Nam Giang giữ nhịp chiêng rung
Nối dài qua 6 lần tổ chức, lễ hội “Âm vang cồng chiêng” năm 2024 tiếp tục trở thành ngày hội chung của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Giang, tạo sức hút đặc biệt đối với du khách...
Chung vui trong ngày hội lớn
Từ thôn Công Dồn (xã Zuôih), anh Tơ Ngôl Đoóch cùng hơn 40 diễn viên, nghệ nhân của các thôn trong xã đã về thị trấn Thạnh Mỹ để góp mặt trong ngày hội lớn.
Qua nhiều lần tổ chức, đoàn diễn viên, nghệ nhân của xã Zuôih đã có sự chuẩn bị chu đáo, tập luyện kỳ công với mong muốn mang đến một màn trình diễn ấn tượng nhất, tranh tài với các xã, thị trấn khác trong toàn huyện.
Tơ Ngôl Đoóch nói, mỗi lần tổ chức lễ hội là một lần sống dậy niềm tự hào bản sắc dân tộc trong cộng đồng. Không chỉ đội diễn viên, nghệ nhân, mà người dân trong xã cũng đều mong muốn góp mặt trong ngày hội.
“Đoàn xã Zuôih tham gia trình diễn với hơn 40 nghệ nhân, diễn viên, trong đó có rất nhiều sinh viên và các bạn trẻ đang làm việc ở đồng bằng. Đoàn đã cố gắng nhất có thể để mang đến một phần trình diễn đẹp, đầy đủ nghi thức, điệu múa truyền thống của người Cơ Tu ở xã Zuôih.
Đến để giao lưu với đồng bào các dân tộc anh em trong toàn huyện, đoàn xã Zuôih cũng mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa đến đại biểu, du khách dự sự kiện văn hóa này” - Tơ Ngôl Đoóch chia sẻ.
Tham gia trình diễn tại sự kiện văn hóa “Âm vang cồng chiêng” lần thứ 6, Alăng Thị Nhung (xã Cà Dy) cho hay được đứng trên sân khấu, giới thiệu với đông đảo người dân và du khách về vẻ đẹp của phụ nữ Cơ Tu thông qua trang phục truyền thống là một cảm xúc khó quên.
“Đây là dịp để mọi người biết được đồng bào vùng cao Nam Giang luôn có ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa của cha ông mình. Văn hóa là thứ tài sản quý giá của cộng đồng, trong đó có trang phục truyền thống. Chính những sự kiện như thế này là cơ hội để lớp trẻ như tôi tự hào quảng bá vẻ đẹp của phụ nữ vùng cao” - Alăng Thị Nhung bộc bạch.
Dư âm ngày hội
Hai ngày tổ chức, với hàng loạt hoạt động trong chuỗi sự kiện của lễ hội “Âm vang cồng chiêng”, đồng bào vùng cao Nam Giang được đắm mình trong những hân hoan.
Lễ hội, trước hết đã đạt được mục đích phục vụ cho cộng đồng, để đồng bào các dân tộc thiểu số trên toàn huyện được giao lưu, gặp gỡ. Rất nhiều người dân, du khách đến chật kín sân vận động Thạnh Mỹ qua 2 đêm diễn ra ngày hội cho thấy hiệu quả quảng bá du lịch thông qua văn hóa, ẩm thực truyền thống người bản địa.
Từ TP.Đà Nẵng, Kring Thị Nhung (quê xã Đắc Pring) khi nghe thông tin về lễ hội đã thu xếp công việc để về dự hội.
“Trước đây, tôi đã từng tham gia trình diễn trong lễ hội “Âm vang cồng chiêng”, nhưng năm nay do đặc thù công việc nên không thể cùng tham gia tập luyện với đội diễn viên của xã, nhưng vẫn muốn được trở về để hòa cùng dân làng mình.
Vui hơn nữa là dịp lễ hội năm nay, tôi đưa được những người bạn ở dưới xuôi lên. Đây là cơ hội để tôi giới thiệu nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Nam Giang đến bạn bè” - Nhung tâm sự.
Chứng kiến không gian ngày hội, Huỳnh Thị Hằng, một người bạn của Nhung ở Tiên Phước nói rất ấn tượng với các vũ điệu, trang phục và nghi thức truyền thống các tộc người ở Nam Giang.
“Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm ngưỡng, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực vùng cao. Lễ hội đã giúp cho tôi hiểu hơn về bản sắc văn hóa độc đáo của các tộc người, biết đến những tập tục, nghi thức rất riêng biệt và để lại dấu ấn khó quên” - Hằng nói.
Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, nét mới trong lễ hội “Âm vang cồng chiêng” năm nay là sự hiện diện của 12 công trình gươl của người Cơ Tu và âng của người Ve, Tà Riềng được phục dựng ngay không gian tổ chức liên hoan. Phần trình chiếu trong lễ khai mạc cũng được khéo léo lồng ghép dựa trên mô hình một mái gươl lớn giữa sân khấu chính.
“Chúng tôi đã nỗ lực bảo tồn nguyên bản nhất các điệu múa, nghi thức truyền thống, tạo ra không gian trình diễn mang tính cộng đồng để vừa giữ gìn, giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa cho đông đảo nhân dân, vừa giới thiệu các nét đẹp độc đáo, giàu bản sắc đến đại biểu và du khách.
Hoạt động này nhằm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang (28/6), đồng thời giới thiệu bức tranh đa màu sắc, những phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng các tộc người, để tiếng chiêng, tiếng cồng của người miền núi ngân dài, vang xa…” - ông A Viết Sơn nhấn mạnh.