Rớt lại một cơn dông
(Đặc san 21/6) - Dông đen kịt ùn về phía biển. Loa ở bãi tắm liên tục phát cảnh báo và yêu cầu khách lên bờ “hiện nay trời đã tối, gió dông rất nguy hiểm, quý khách không nên chủ quan với sóng nước…”.
Cát cuộn xoáy mù mịt theo bước chân khách lục tục rời biển. Buồn nhất là các chị hàng rong. Quẩy gánh chạy mưa, gánh nào cũng oằn vai. Cả dãy hàng quán dọc bờ đê, vài ba quán chộn rộn khách, còn lại trống huơ. Biển chỉ đông đúc chen chúc những ngày cuối tuần.
Doi đất giữa sông và biển
Tôi đứng chỗ làng bích họa ngó xuống phía sông. Đôi ngõ nhà quanh co nhấp nhô. Ngọn dừa lao xao trên những con hẻm ướp hương sử quân tử và phất phơ giàn hoa giấy. Hàng quán ken dày. Giật mình, hóa ra nơi này dáng dấp phố thị từ khi nào không hay.
Thế đất vùng này cho người ta cảm giác đứng cao hơn biển hơn sông. Đất như sống lưng của con thuồng luồng trong truyện cổ tích ngày bé bọn trẻ con chúng tôi vẫn tin là thật. Một bên biển một bên sông thấp hẳn xuống. Doi đất ưỡn ngực như ước muốn kiêu bạc của loài người: chinh phục thiên nhiên.
Năm năm trở lại đây, từ thế đất biển - sông ấy, nhiều người trẻ bắt kịp xu hướng đã về đầu tư bài bản cho du lịch. Rất nhiều homestay dựng lên và hút khách nhờ vào địa thế. Chỗ Chang Villa là một ví dụ. Chủ có thể tự tin mà quảng bá view sông mát lành và chỉ cần dợm chân là tới biển. Sông nhiều chỗ đứt đoạn bởi hồ tôm nhưng vẫn đẹp hút hồn.
Tôi đi nhiều nơi, Sầm Sơn, Phú Quốc, Đà Nẵng mỗi nơi đẹp mỗi kiểu. Nhưng để trọn vẹn cảm giác yên bình, có lẽ là những dải cát biển ở Quảng Nam, mà Tam Thanh là nơi nghĩ đến đầu tiên. Có những thứ tự mặc định trong tâm thức, khó lòng thay đổi là vậy.
Như suốt dãy làng xóm này, khi cơn chộn rộn du lịch đổ về, quán xá dựng lên, khách tới hỏi Yal coffee chỗ nào thì chẳng ai biết, nhưng cứ bảo quán cà phê chỗ dốc Ông Ổi thì dân sẽ chỉ ngay. Âm vang của một nơi chốn, là trầm tích chứ không phải là những thứ lộng lẫy ào đến.
Du lịch chưa thể làm thay đổi xứ đất này, nhưng khoác lên nó những điều mới mẻ. Như quãng 5-7 năm trở lại đây, khi tháng Sáu hằng năm vào mùa lễ hội biển. Năm nay, diễn ra từ 14-30/6 với chủ đề “Tam Thanh - Biển trong xanh - Du lịch trong lành”.
Tôi loanh quanh chỗ quảng trường biển Tam Thanh trước tuần khai mạc lễ hội biển. Vắng hoe. “Chỗ ni thì vắng quanh năm chớ có chi mà coi. Qua phía bên nớ, quán xá đông đúc. Mỗi năm vài sự kiện được đem về đây tổ chức, còn lại thì để trống rứa cho gió còn có đường đi chớ”.
Ông già ngồi cạnh thúng chai ở đó nói bằng giọng tưng tửng khi tôi bắt chuyện. Nhưng hỏi tên hỏi nhà thì ông lắc đầu, xua tay: “Tui ớn mấy người đi xem đất, cò đất rồi giả đò hỏi ri hỏi tê”.
Chuyện ông già ớn, khiến tôi nhớ chị Ng., chị Th. - những người đàn bà buôn gánh bán bưng ở bãi biển. Các chị than, “đoạn nào chuẩn bị lễ hội chi là y rằng bị vận động di dời, dưới này họ không cho bán, kêu nhếch nhác, xả rác”.
Chị Th. cho tôi số điện thoại, chỉ nhà cặn kẽ với lời dặn, đất đẹp lắm, thổ cư nên ưng mua thì chuyển đổi. Mà tôi, thì chỉ ghé gánh cháo, ngồi bệt dưới cát húp sồn sột tô cháo sìa và lỡ miệng hỏi đất ở đây đắt hay rẻ. Rồi họ lại than, “mấy năm trước biết mấy người hỏi hông bán trất, cả năm ni hông ai hỏi tiếng mô”.
“Trong trường hợp cần thiết triển khai các dự án trong giai đoạn 2021- 2025, đề nghị tỉnh Quảng Nam:
(1) rà soát, cắt giảm các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa thực hiện, đang vướng thủ tục hoặc những dự án giải ngân chậm để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương vốn trong nước giai đoạn 2021-2025 cho dự án nêu trên, bảo đảm trong tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội quyết nghị.
(2) chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện dự án, phân kỳ đầu tư, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão”.
(Trích văn bản của Bộ KH&ĐT trả lời về việc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng Dự án kè chống sạt lở bờ biển Tam Thanh)
Cách nào để giữ bờ?
Chỉ là nhắc chuyện cơn lốc bất động sản ào đến những năm trước, nó cuốn phăng toan tính của nhiều người. Còn hai năm nay, là chuyện sạt lở. Ở doi đất này, năm 2000, khi dự án kè bảo vệ bờ biển Tam Thanh được đầu tư xây dựng thì hơn 3.000 hộ dân thuộc các thôn Hòa Hạ, Hòa Trung, Hòa Thượng không lo chuyện sóng lấn bờ.
Mùa mưa năm ngoái, vài đoạn kè cũ bị đánh bật. Nỗi lo toan quành trở lại trong mắt người làng. Với bổn phận, chính quyền xã lo trước bằng cách “kêu” trên các phương tiện truyền thông để mong có nguồn gia cố, sửa chữa những đoạn kè hỏng.
Chính quyền thành phố, cũng đã xoay xở tìm kiếm cơ hội với Cơ quan Hợp tác phát triển Italia cho dự án gia cố kè và trồng rừng phòng hộ ven biển xã Tam Thanh. Mọi thứ dừng ở kỳ vọng. Những khối bê tông kè biển bung ra hồi mùa mưa bão năm ngoái được gom lại.
Quảng Nam thấm đòn những mất mát vô cùng từ chuyện sạt lở ở bờ biển Cửa Đại. Nên với Tam Thanh, phải lo sớm và lo xa hơn. Ngày 28/3/2024, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội xem xét, hỗ trợ cho tỉnh khoảng 800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng khẩn cấp dự án kè chống sạt lở bờ biển Tam Thanh.
Quy mô đầu tư với chiều dài tuyến kè khoảng 6,5km (bao gồm sửa chữa, gia cố 3,5km kè hiện trạng và đầu tư mới 3km) đồng thời đầu tư kết nối giao thông đỉnh kè với các tuyến hiện trạng. Thời gian thực hiện từ năm 2024-2025.
Thư đi tin lại. Ngày 2/5, Bộ KH&ĐT có văn bản phản hồi, không đồng ý về việc cấp nguồn vốn này. Nghĩa là mọi thứ sẽ lại rơi vào chờ đợi. Quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước được trích dẫn cho lý do không đồng ý của Bộ KH&ĐT, thì địa phương sẽ còn dính mắc trăm thứ. Bởi nguồn đâu để bố trí làm kè? Và trong con mắt dòm chừng bởi thực trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” thì khó càng thêm khó.
Đàn ông đi biển. Người trẻ làm du lịch. Trăm sinh kế dân ở bờ… đều thảy liên đới đến đoạn kè ấy. Không kè cứng được thì kè mềm, phải có thứ gì đó giữ cho biển không ngoạm vào bờ. Mức độ biển xâm thực được đo đếm bằng các thông số kỹ thuật. Nhưng với người dân ở đây, cái đó khó thấy hơn là lượng khách đổ về mỗi mùa lễ hội. Nên nỗi lo sợ cũng chỉ dấy lên mùa biển động.
“Mùa hè, khách đông, sống cũng được” - giọng ông già Minh chỗ bãi xe chấp chới theo gió dông đập vào vách tôn sầm sập. Tôi đôi lần rơi tõm vào cơn dông ở thung lũng Tí Sé đầu nguồn. Nhưng có lẽ dông ở cửa biển đáng sợ hơn.
Ở núi, hãm vây chặt trong cơn sấm động, nhưng vẫn còn cảm giác được mình tồn tại. Còn ở biển, mọi thứ cuộn đi nhanh như tia chớp, quăng tất tật về phía mênh mông khôn cùng ngoài kia, không còn thấy gì. Nó khiến tôi nhớ những đợt sóng dữ đánh bật ở chân đê.
Chiều giữa tuần, biển thưa người. Chỗ quảng trường đi tới, đìu hiu khu du lịch từng một thời dập dìu khách hạng sang. Tôi ngồi ở bờ kè với những người đàn ông ở biển, họ nói về chuyến biển ngang sớm mai, họ bàn về tung tích hành giả Thích Minh Tuệ.
Tôi hỏi họ có quan tâm bản tin mới nhất trên các báo: “Ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng lên tiếng cho biết Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982”. Họ im lặng rồi thở dài: “Năm mô mà chẳng rứa. Biển của mình, mình cứ đi”.