QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT NÔNG SẢN GẮN VỚI CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG:Động lực phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, việc triển khai quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực theo phương thức hàng hóa tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Nỗ lực triển khai
Hiện nay, mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên sản xuất hơn 7.710ha cây trồng các loại; trong đó có hơn 3.480ha lúa, 425ha bắp, 1.900ha cây thực phẩm, 1.137ha cây công nghiệp hàng năm, 330ha cây có củ và 439ha loại cây khác. Đáng chú ý, các địa phương ở Duy Xuyên đã hình thành rất nhiều vùng sản xuất nông sản chủ lực tập trung.
Bà Trương Thị Hoài Nhân - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, mấy năm gần đây huyện nỗ lực triển khai quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng (MSVT) đối với các loại nông sản chủ lực.
Đến nay, Duy Xuyên đã có 2 địa phương được cấp có thẩm quyền cấp MSVT là xã Duy Phước với các loại rau củ quả và xã Duy Sơn với sản phẩm lúa gạo lứt đỏ của HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh.
Tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023 – 2024, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, đến nay cơ quan chức năng đã thẩm định và cấp 14 MSVT nội địa cho một số loại cây trồng như lúa, nếp, bắp, ớt, chuối, tiêu cho các tổ chức, cá nhân ở Điện Bàn, Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn, Duy Xuyên với tổng diện tích gần 67ha. Hiện tỉnh cũng duy trì 9 MSVT đối với sản phẩm dưa hấu tại huyện Phú Ninh để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung các loại nông sản chủ lực gắn với cấp MSVT nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản, đây là điều kiện bắt buộc cho nông sản xuất khẩu.
Đặc biệt, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu gắn với nhu cầu của thị trường; nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân và năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp, HTX liên kết...
Định hướng phát triển
Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, theo kế hoạch đặt ra, giai đoạn 2024 - 2025, tổng diện tích canh tác sản phẩm cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện khoảng 1.000ha, trong đó 300ha ứng dụng công nghệ tiên tiến; diện tích vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với cấp MSVT đạt hơn 20%.
Mỗi địa phương cấp xã của Duy Xuyên có ít nhất 1 - 5ha mô hình sản xuất cây trồng chủ lực, đặc sản phát triển tập trung theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP... hoặc các tiêu chuẩn phù hợp khác có ứng dụng công nghệ tiên tiến được cấp MSVT. Xây dựng thí điểm vùng sản xuất nguyên liệu tập trung một số chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với cấp MSVT...
Về định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Chí Công cho biết, huyện Duy Xuyên sẽ nỗ lực nhân rộng vùng sản xuất tập trung gắn với cấp MSVT cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản.
Phấn đấu 100% diện tích cây trồng chủ lực, đặc sản sản xuất tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp MSVT; phấn đấu có ít nhất một vùng được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu…
Ông Nguyễn Xuân Vũ cho hay, ngày 16/10/2023 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7059 về phát triển vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực gắn với MSVT trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là giai đoạn 2023 - 2025 tổng diện tích canh tác sản phẩm cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn tỉnh khoảng 30.000ha, trong đó 10.000ha ứng dụng công nghệ tiên tiến; diện tích vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với cấp MSVT đạt hơn 20%.
Mỗi địa phương cấp huyện có ít nhất 10 - 15ha mô hình sản xuất cây trồng chủ lực, đặc sản phát triển tập trung theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...) hoặc các tiêu chuẩn phù hợp khác có ứng dụng công nghệ tiên tiến được cấp MSVT.
Phấn đấu giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác cây trồng chủ lực, đặc sản tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp MSVT đạt từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Theo định hướng đến năm 2030, Quảng Nam chú trọng nhân rộng vùng sản xuất tập trung gắn với cấp MSVT cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản.
Phấn đấu 100% diện tích cây trồng chủ lực, đặc sản sản xuất tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp MSVT, trong đó có 4 - 5 vùng được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu. Kêu gọi và thu hút được 1 - 2 doanh nghiệp liên kết với HTX, tổ hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy định pháp luật để phục vụ xuất khẩu…