"Quái kiệt" Mai Năm
(Đặc san 21/6) - Đồng đội, hàng xóm hay tất thảy những người quen biết đều gọi ông là quái kiệt.
Ở ông toát ra cái bản lĩnh mà hiếm ai có được, can trường trong kháng chiến và thành đạt trong thời bình. Đau đáu với cuộc đời, ông Mai Năm (SN 1952, xã Duy Thành, Duy Xuyên) đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội, hỗ trợ đồng chí, đồng đội một thời và gia đình có công với cách mạng.
“Chiến thắng” trên mọi mặt trận
Dù sống ở Đà Nẵng từ nhiều năm nay, nhưng mỗi tuần ông Năm lại về quê 2-3 ngày. Có hôm, ông chắp tay sau lưng, rảo bước quanh xóm, hôm lại lê la cà phê tán dóc với các cụ.
Nhưng, vị trí mà ông dành nhiều thời gian nhất trong mỗi chuyến về quê, có lẽ là khúc sông sau nhà. Lần nào chúng tôi xuống nhà gặp ông, ông cũng kéo ra sau hè, ông bảo ra đây ngồi cho mát, nhưng chúng tôi nhìn thấy trong mắt ông sâu hằn những ký ức...
Có lần, ông chỉ tay về đám bèo đang trôi trên khúc sông Bà Rén (đoạn qua thôn Thi Thại, xã Duy Thành) bảo: “Ở khúc sông đó, chính là nơi ghi dấu những ngày đầu tiên tôi tham gia hoạt động cách mạng, dù mới hơn 10 tuổi.
Hồi đó ghe thuyền, đồn địch đóng ở bờ bên kia, tôi được giao nhiệm vụ bơi qua sông nghe ngóng tình hình địch rồi về báo cáo lại cho cán bộ cách mạng. Đến năm 16 tuổi, tôi tham gia lực lượng du kích xã, hoạt động trên khắp vùng Đông Xuyên Tân (tức Duy Xuyên - PV) ngày ấy”.
Chính những năm tháng chiến tranh, tù đày sống sót rồi có cơ hội làm ăn phát triển như bây giờ đều nhờ sự đùm bọc hết lòng của nhân dân và đồng chí, đồng đội. Vì vậy, cái ơn, cái nghĩa của quê hương và đồng đội phải đáp, phải trả. Mà hơn tất cả, khi mình làm cho ai đó điều gì, mình thấy vui chung niềm vui với họ
Ông Mai Năm
Hồi ức ùa về theo đám bèo trôi... Ông Năm kể, sau trận liều mình dùng mìn tự chế đánh cháy chiếc M113 và tiêu diệt 10 tên địch vào tháng 3/1970, ông cùng 2 đồng đội bị địch săn lùng và bắt giam. Năm 1972, ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Những ngày sau đó, khi thì địch dụ dỗ bằng tiền tài, danh vọng, khi thì đánh đập, nhốt vào chuồng cọp... nhưng lòng ông với cách mạng vẫn không lay chuyển.
“Trước chế độ hà khắc của nhà tù, không kháng cự sẽ chịu thua thiệt. Chúng tôi phát động đấu tranh bằng lời nói, hành động, tuyệt thực trong 12 ngày, không thỏa hiệp,... buộc địch phải nhượng bộ. Đến năm 1973, tôi được trả tự do, trở về quê tiếp tục hoạt động cách mạng” - ông Năm chia sẻ.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Mai Năm về công tác ở Đội an ninh Công an huyện Duy Xuyên. Trong một lần đuổi bắt thuyền đưa người vượt biên ở Cửa Đại, thuyền ông Năm bị hỏng, lúc đang sửa máy, ông bị tai nạn hỏng một bên mắt.
Thị lực giảm, ông chuyển sang công tác ở Phòng Công nghiệp huyện, với dấu ấn để lại cùng với ông Lưu Ban xây dựng Nhà máy Thủy điện Duy Sơn 2 và phát triển hệ thống điện lưới nông thôn ở Duy Xuyên sau này.
Năm 1985, ông Mai Năm về hưu và nghĩ cách đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Việc gì làm ra tiền và phù hợp thì ông không ngại khó, từ đầu tư trồng sen, buôn phế liệu, đúc trụ điện...
Công việc làm ăn ngày càng phát triển, khi có đủ nguồn vốn ông mở công ty xây dựng, nhận thầu thi công nhiều công trình trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, 3 người con của ông cũng sở hữu 3 công ty riêng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định 7-10 triệu đồng mỗi tháng.
Trả nghĩa quê hương
Từ nhiều năm qua, người dân xã Duy Thành đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Mai Năm gần gũi, xông xáo trong các hoạt động của địa phương.
Ngồi uống nước giữa trưa hè bên đường, nghe mọi người than thở về tình hình khô hạn, nghịch lý ở chỗ, nước dưới sông thì có nhưng trạm bơm An Lạc (Duy Thành) và trạm bơm Ấp Bắc (Bình Giang, Thăng Bình) lại không lấy được. Vậy là ông đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm bơm di động cung ứng nước cho 2 trạm bơm nói trên, cứu hàng trăm héc ta lúa của bà con Duy Xuyên và Thăng Bình.
Hay có lần, ông thấy đoạn sông sau nhà bị bèo phủ khắp mặt nước, khiến ghe thuyền không thể ra vào, rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường. Ông trao đổi với địa phương, tình nguyện hỗ trợ kinh phí, lên phương án xử lý, khơi thông dòng chảy và thực thi các giải pháp lâu dài không để tái diễn.
Kể thêm về câu chuyện nghĩa tình của ông Mai Năm dành cho quê hương, Chủ tịch UBND xã Duy Thành - Đỗ Văn Việt chia sẻ, Duy Thành nằm khá xa trung tâm y tế và bệnh viện tư ở trung tâm huyện nên các trường hợp người dân địa phương cần chuyển đi cấp cứu gặp rất nhiều khó khăn.
“Có lần, ông Mai Năm bất lực nhìn đồng đội cũ của mình ra đi trong lúc đang di chuyển bằng xe máy tới bệnh viện. Đồng cảm và bằng tấm lòng của mình, năm 2021 ông đã mua tặng địa phương chiếc xe cứu thương với trị giá hơn 400 triệu đồng.
Trên xe trang bị cơ bản đầy đủ máy móc, xe đẩy, trang thiết bị phục vụ cấp cứu, hồi sức. Chiếc xe có kích thước nhỏ gọn, có thể đi vào tận ngõ xóm để vận chuyển bệnh nhân, đang được Hội Cựu chiến binh và Trạm Y tế xã Duy Thành quản lý, sử dụng” - ông Việt nói.
Có quá nhiều việc ông Mai Năm làm vì bà con, quê hương, từ chuyện lớn như làm đường, nạo vét lòng sông, tới việc giúp các gia đình khó khăn, hoạn nạn. Nhưng điều khiến ông tự hào nhất, xúc động nhất có lẽ là giúp đỡ cho đồng đội cũ.
Lần tìm trong trí nhớ về những đồng chí, đồng đội lúc còn hoạt động du kích ở địa phương hay những bạn tù từng đồng cam cộng khổ, ông hỏi thăm thông tin rồi đến tận nhà gặp gỡ, chia sẻ với trường hợp khó khăn.
Từ năm 2019 tới nay, gia đình ông Mai Năm đã hỗ trợ xây 24 nhà tình nghĩa tặng đồng đội cũ và gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện Duy Xuyên và các địa phương lân cận, mỗi căn nhà có giá trị đầu tư trung bình hơn 150 triệu đồng.
Ông Mai Năm chưa từng ngồi lại chỉ để kể một câu chuyện có đầu có đuôi từ lúc hoạt động cách mạng đến bây giờ cho chúng tôi nghe.
Tất cả chi tiết từ bài viết này, chúng tôi góp nhặt qua nhiều lần gặp gỡ, khi cùng ông bắt cá sau nhà, lúc trên chuyến bay cùng vợ chồng ông ra thăm lại nhà tù Phú Quốc, hay trong vài lần đi với ông thăm đồng đội cũ,...
Ở tuổi 72 tuổi, ngoài một mắt bị hỏng và vô số vết sẹo lớn nhỏ chằng chịt trên người do chiến tranh và những năm tháng bị địch cầm tù, ông cũng đã trải qua 4 lần mổ tim. Bề ngoài ông Năm nhìn thô ráp nhưng bên trong ngược lại, ông khiến mọi người thán phục gọi một cách đầy ngưỡng mộ: Quái kiệt Mai Năm.
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”