Người Quảng Nam

Những làng di cư từ xứ Quảng

KHƯƠNG QUỲNH 27/06/2024 10:01

(Đặc san 21/6) - Gọi lên cái tên làng cũ ở vùng đất mới, như nghe có tiếng vọng về từ quê hương bản quán...

kq1.jpg
Đình Càn Rang ở thị trấn Dran ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) - nơi mang dấu ấn của những người di cư. Ảnh: K.Q

Đặt chân lên Tây Nguyên từ thuở vùng đất còn là nơi sơn lam chướng khí, nhiều người Quảng di cư lấy tên gọi làng xã ở quê đặt cho nơi ở mới. Tưởng chừng, họ bứng theo quê hương đặt ở xóm ấp mới với những điều thân thuộc.

Dấu chân người Quảng

Một chiều, bạn rủ: “Xuống Dran chơi đi”. Tưởng gì, rủ đi Dran là phải lên đường liền. Thị trấn cổ nhỏ bé nằm dưới chân đập Đa Nhim xanh biếc luôn có sức hút mãnh liệt. Ở đó, sức hút đôi khi đến từ việc ngồi nghe các cụ già kể chuyện xưa...

Hôm ấy đúng ngày đình Càn Rang rước lễ, ông Trương ngồi một góc sân đình. Đám trẻ vây quanh nghe ông kể chuyện khai hoang lập ấp, giọng rặt Quảng Nam.

Ông kể, ngày xưa, khi hồ thủy điện Đa Nhim xây dựng xong, xung quanh vẫn còn nhiều bãi đất trống. Người dân Nam - Ngãi - Phú - Bình (cụm danh từ chỉ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định) di cư vào, lập làng ấp dưới chân đập tạo thành thị trấn Dran đông vui và trù phú.

kq2.jpg
Đình Càn Rang ở thị trấn Dran ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) - nơi mang dấu ấn của những người di cư. Ảnh: K.Q

Khu vực lân cận Dran thu hút rất đông người Quảng di cư. Nơi nào có dấu chân người Quảng, nơi đó có những cái tên tưởng chừng như được “bê nguyên xi” từ xứ Quảng tới như Thạnh Mỹ, Quảng Lập, Quảng Hòa, Quảng Lạc (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), Trường Xuân, Thái Phiên, Sào Nam (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).

Họ khai phá vùng đất hoang sơ, rừng thiêng nước độc. Họ cùng chung sống, làm ăn biến thành nơi trồng lagim (rau củ), trà và cà phê bậc nhất cả nước.

Tây Nguyên ngoại trừ người bản địa như Ê Đê, K’Ho, Ba Na, Chu Ru… thì phần đông là dân nhập cư, người đi kinh tế mới. Đất đai vốn khắc nghiệt bởi rừng thiêng nhưng phì nhiêu màu mỡ, chỉ cần sức người, sự cần cù chịu khó sẽ thành làng mạc.

Tâm thức quê nhà

Tôi có duyên sinh sống hai năm ở xã Hòa Xuân, TP.Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Khi xưa, đây là nông trường rộng lớn, đất đai tươi tốt nên thu hút nhiều người Quảng đi xây dựng kinh tế mới.

kq3.jpg
Vườn cà phê của một người Quảng lập nghiệp ở xã Xuân Trường (Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: K.Q

Gia đình nào ổn định, có kế sinh nhai lại viết thư về, rủ rê họ hàng cùng vào làm ăn. Người trước mở đường cho người sau, họ lập làng lập ấp, sống xen kẽ, hòa thuận với người Ê Đê bản địa.

Bà Ba Liên quê ở Quế Sơn kể rằng, thời chiến tranh, nhiều người thân chết vì bom rơi đạn lạc. Bà chỉ cần đợi trong thư của cậu gửi về rằng “trong này sống được” là gói ghém lên đường vào Tây Nguyên.

Như những người Quảng khác, hành trang của người đàn bà tha phương có khi chỉ là một chiếc nồi sứt quai. Tình đồng hương, có lẽ khởi từ cái khốn khó, từ mong mỏi tìm điều thân thuộc ở đất mới.

Các thôn xóm ở Hòa Xuân vẫn mang tên hành chính như thôn 1, thôn 2, thôn 3… Nhưng ở thôn 2, người dân vẫn mặc định gọi đó là xóm Quảng. Những ngôi nhà ba gian hai chái cũ kỹ, mái ngói rêu phong bên những vườn rau có giàn mướp khóm bầu, gợi nhớ một góc rất quê nhà.

Có lần đi ăn tất niên xóm mà tôi cảm tưởng như đi dự… hội đồng hương Quảng Nam. Các ông bà già vẫn say sưa bàn luận ngày xưa bom đạn ở đâu dữ dội nhất, chuyện đi gác lúa, có đứa này để ý đứa kia thời nít ranh, vậy mà giờ đầu đã bạc.

Trò chuyện xưa chán chê lại hỏi nhau năm nay thu được mấy tạ tiêu, mấy tạ cà (cà phê), có đủ nuôi sắp nhỏ học đại học dưới thành phố. Trong câu chuyện của họ dường có niềm thương mến quê hương, có cả lòng biết ơn nơi miền đất mới. Một nơi là nguồn cội, một nơi cho chỗ trú ngụ và sinh kế nuôi sống vợ chồng con cái.

Như bà Ba Liên nói, cực chẳng đã người ta mới phải xa quê làm ăn. Chẳng ai giàu có, ổn định mà muốn xa quê cha đất tổ. Nhưng, quê nhà vẫn luôn “thâm căn cố đế” trong tâm khảm người Quảng xa xứ. Nó ăn sâu vào nếp nghĩ, sống ở đâu, họ cũng mang theo.

Cái tên, giọng nói hay tập quán… như các hạt giống gieo xuống miền đất lành. Chúng cứ thế bám rễ, ăn sâu, theo thời gian trở thành nguồn cội.

KHƯƠNG QUỲNH