Lâm nghiệp

Cộng đồng vùng cao Quảng Nam giữ rừng

ALĂNG NGƯỚC 28/06/2024 09:37

Sau những cuộc tuần tra, nhiều vụ vi phạm lâm nghiệp được phát hiện bởi các tổ bảo vệ cộng đồng, giúp hàng nghìn diện tích rừng ở Đông Giang, Tây Giang được an toàn, mở ra sinh kế cho người dân miền núi.

f0cc9f882b74822adb65.jpg
Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.N

Theo chuyến tuần tra

Tất cả dụng cụ đã sẵn sàng, thành viên của Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Aréc (xã A Vương, Tây Giang) lên đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng thuộc lâm phận quản lý. Nhóm tuần tra lần này có 7 người, họ đi đến tiểu khu xa nhất, nơi từng ghi nhận một cá thể rùa núi viền quý hiếm hơn 2 tháng trước.

Ông Ating Nhưng - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Aréc cho biết, nhiệm vụ tuần tra được thực hiện luân phiên, tiếp nối giữa các nhóm trong tổ, nhằm chặn đứng cơ hội để các đối tượng có hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Qua các chuyến tuần tra, nhiều vụ vi phạm được phát hiện, giúp kiểm soát môi trường rừng an toàn, nhất là trong việc tham gia tháo dỡ bẫy thú, phòng cháy rừng nguyên sinh.

Để hoạt động tuần tra bảo vệ rừng được triển khai chặt chẽ, bên cạnh trực tiếp tham gia các chuyến tuần tra, kiểm soát, thành viên tổ cộng đồng Aréc thay phiên lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các hộ nhận khoán tích cực hưởng ứng công tác phòng cháy chữa cháy, không chặt phá rừng trái phép, không săn bắt, bẫy động vật hoang dã… Nhờ vậy, hơn 1.000ha nhận khoán luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn và hiệu quả.

1d8337e69e563d086447.jpg
Hơn 2 tháng trước, trên đường tuần tra, Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Aréc phát hiện cá thể rùa núi viền quý hiếm, thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Đ.N

“Chúng tôi có 20 thành viên trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, đều có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu địa bàn. Bên cạnh tham gia các chuyến tuần tra, chúng tôi xây dựng kế hoạch tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm từ các nhóm cộng đồng lân cận để làm tốt hơn vai trò quản lý, bảo vệ rừng nguyên sinh, đầu nguồn” - ông Nhưng chia sẻ.

Không chỉ thôn Aréc, cả 16 Tổ bảo vệ rừng cộng đồng khác đang hoạt động trên địa bàn 2 huyện Đông Giang, Tây Giang cũng đã phát huy hiệu quả công việc tuần tra, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ rừng giao khoán. Từ hoạt động tuần tra, rất nhiều vụ vi phạm được phát hiện, kịp thời giải cứu động vật hoang dã trên lâm phận quản lý.

Điển hình mới đây là Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Aréh - Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) phát hiện và giải cứu một cá thể sơn dương bị mắc bẫy thợ săn, tạo lan tỏa lớn trong cộng đồng miền núi, giúp nhiệm vụ bảo vệ ngày càng được triển khai chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.

a3bf774ddafd79a320ec.jpg
Các tổ bảo vệ rừng cộng đồng nhận giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.N

Giữ “lá phổi” xanh

Năm 2023, Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang) phát hiện và tháo dỡ được 129 chiếc bẫy thú, sau nỗ lực triển khai các đợt tuần tra, kiểm soát lâm phận quản lý của cộng đồng địa phương.

Ông Bríu Tuần - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Bhờ Hôồng cho hay, cả thôn có 192 hộ gia đình tham gia bảo vệ, chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích nhận khoán hơn 1.014ha.

Từ nguồn hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng giúp công tác tuần tra, kiểm soát lâm phận được duy trì và tăng cường quản lý. Nhờ vậy, những năm trở lại đây, địa phương không phát hiện vụ vi phạm nào nghiêm trọng.

“Mỗi tháng, chúng tôi thực hiện 2 đợt tuần tra tại các tiểu khu 43, 45 và 47 thuộc lâm phận quản lý. Mỗi đợt tuần tra khoảng 5-6 người, kéo dài 4 ngày trong rừng với nhiệm vụ chính là tuần tra, kiểm soát hiện trạng rừng tự nhiên, tháo gỡ bẫy thú rừng, đẩy đuổi các đối tượng lạ mặt ra khỏi lâm phận quản lý.

Sau thời gian tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, người dân dần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, giữ màu xanh cho rừng, góp phần ngăn ngừa tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng tự nhiên trong cộng đồng” - ông Tuần bộc bạch.

Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam cho biết, có hơn 8.671ha rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ bởi các tổ bảo vệ rừng cộng đồng tại địa bàn 2 huyện Đông Giang và Tây Giang.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, thời gian qua, đơn vị tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền tại cộng đồng và các hộ gia đình, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân về nhiệm vụ giữ rừng.

“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ, nhóm cộng đồng nhận khoán tổ chức tuần tra tại các tiểu khu trong vùng lõi để tháo dỡ, tịch thu và phá hủy dụng cụ như bẫy thú, máy móc, lán trại của đối tượng săn bắt, khai thác lâm sản trái phép.

Đồng thời đẩy đuổi các đối tượng cư trú bất hợp pháp trong rừng; kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, cũng như kiểm tra giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ rừng của các cộng đồng nhận khoán theo Nghị định số 156 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Nhờ vậy, tình trạng người vào rừng để đặt bẫy, làm lán trại qua các năm giảm dần, giúp rừng nguyên sinh ngày càng được phục hồi nhanh chóng” - ông Sơn nói.

Chủ động bảo tồn gen và cung cấp vật liệu nhân giống các cây dược liệu tại Nam Trà My

Ngày 26/6, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1540 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khoanh nuôi, trồng bảo tồn chủ động để bảo tồn gen và cung cấp vật liệu nhân giống các cây dược liệu khác tại huyện Nam Trà My.

Các nội dung được phê duyệt nhằm bảo tồn nguồn gen gốc các loại cây dược liệu quý tại Nam Trà My; cung cấp vật liệu nhân giống đảm bảo số lượng và chất lượng giống, cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất trên quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân địa phương. Quy mô đầu tư bao gồm trồng bảo tồn, chủ động để bảo tồn gen và cung cấp vật liệu nhân giống cây dược liệu Sa nhân tím khoảng 2ha; đảng sâm 2 ha; đương quy 0,5ha, chè dây 0,5ha; khổ qua rừng, giảo cổ lam 0,5ha và sâm bảy lá một hoa khoảng 1,5ha. Dự án được đầu tư với tổng mức 5 tỷ đồng, thực hiện tại xã Trà Linh và Trà Nam. (ĐĂNG NGỌC)

Nam Giang trồng hơn 231,2ha cây ăn quả và gần 55ha dược liệu các loại

Giai đoạn 2016 - 2023, bên cạnh trồng hơn 231,2ha cây ăn quả (gồm bưởi da xanh, cam, bơ, măng cụt), Nam Giang trồng gần 55ha dược liệu các loại, thực hiện di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh, cũng như chứng nhận cây đầu dòng cho cây sâm bảy lá một hoa.

Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh triển khai công tác bảo tồn các vườn cây lòn bon tại Tà Pơơ; phát triển vườn cây cam vàng tại Chơ Chun; duy trì, phát triển các vườn cây cao su đại điền hơn 1.337ha và đưa vào khai thác hơn 765,5ha, với sản lượng khai thác mủ bình quân đạt 750-800 tấn/năm, tạo thu nhập tăng thêm cho người dân.

Giai đoạn 2016 - 2023, kinh tế lâm nghiệp tại Nam Giang tăng trưởng đạt tổng giá trị 82 tỷ đồng, thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 47.450ha rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn... (ĐĂNG NGUYÊN)

Hơn 74,6 tỷ đồng thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng tại Đông Giang

Văn phòng UBND huyện Đông Giang cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, địa phương huy động hơn 74,6 tỷ đồng thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, góp phần hiệu quả vào mục tiêu giữ rừng.

Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 25 tỷ đồng, ngân sách doanh nghiệp hơn 42,3 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 7,2 tỷ đồng. Từ các nguồn kinh phí huy động được, địa phương hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng hơn 51,2 tỷ đồng và hỗ trợ phát triển trồng rừng gần 23,4 tỷ đồng.

Thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, hằng năm Đông Giang thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ khoảng hơn 45.889ha rừng tự nhiên; trồng 37,71ha cây lim xanh tại rừng phòng hộ và trồng 1.139ha rừng gỗ lớn gồm quế, xoan. Ngoài ra, hỗ trợ trồng 96,8ha cây dược liệu gồm ba kích tím, bảy lá một hoa, chè dây, thổ phục linh, nghệ đen... (ALĂNG NGƯỚC)

ALĂNG NGƯỚC