Những “cây sáng kiến” nơi công xưởng
(Đặc san 21/6) - Là lao động kỹ thuật làm việc nơi công xưởng, họ đã không ngừng phát huy trí tuệ, nghiên cứu tìm tòi để cho ra đời những giải pháp đảm bảo các tiêu chí tiết kiệm, an toàn, mang lại hiệu quả cao nhất cho quá trình sản xuất.
Vì sự an toàn, tiện lợi, tăng năng suất
Có 5 năm làm việc tại bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH Amann Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất chỉ may, chỉ thêu tại Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), thì liên tục trong 3 năm qua anh Lê Phú Khánh có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tích cực trong hoạt động vận hành máy móc, đảm bảo sản xuất ổn định trên hệ thống dây chuyền của công ty.
Anh Khánh nói rằng những cải tiến kỹ thuật của anh không lớn, không làm lợi nhiều cho công ty nên cũng không có gì đáng nói đến.
Nhưng những cải tiến mà anh Khánh cho là “không có gì đáng nói đến” ấy lại góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất, được xem là sáng kiến tiêu biểu của đoàn viên trong công ty cũng như Công đoàn Các khu kinh tế & khu công nghiệp tỉnh.
Riêng trong năm 2023, anh Khánh đã có 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành máy móc của một dây chuyền sản xuất. Những sáng kiến này đã được lãnh đạo Công ty TNHH Amann Việt Nam công nhận, trao giải thưởng phong trào “Cải tiến, sáng tạo năm 2023” của công ty.
Đó là những sáng kiến gồm chế tạo bộ cánh khuấy cho công đoạn hồ, đảm bảo chất lượng hồ trước khi đưa vào sản xuất; sáng kiến tăng không gian vận hành ở máy Stretching, hạn chế va chạm vào bộ phận gia nhiệt khi vận hành; cải tiến tay kẹp tube trên máy Fadis, khắc phục tình trạng kẹp chỉ tay, tăng hiệu suất vận hành và giảm thời gian vệ sinh máy.
Theo lời anh Khánh, các sáng kiến của anh đảm bảo được độ an toàn, tiện lợi trong quá trình sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động. Và anh may mắn vì được làm việc trong môi trường có thể nâng cao trình độ tay nghề kỹ thuật đã học ở trường cao đẳng.
Đặc biệt, lãnh đạo công ty quan tâm đến việc cải tiến, sáng tạo trong lao động nên anh có thể phát huy được khả năng của mình, sáng kiến tốt thì được ứng dụng và khen thưởng động viên.
“Mỗi cải tiến từ khi phát hiện đến đề xuất giải pháp, áp dụng vào thực tế sản xuất là cả quá trình, phải có được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo công ty mới làm được. Có giải pháp muốn ứng dụng thực tế thì phải qua nhiều lần thí nghiệm.
Có giải pháp muốn thực hiện thì phải dừng cả dây chuyền sản xuất, nên phải chờ đợi, kiên trì với giải pháp đó. Tôi cũng chỉ mong góp phần nhỏ cho hoạt động của công ty khi là một nhân viên kỹ thuật” - anh Khánh chia sẻ.
Mình hài lòng mới chinh phục được khách hàng
Ông Hoàng Vinh - 49 tuổi, ở xã Tam Hiệp, Núi Thành được Công ty TNHH Vinh Gia (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai - Núi Thành) tuyển dụng từ năm 2019 - thời điểm doanh nghiệp vừa thành lập. Đây là công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủ công, tiểu thủ công nghiệp chất lượng cao phục vụ trang trí nội thất như chậu cảnh, chum, vại, bình,…
Sau thời gian đào tạo, từ một lao động phổ thông, ông Vinh được sắp xếp vào làm việc trong khâu hoàn thiện sản phẩm. Quá trình lao động tích lũy kinh nghiệm, cùng với các khóa tập huấn thường niên giúp ông trở thành một trong số những công nhân lành nghề, nắm chắc quy trình sản xuất.
Ông Vinh cho biết: “Công ty luôn quan tâm đến đời sống công nhân, các chế độ lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm xã hội,… luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đồng thời tạo môi trường lao động hài hòa, an toàn, đảm bảo quy định pháp luật.
Điều này giúp chúng tôi yên tâm làm việc, phát huy năng lực để góp sức cho sự phát triển của công ty. Và việc thiết thực, gần gũi, hiệu quả nhất là phát hiện những điều bất hợp lý trong quy trình sản xuất và kiến nghị những giải pháp tối ưu”.
Với tinh thần xây dựng đó, ông Vinh mạnh dạn đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng. Nổi bật là sáng kiến “Cải tiến công đoạn Stain màu 20 từ chập sang dùng súng phun, hiệu quả giảm loang, đốm bề mặt, tăng năng suất cao” và “Chuyển từ màu 03, 04 chập cọ chuyển lăn bằng con lăn và dùng cọ chập lại, thao tác nhanh, tăng năng suất”.
Ông Vinh cho biết, hai sáng kiến này đều nảy sinh trong quá trình vận hành máy móc và phát hiện ra hạn chế tồn tại. “Những hạn chế dù nhỏ, nếu không cải tiến để thay đổi, một vài ngày không tác động nhiều, song trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, cũng chính là lợi ích của công ty và người lao động” - ông Vinh nói.
Ông Hồ Ngọc Phong - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Vinh Gia cho hay, hưởng ứng chương trình “Một triệu sáng kiến”, đoàn viên, công nhân công ty rất hăng hái tham gia.
Trong năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận hơn 60 sáng kiến cải tiến và phần lớn sáng kiến này đã được nghiên cứu, đánh giá và áp dụng vào quy trình sản xuất. Nổi bật là 2 sáng kiến của đoàn viên Hoàng Vinh về đẩy nhanh quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, được lãnh đạo công ty đánh giá cao.
“Phần lớn quy trình sản xuất hàng hóa của công ty đều sử dụng máy móc, thiết bị. Đội ngũ lãnh đạo công ty luôn cầu thị, lắng nghe đóng góp của công nhân và luôn có tinh thần đổi mới.
Do đó, mỗi sáng kiến luôn quý giá để từng bước khắc phục những hạn chế, góp phần tạo nên sự thành công tổng thể cho hành trình phát triển của doanh nghiệp. Và chính công nhân cũng hưởng lợi từ sáng kiến của mình, đó là nâng cao tay nghề, vận hành máy móc trơn tru, thuận tiện và giảm một phần công sức” - ông Phong cho hay.
Nhìn những chiếc chậu cây, chum, vại với hoa văn, màu sắc ngày càng bắt mắt, ông Hoàng Vinh vô cùng hài lòng. “Khi sản phẩm ra lò mà mình có thể hài lòng thì mới dễ dàng chinh phục được khách hàng. Đây là động lực để tôi tiếp tục tâm huyết, gắn bó với công xưởng và tạo thêm nhiều thành quả mới” - ông Vinh chia sẻ.