Quen lối tìm nhau
Những con hẻm tuy chỉ vài lần gặp gỡ, nhưng đâu đó, vẫn có những người vì quen lối mà ghé đến tìm nhau.
Hơn chục năm, tôi theo chồng rời quê lên phố. Chốn thị thành ngỡ toàn ồn ào, xa lạ nhưng đây đó vẫn thân thuộc những góc quen.
Khu chợ xép ven đường với những cụ già cắp nách từng rổ rau, mớ vả. Những quầy tạp hóa bé mọn, bên trong tối tăm, chỉ những chiếc hũ nhựa hướng ra đường mới đón đủ ánh sáng để trưng ra những kẹo cứng, kẹo mềm gợi dụ trẻ con.
Rồi những con hẻm, đôi khi chật chội nhưng lại đằm dịu, bình yên. Những con hẻm mà càng đi sâu càng rợp nhờ cây lá và những giàn ban công mềm mại phủ hoa. Vắng tiếng ồn, không khí mát mẻ, đây đó những mái hiên, ô cửa được thiết kế với kiến trúc, màu sơn sinh động, tùy ý khác nhau.
Những con hẻm là nơi mưu sinh, là chốn đi về. Tôi như tìm lại cảm giác sống ở quê nhà khi nhận ra con người từ hẻm nhỏ luôn gần gũi, thân thiện và cần nhau. Những gia đình dù tri thức hay lao động nghèo, mức thu nhập cao hay thấp thì cũng hiếm khi bày ra sự phân chia, ngăn cách về nhịp sống.
Người già của hẻm sẽ có những khoảng thời gian nhất định để sống chung. Họ cùng bày ra trước ngõ chum trà vào sáng sớm rồi tụm năm tụm bảy kể chuyện con cái, bệnh tật, nhức mỏi, thời tiết, nắng mưa.
Lúc chiều về, lối hẻm như càng đông vui bởi tiếng trẻ con túa ra chơi đùa chộn rộn. Những lúc hỉ sự, tang gia, vì lối đi hẻm chật nên khoảng sân nhà này trở thành điểm giữ xe cho nhà kia.
Mỗi gia đình đều cắt cử người chung tay xếp đặt, bưng bê, dựng rạp. Đầu hẻm, cuối hẻm mừng vui hoặc tiếc nuối như đang lo việc nhà mình.
Hẻm chật nhưng mềm mại. Những người sống trong hẻm lại khoan thai, hoài cổ, thích giữ nét nghề xưa.
Không ít lần lang thang, tôi bắt gặp những ông già sửa khóa, bà lão bán chè, chị gái bán bánh, người đàn ông luống tuổi đang cặm cùi mài dao. Thoáng qua, nhìn ai trong số họ cũng sơ sài, nhưng thực tế mỗi người đều từng trải với mấy chục năm tuổi nghề.
Suốt thời gian dài, nơi làm việc của họ là một chỗ ngồi dưới gốc cây vừa đủ bóng mát. Với bộ vật dụng đơn giản, không biển hiệu, lời rao nhưng họ luôn hảo chuyện, tận tâm phục vụ khách hàng. Riêng tôi, dù cắt tóc, ăn chè hay mua bánh, lần nào đến hẻm tôi cũng tìm thấy niềm vui.
Như lần này, từ nơi tôi ngồi chờ người thợ già “photocopy” chiếc chìa khóa, tôi thấy trên bức tường nhà phía đối diện được vẽ một bức tranh. Bức tranh hình bến sông, có chú trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ bên bụi tre già.
Phố đẹp vì đường rộng, nhà cao. Phố cũng đẹp hơn nhờ những thân thương, dịu dàng bừng lên trong từng con hẻm nhỏ. Sẽ còn nhiều lần nữa, tôi chậm lại, ghé đến, chạm vào thân thuộc như tìm về một lối thân quen.