Quy hoạch vùng Tây Nguyên và những điểm nối với Quảng Nam
(QNO) - Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển công nghiệp chế biến sâu, giao thông, du lịch là các điểm nhấn chính trong kết nối vùng Tây Nguyên với Trung Trung Bộ, trong đó có Quảng Nam của đồ án Quy hoạch vùng Tây Nguyên vừa được công bố.
Ngày 23/6, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn ra chương trình công bố Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điểm nhấn của quy hoạch xác định quan điểm phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến...
Trong đó, tăng cường kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh trong khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Vùng Tây Nguyên bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Theo mục tiêu tổng quát của quy hoạch vùng, đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Phấn đấu đến năm 2030 vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Phương hướng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của vùng Tây Nguyên có đề cập việc ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng.
Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu, cụm liên kết ngành gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; liên kết hiệu quả với công nghiệp tiểu vùng Trung Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Mục tiêu tổng quát của Quảng Nam theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030 là hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp.
Mối quan hệ cộng sinh này cũng phần nào định hình trong tương lai gần khi tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam vào tháng 3/2024, đại diện lãnh đạo THACO cho biết Tây Nguyên cùng với Lào và Campuchia là một trong 3 vùng nguyên liệu trồng trọt quy mô lớn gắn với cơ giới hóa và quản lý công nghiệp, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đều đặn qua cảng Chu Lai.
Bên cạnh đó, THACO cũng đặt sự quan tâm lớn về việc nghiên cứu, tham gia phát triển hệ thống giao thông đường bộ, trong đó tập trung cho các trục đường nhanh, đầu tư theo hình thức BOT để đẩy mạnh tuyến Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên về Chu Lai trong thời gian tới.
Đi cùng với hợp tác phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, giữa Bắc Tây Nguyên và Quảng Nam có sự kết nối chặt chẽ về tự nhiên khi chung hệ sinh thái Trung Trường Sơn.
Do đó, Quy hoạch vùng Tây Nguyên cũng xác định tăng cường liên kết trong thiết lập, quản lý hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh Ngọc Linh (Quảng Nam - Kon Tum), Kon Ka King - Kon Chư Rang (tỉnh Gia Lai) và các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, vật nuôi nguy cấp, quý, hiếm. Kiểm soát và giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học; nâng cao độ che phủ rừng, phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại rừng và khai thác trái phép.
Trong lĩnh vực du lịch, Quy hoạch vùng Tây Nguyên hoạch định phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, liên kết với các tỉnh vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, gắn với các hành lang kinh tế, liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ. Ngoài ra quy hoạch cũng đề cập nội dung nghiên cứu xây dựng hành lang Bờ Y - Quảng Nam - Đà Nẵng trong tương lai.