, cũng là nơi các võ tăng Thiếu Lâm tập luyện.

Như một võ tăng ở chùa này từng được báo chí nhắc tới nhiều là Thích Lý Lượng cho biết, phải khổ luyện suốt 10 năm trời, ngón tay ngắn đi 1cm mới luyện thành loại võ công này. Những cây ngân hạnh là nơi chứng kiến và chứa đựng các thành quả khổ luyện võ thuật cả đời ấy.

Hàng cây ngân hạnh này, cũng là chứng nhân lặng lẽ với thời gian, chứng kiến bao binh biến can qua, chứng kiến ngôi cổ tự từ hưng thịnh đến đổ nát điêu tàn vì lòng người.

Aron, người bạn đang làm hướng dẫn viên du lịch ở đây, cho hay, ngạn ngữ vùng này có câu: “Cây đứng yên thì sống, người đứng yên thì chết”. Đứng dưới tán cây cổ thụ, nghe được câu này, tôi lấy làm tâm đắc lắm.

Sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, chùa Thiếu Lâm hoang tàn vắng lặng một thời gian dài. Bốn mươi năm qua, kể từ khi bộ phim “Thiếu Lâm tự” với Lý Liên Kiệt thủ vai chính, thực hiện tại ngôi chùa này, nổi tiếng khắp nơi, chùa trở thành địa điểm tham quan, học võ trứ danh.

Du khách muốn vào chùa phải kiên nhẫn xếp hàng mua vé, chen chúc để được vào xem biểu diễn võ Thiếu Lâm. Tôi bất giác nhớ đến thuở ban đầu của Bồ Đề Đạt Ma khi đến nơi này truyền giáo, mang theo thông điệp của sự thinh lặng.

LÊ MINH HẠ