Tạp văn

Gửi thương nhớ vào bộ sách cũ

THANH TRÚC 30/06/2024 08:30

“Chim cuốc kêu trưa nắng/ Hoa lựu nở đầu hè/ Như những đốm lửa đỏ/ Cứ lập lòe, lập lòe” (Hoa Lựu - Phạm Hổ).

z5383571531387_5534bdc0a6d9b68cdaa19eb38341fd02.jpg
Những cuốn sách tuổi thơ luôn theo bước chân mỗi người sau này. Ảnh: L.Q

Tiếng đọc non nớt vang lên giữa cái nắng chói chang của mùa hè. Đứa cháu nhỏ hãy còn diễn vần đang cố đọc hết thứ âm điệu từ lâu đã trở thành hoài niệm của nhiều thế hệ. Ngay lúc ấy, tôi thấy mình như chạm vào tiết trời oi ả của đầu hạ, bên những bông hoa lựu đỏ rực trước hiên nhà.

Mùa hè không chỉ là mùa chia xa, mùa nghỉ ngơi của đám học trò. Với những thế hệ 8X, 9X như tôi, còn là mùa “nhặt nhạnh” từng quyển sách cũ để dành cho năm học mới.

Thời mà mỗi bữa ăn còn chia nhau quả trứng luộc, có được bộ sách đi học đã là may mắn lắm. Chúng tôi nâng niu bộ sách giáo khoa khi nó được truyền lại từ anh chị trong nhà, rồi giữ gìn thật kỹ để tặng cho mấy đứa em út nhỏ hơn hoặc hàng xóm.

Đứa nào “nhặt” không đủ bộ sách để học, sẽ nài nỉ xem chung với mấy đứa cùng bàn cùng lớp. Thân lắm bọn bạn mới đồng ý “chia sẻ”, với luật bất thành văn là không được chạm hay viết gì vào đấy.
Bộ sách tiểu học của tôi được truyền từ chị hai, tới đứa út thì đã kịp trải qua mấy mùa bão nổi.

Những cuốn sách nhỏ dài chỉ bằng gang tay người lớn, bìa minh họa bằng tranh màu của họa sĩ. Chúng đẹp tới nỗi tôi đánh liều vẽ theo chi chít phía sau cuốn vở, dù vẫn biết nếu để cô thấy sẽ bị khẽ tay. Có lẽ trẻ thơ chính là cái tuổi mình có dư can đảm để làm những điều bản thân muốn, dù bị rầy la.

Mỗi khi bắt đầu năm học mới, tôi thích nhất là hí hoáy gỡ nhãn cũ, rồi nắn nót viết lại cái mới. Thấy tên mình trên bìa sách cùng lớp học cao hơn là cảm giác tự hào lại ùa tới, cứ nghĩ mình đã thành người lớn lắm rồi.

Càng lớn tuổi thì càng mau quên, vậy mà những kiến thức trong bộ sách giáo khoa tiểu học ngày trước vẫn in hằn. Đó là mấy bài thơ nhỏ dễ hiểu rộn vang góc trường những giờ tập đọc.

Là chú bói cá nghĩ về bữa trưa, là làm anh khó lắm phải đâu chuyện đùa, là giờ học Lao động - kỹ thuật cùng lắp chung mấy mô hình xe tải bằng vài thanh nhựa đục lỗ vặn cùng ốc vít, là hoài niệm những điều đã cũ nhưng vô cùng trân quý.

Với tôi, bộ sách giáo khoa tiểu học thời chưa cải cách là nơi chứa đựng nỗi thương niềm nhớ của một thời ngây dại. Tôi dốc thương nhớ vào một cái túi, cột kỹ. Thế rồi vì quanh năm mưa bão oằn lưng mà bộ sách ngày nào bị ẩm ướt, mối mọt.

Lúc đã đi làm được nhiều năm, tình cờ mở túi đựng sách, tôi òa khóc như lúc vẫn còn là đứa trẻ tiểu học, khi thấy kỷ niệm của mình đã chẳng còn hiện hữu bằng thực thể. Dòng chữ trên cái nhãn tên ngày nào cũng mờ căm, xa xôi quá đỗi.

Những cuốn sách ngày cũ đã trở nên trơ trọi bởi thời gian, thời tiết, nhưng tri thức cùng tình cảm đọng lại vẫn cứ xoay vần, khi nghe đứa cháu nhỏ đọc bài nào đó quen thuộc. Sự kế thừa, tiếp nối ở những cuốn sách ngày nay làm những người ở thế hệ chúng tôi chợt ấm lòng như sưởi lửa đêm đông.

Ngày ấy, chú bói cá chỉ nghĩ về bữa trưa, nhưng giờ đây, có lẽ, chú đang nghĩ cách gửi thương nhớ này vào một miền ký ức của bao thế hệ:

“..Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc: Bài viết tập: Tôi đi học”.

THANH TRÚC